Kỳ họp thứ Tư, QH Khóa XII

20/10/2008

Hôm qua, 18.10, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, QH làm việc tại Hội trường, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý của UBTVQH đối với dự án Luật Công nghệ cao và dự án Luật Đa dạng sinh học.

* Dự án Luật Công nghệ cao: Ưu tiên phát triển đầu vào hay đầu ra của công nghệ cao?

* Dự án Luật Đa dạng sinh học: Quá nhiều điều khoản giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết nhưng dự thảo Nghị định cũng không rõ ràng

     

 

      Các ĐBQH cơ bản tán thành với các nội dung tiếp thu, chỉnh lý của UBTVQH về dự án Luật Công nghệ cao; dự thảo mới vừa chặt chẽ vừa có tính hệ thống, kế thừa được các văn bản có liên quan trước đây vừa có nhiều quy định mang tính đột phá như các quy định ưu đãi về đất, kinh phí đầu tư, thuế và các cơ chế đào tạo nhân lực công nghệ cao... Theo đánh giá của ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), chưa có dự thảo luật nào mà các chính sách ưu tiên của Nhà nước lại được khẳng định với những từ ngữ ở mức độ mạnh nhất như đối với dự thảo Luật Công nghệ cao: huy động mọi nguồn lực, áp dụng đồng bộ những mức ưu đãi cao nhất, dành cơ chế đặc biệt, dành cơ chế tài chính đặc thù... Khẳng định chủ trương ưu tiên phát triển công nghệ cao là lựa chọn tất yếu của các quốc gia nghèo nhưng đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cũng băn khoăn vì theo như dự thảo Luật thì không biết Nhà nước sẽ ưu tiên phát triển đầu vào hay đầu ra của công nghệ cao? Trong điều kiện nền kinh tế đất nước còn nghèo, nghiên cứu công nghệ nói chung và nghiên cứu công nghệ cao lại nhiều rủi ro, việc ưu tiên phát triển công nghệ cao ở đầu vào vừa không phù hợp với kinh tế thị trường, vừa khiến nhà nước phải chịu những tổn thất lớn về kinh tế, thời gian. Hợp lý hơn cả, nhà nước nên tập trung ưu tiên hỗ trợ đầu ra cho công nghệ cao bằng cách mua sản phẩm công nghệ cao với giá cao hoặc tạo cơ chế, hỗ trợ để các doanh nghiệp mua sản phẩm công nghệ cao. Nhiều đại biểu tán thành quan điểm này và đề nghị phải xác định đúng thứ tự ưu tiên trong phát triển công nghệ cao, tránh dàn trải, lãng phí và nên tập trung vào việc ứng dụng công nghệ cao hơn là mày mò nghiên cứu với độ rủi ro cao.

 

      Các quy định liên quan đến ưu tiên phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao của dự thảo luật cũng khiến nhiều đại biểu băn khoăn. Mặc dù, phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao được xác định là nhóm nhân tố mang ý nghĩa quyết định phát triển công nghệ cao nhưng dự thảo luật mới quy định chung chung, thậm chí nếu không được quy định tại Luật này thì việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao cũng vẫn được hưởng các chính sách tương tự. Theo ĐB Trần Đình Nhã (Bà Rịa-Vũng Tàu), dự  thảo luật nói là thực hiện các biện pháp, cơ chế ưu đãi đặc biệt như bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ bảo hiểm thì thực chất là không có gì lớn. Dự thảo quy định ngân sách cho giáo dục hàng năm phải có kinh phí để chọn, cử người đi học nước ngoài về công nghệ cao nhưng lại không quy định được ưu tiên như thế nào trong việc tuyển chọn, dành bao nhiêu phần trăm ngân sách... Hay tôn vinh, khen thưởng và tạo điều kiện cho cán bộ đi giao lưu, hợp tác quốc tế thì là việc bình thường, ngành, nghề nào có thành tích xuất sắc cũng được hưởng các chế độ đó. ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đăk Lăk) cũng đề nghị cần phải có cơ chế để bảo đảm tính khoa học của công nghiệp công nghệ cao.

 

      Cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đa dạng sinh học, các đại biểu cho rằng: Dự án luật đã đủ điều kiện thông qua tại Kỳ họp thứ Tư. Tuy nhiên, nhiều đại biểu bày tỏ không hài lòng khi dự thảo luật vẫn còn quá nhiều điều khoản giao Chính phủ, các bộ hướng dẫn chi tiết; Trong khi đó, dự thảo nghị định kèm theo vẫn quy định chung chung, y như dự thảo luật. Làm một thống kê nhanh, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) chỉ ra gần 30 điều giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 5 bộ hướng dẫn chi tiết; trong đó có 6 điều mà căn cứ theo dự thảo Nghị định của Chính phủ thì hoặc là được quy định rất sơ sài hoặc là không được quy định. Ví dụ Điều 21, dự thảo Luật ghi rất rõ là “trách nhiệm lập, thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn cấp quốc gia” giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện nhưng dự thảo Nghị định không thấy hướng dẫn gì; Hay khoản 3 điều 37 ghi: Chính phủ ban hành danh mục loại nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nhưng đại biểu tìm mỏi mắt trong dự thảo nghị định để xem danh mục này gồm những loài nào-thì cũng không thấy. Điều 46, Điều 48 cũng tương tự như vậy. Nhiều đại biểu khác cũng có cùng băn khoăn này và đề nghị: Cần thực hiện đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Đồng thời để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống và áp dụng được ngay thì khi QH xem xét, thông qua, Chính phủ phải trình dự thảo nghị định chi tiết, cụ thể để ĐBQH xem xét xem Chính phủ có hướng dẫn đúng với tinh thần của Luật hay không; chống tình trạng dự thảo nghị định trình cho có.

P.Thuý

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác