Kỳ họp thứ Tư, QH Khóa XII

27/10/2008

* Dự thảo Luật Thi hành án dân sự: Cực kỳ chi tiết nhưng vấn đề “to đùng”như tổ chức cơ quan thi hành án dân sự lại không được luật hóa * Dự thảo Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi): Công dân Việt Nam có thêm quốc tịch nước ngoài sẽ được tạo điều kiện để hưởng các quyền công dân và làm các nghĩa vụ công dân phù hợp với hoàn cảnh sống xa đất nước

      Sáng 25.10, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH làm việc tại Hội trường, thảo luận về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thi hành án dân sự trước khi dự thảo luật này được xem xét thông qua vào cuối Kỳ họp.

 

      Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi hành án dân sự của UBTVQH do Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba trình bày. Mặc dù đánh giá cao tính chi tiết của dự thảo Luật, ít điều khoản phải giao Chính phủ, các Bộ, ngành hướng dẫn thi hành và đã khắc phục được tình trạng luật khung, luật ống nhưng các ĐBQH vẫn chưa hài lòng với các quy định về tổ chức bộ máy cơ quan thi hành án dân sự.

 

      Theo ĐB Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh), dự thảo Luật cực kỳ chi tiết, quy định chi tiết đến cả nội dung đơn yêu cầu thi hành án, nhưng vấn đề to đùng là tổ chức bộ máy cơ quan thi hành án dân sự như thế nào lại không được luật hóa mà giao cho Chính phủ hướng dẫn. Còn ĐB Trần Quốc Vượng (Lai Châu) thì cho rằng quy định như dự thảo Luật về tổ chức cơ quan thi hành án dân sự là không mạch lạc, đề cập đến tổ chức thi hành án của cấp tỉnh, huyện nhưng lại không nói tổ chức cơ quan thi hành án ở cấp Trung ương sẽ như thế nào? Nguyên tắc tổ chức cơ quan thi hành án dân sự không rõ ràng, theo mô hình ngành dọc thống nhất hay mô hình song trùng trực thuộc? Nếu căn cứ theo Điều 179 về quyền hạn của Bộ Tư pháp và Điều 185 về trách nhiệm, quyền hạn của chính quyền địa phương như dự thảo Luật thì tổ chức cơ quan thi hành án dân sự sẽ theo mô hình ngành dọc. Nhưng cơ quan ở Trung ương gọi là gì - không biết -chỉ biết là trực thuộc Bộ Tư pháp còn ở cấp tỉnh, huyện lại gắn kết với chính quyền địa phương như một cơ quan độc lập với Trung ương – Quy định như vậy là rất mập mờ. ĐB Trần Du Lịch dứt khoát đề nghị QH phải xem xét, quyết định và quy định ngay trong luật về tổ chức bộ máy của cơ quan thi hành án dân sự; hoặc phải quy định các nguyên tắc cơ bản về tổ chức bộ máy cơ quan thi hành án dân sự, tức là phải làm rõ cơ quan thi hành án dân sự được tổ chức theo mô hình nào? Nếu là thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương xuống địa phương và do Bộ Tư pháp trực tiếp quản lý thống nhất thì ở cấp Trung ương là cơ quan nào? Cấp tỉnh, huyện là cơ quan nào; Biên chế ngân sách của cơ quan thi hành án trong cả nước có thuộc Bộ Tư pháp không hay là do chính quyền các cấp quyết định? Phải quy định rõ những vấn đề này thì mới có cơ sở giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể – Tán thành với quan điểm này, ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) cũng đề nghị: Dự thảo Luật cần quy định rõ hơn việc Uãy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có chức năng quản lý Nhà nước về thi hành án dân sự tại địa phương hay không? Cơ quan thi hành án dân sự giúp Uãy ban nhân dân các cấp chỉ đạo tổ chức công tác thi hành án dân sự tại địa phương là giúp với tư cách gì?

 

      Buổi chiều, QH thảo luận ở Hội trường về một số nội dung có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi).

 

      Theo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi), UBTVQH tán thành đề xuất của Chính phủ về việc sửa đổi nguyên tắc về quốc tịch Nhà nước ta cho phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của một bộ phận người Việt Nam đã định cư ở nước ngoài nhưng vẫn muốn được giữ quốc tịch Việt Nam. Như vậy, công dân Việt Nam có thể vừa giữ quốc tịch Việt Nam vừa có thêm quốc tịch nước khác. Về nguyên tắc, quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam dù là một quốc tịch hay hai quốc tịch là như nhau. Tuy nhiên, thực tiễn pháp luật và tập quán quốc tế cho thấy: công dân có 2 quốc tịch và đang định cư ở nước ngoài thì không thể và cũng không có điều kiện để thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ công dân như công dân trong nước. Hơn nữa, pháp luật hiện hành của Nhà nước ta cũng hầu như chưa có quy định nào về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các công dân Việt Nam có 2 quốc tịch và đang định cư ở nước ngoài nên UBTVQH đề nghị: xác định ngay trong Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi) các quy định mang tính nguyên tắc chung làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của bộ phận công dân này; bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng trong chính sách quốc tịch của Nhà nước ta; đồng thời cũng là căn cứ để các văn bản pháp luật chuyên ngành điều chỉnh khi có các nội dung liên quan. Theo đó, người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam, được nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo đảm các quyền công dân và phải làm tròn các nghĩa vụ công dân đối với nhà nước và xã hội theo quy định của pháp luật; Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chính sách để công dân Việt Nam ở nước ngoài có điều kiện hưởng các quyền công dân và làm các nghĩa vụ công dân phù hợp với hoàn cảnh sống xa đất nước; Quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

P. Thúy

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác