Sau 8 ngày làm việc, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII đã thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2008, phương hướng nhiệm vụ và ngân sách Nhà nước năm 2009, về dự kiến Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2009 và thảo luận về 7 Dự án Luật.
Một điểm rất dễ nhận thấy tại các phiên thảo luận, những ý kiến trùng lặp, chung chung đang dần được hạn chế, thảo luận đi vào thực chất hơn. Với không khí thảo luận sôi nổi, đầy trách nhiệm, đa số các đại biểu Quốc hội đã tập trung vào những vấn đề có trọng tâm, được nhân dân quan tâm và các giải pháp họ đưa ra có sức thuyết phục cao.
Dự án Luật quy hoạch đô thị lần đầu tiên được đưa ra thảo luận tại Hội trường và đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu. Các đại biểu cho rằng, Việt Nam đang có tốc độ phát triển đô thị lớn, nhưng bộ mặt đô thị hiện nay còn rất “nhom nhem”, không theo một hệ thống thống nhất, quy hoạch đô thị hiện nay đang “băm nát” đô thị... Vì thế cần có một khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.
Trong Dự án Luật này, các vấn đề đại biểu quan tâm nhất công tác quy hoạch. Bởi một thực tế hiện nay là công tác này còn nhiều yếu kém, hiệu quả chưa cao. Việc quản lý kiến trúc đô thị không có định hướng, chắp vá và thiếu bản sắc. Ở bất kỳ đô thị nào, người dân cũng rất bức xúc với việc các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị được “đào bới” thường xuyên, làm mất trật tự an toàn giao thông và gây lãng phí lớn cho Nhà nước. Các đại biểu cho rằng, “căn bệnh” chính của tình trạng này là việc quy hoạch đô thị chưa đồng bộ với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của cộng đồng dân cư. Có nơi là do “bóc ngắn, cắn dài” nên dẫn đến tình trạng “quy hoạch treo”, có nơi lại “quy hoạch theo nhiệm kỳ” của cán bộ lãnh đạo. Các đại biểu đề nghị nên đưa ra trưng cầu ý kiến của nhân dân và nên tổ chức các buổi thảo luận sau kỳ họp Quốc hội.
Về Dự án Luật Bảo hiểm Y tế, các đại biểu đều thấy rằng, việc ban hành Luật là cấp thiết, để thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, tạo nên những thay đổi quan trọng trong cơ chế, chính sách tài chính y tế, góp phần hình thành và hoàn thiện chính sách an sinh xã hội ở nước ta.
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm ở dự án Luật này là cần có cơ chế khuyến khích nông nông dân tham gia BHYT. Nông dân chiếm tỷ lệ lớn dân số nước ta và đa số họ là nghèo. Mặc dù Nhà nước đã có quy định hỗ trợ cho các hộ cận nghèo, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi... song vẫn còn hàng chục triệu nông dân chưa tham gia BHYT. Vì thế Nhà nước cần có sự hỗ trợ cho nông dân trong việc tham gia BHYT. Điều này thể hiện sự quan tâm của Quốc hội, sự quyết tâm của Nhà nước trong việc chăm lo đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, có 2 luồng ý kiến về việc hỗ trợ nông dân tham gia BHTY. Một số đại biểu thì cho rằng, nên quy định, mức hỗ trợ thấp nhất nên quy định là 30% mệnh giá thẻ BHYT, để họ có điều kiện chăm sóc sức khoẻ, nhất là các đối tượng vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Còn nếu quy định như trong Dự thảo Luật còn chung chung, dễ gây ra sự hiểu nhầm, làm giảm tính khả thi của Luật.
Luồng ý kiến thứ hai thì cho rằng, việc Nhà nước hỗ trợ một phần để người nông dân tham gia BHYT đã thể hiện sự quan tâm đối với nông dân. Không nên quy định tỷ lệ hỗ trợ cụ thể, việc này nên giao cho Nhà nước quyết định phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội ở từng giai đoạn.
Dự án Luật Giao thông đường bộ cũng nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri cả nước và các đại biểu Quốc hội. Nhiều đại biểu quan tâm đến việc đồng bộ giữa quy hoạch giao thông vận tải với quy hoạch ngành, lĩnh vực, nhất là quy hoạch về đất đai, quy hoạch xây dựng đô thị. Nhiều đại biểu cho rằng, “quy hoạch phát triển giao thông đường bộ được lập cho 10 năm và định hướng phát triển ít nhất cho 10 năm tiếp theo” là cứng nhắc, không phù hợp với thực tế. Vì việc quy hoạch còn phụ thuộc vào ngân sách của Nhà nước, mật độ dân số, việc hợp tác của các Nhà đầu tư… Vì thế, việc này nên giao việc quyết định cho Chính phủ để việc phát triển giao thông không theo kịp với sự phát triển kinh tế-xã hội.
Cũng liên quan đến quy hoạch giao thông đường bộ, một số ý kiến cho rằng, cần quy định tỷ lệ quỹ đất giao thông đường bộ trong đô thị là từ 20-25%. Nhưng nhiều đại biểu không tán đồng ý kiến này và cho rằng, việc quy định tỷ lệ quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải căn cứ vào tình hình thực tế và phù hợp với từng cấp, loại đô thị và quy hoạch nói chung. Nếu quy định quỹ đất quá nhiều sẽ không đủ quỹ đất để xây dựng các công trình khác, còn nếu quy định quỹ đất quá ít sẽ không đảm bảo được yêu cầu giao thông trong đô thị.
Trong tuần làm việc vừa qua, các đại biểu cũng đã nghe và thảo luận các báo cáo của Chính phủ, của ngành Toà án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân cũng như các báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.
Trong tuần tới, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian tiếp tục thảo luận các vấn đề về thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2008; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009.
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, cử tri và nhân dân cả nước đang quan tâm và phấn khởi trước những đóng góp của các đại biểu Quốc hội vào những vấn đề trọng đại quốc kế dân sinh và những bức xúc của nhân dân trong đời sống xã hội. Và quan trọng hơn cả là sau mỗi kỳ họp, Quốc hội có những giải pháp kịp thời, tạo sự chuyển biến về những vấn đề được quan tâm, xứng đáng với lòng tin cậy của cử tri./.