Sáng nay, 23-10, ĐBQH thảo luận tại tổ: Giám sát chủ yếu vẫn là nghe báo cáo

24/10/2008

(SGGP 12G) Sáng nay, 23-10, các ĐBQH đã tiến hành thảo luận ở tổ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009; và chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2009.

Giám sát chưa sâu, chưa nhiều

Nhiều ĐBQH cho rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho biết hiện nay, đi giám sát chủ yếu vẫn là nghe báo cáo, không có thời gian đi sâu làm rõ nhiều vấn đề.

ĐB Ngô Minh Hồng, Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM cũng đồng tình rằng, do 2/3 ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm, nên thời gian dành cho nhiệm vụ giám sát không nhiều. Theo bà Hồng, chính vì thế, hoạt động giám sát của Quốc hội nên chọn lọc hơn, đi được tận cùng vấn đề.

ĐB Trần Du Lịch kiến nghị các chuyên đề giám sát cần đi sâu hơn, làm thực chất, phân tích rõ các nguyên nhân, đưa ra được kiến nghị giải quyết. Kinh nghiệm là nếu đoàn giám sát có đại diện các bộ, ngành liên quan tham gia thì sẽ đạt được hiệu quả cao hơn.

Nhiều đại biểu đề nghị trong năm 2009, nên chọn 2 chuyên đề giám sát là: chương trình giáo dục phổ thông và việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa; việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Riêng chuyên đề về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, các ĐBQH cho rằng nên giao cho các ủy ban của Quốc hội giám sát.

Có đại biểu còn kiến nghị Quốc hội cần thực hiện chuyên đề giám sát về giải quyết khiếu nại – tố cáo của công dân trong năm 2009, vì đây là vấn đề đang rất nóng, liên quan đến nhiều vấn đề khác của đời sống xã hội.

Luật nên ưu tiên các vấn đề bức xúc

Cũng giống như giám sát, các ĐBQH cho rằng hoạt động lập pháp của Quốc hội cần đi vào thực chất hơn. Theo tờ trình của UBTVQH, năm 2009, sẽ trình Quốc hội thông qua 25 dự án luật. ĐB Ngô Minh Hồng nhận xét: dường như khi đưa vào tờ trình, các cơ quan soạn thảo cố đưa bằng được các dự luật, và sau đó, Quốc hội cũng phải… cố thông qua.

Bà Hồng đề nghị đổi mới hoạt động làm luật theo hướng những vấn đề nào thật cần thiết, thật bức xúc thì tập trung làm sớm; vấn đề nào chưa cần thiết thì không cần cố đưa vào chương trình: “Chẳng hạn, Luật Đất đai kỳ này chưa trình được vì chưa chuẩn bị xong. Nhưng đây là vấn đề nóng nên có thể sắp xếp để năm tới thông qua ngay tại một kỳ họp”.

Nghiên cứu khá kỹ tờ trình của UBTVQH, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị trong năm 2009, Quốc hội cần ưu tiên xây dựng các luật liên quan đến hoàn thiện thị trường tài chính và thị trường bất động sản, bởi đây chính là nguyên nhân gây ra bất ổn vĩ mô trong thời gian qua.

Các đại biểu cũng yêu cầu Chính phủ cần giải trình tại sao rút một số luật trong chương trình năm 2008. “Chương trình xây dựng luật do Quốc hội thông qua, nếu muốn rút cần được Quốc hội cho phép, chứ không thể cứ muốn rút là rút như vậy” – ĐB Trần Du Lịch bức xúc.

Chiều nay, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại hội trường về các báo cáo của ngành tư pháp, báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

 

HÀM YÊN

(http://www.sggp.org.vn/)

Các bài viết khác