Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2008, nhiệm vụ phát triển KT - XH và phân bổ ngân sách năm 2009

18/10/2008

ND - Ngày 17-10, các đại biểu QH thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2008; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009 và phân bổ ngân sách năm 2009.

Tại các tổ có phóng viên Báo Nhân Dân dự, hầu hết các ý kiến phát biểu đều bày tỏ sự nhất trí với Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2008 và nhiệm vụ năm 2009 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày. Ðối với từng vấn đề cụ thể, các đại biểu QH đã đóng góp nhiều ý kiến.

Về việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô,  nhiều đại biểu khẳng định và nhất trí với Báo cáo về những kết quả quan trọng đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời nêu rõ: Hiện nay, mức lạm phát còn cao, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, bất ổn có thể kéo dài và còn gây những ảnh hưởng xấu đến kinh tế nước ta. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục tập trung cho kiềm chế lạm phát hơn là tập trung mục tiêu tăng trưởng. Bên cạnh đó, cần đánh giá sâu sắc hơn những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm phát cao, nhất là những nguyên nhân chủ quan để có biện pháp kiềm chế thích hợp, chính xác. Cần đánh giá, rà soát lại trong tám giải pháp kiềm chế lạm phát, giải pháp nào đang phát huy hiệu quả cần tiếp tục triển khai, giải pháp nào không còn phù hợp với tình hình thực tế để có thể điều chỉnh.

Một số ý kiến nhận xét, trong lĩnh vực tiền tệ, Báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ những hạn chế và yếu kém trong  công tác điều hành chính sách tiền tệ và quản lý ngoại hối. Vừa qua, việc các ngân hàng tăng lãi suất cho vay và lãi suất huy động vốn đã gây ra những tác động đối với nhiều doanh nghiệp. Có ý kiến đề nghị Chính phủ cần có chính sách giúp các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân trong nước tháo gỡ vướng mắc bằng cách giảm bớt một số loại thuế, tăng các nguồn vốn vay...

Nhiều đại biểu cho rằng, cần kiểm tra hiệu quả việc sử dụng nguồn vốn của nhà nước tại các tập đoàn kinh tế lớn và tổng công ty, bởi trên thực tế hiện nay, một số đơn vị này đang đầu tư vào những lĩnh vực không đúng chuyên ngành của mình gây thất thoát và không hiệu quả. Nhiều đại biểu khẳng định, trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, các cơ quan liên quan chưa theo kịp diễn biến của tình hình thế giới, dẫn đến hiện tượng lúc giá gạo cao thì giữ lại không xuất khẩu. Ðiều này không những làm ảnh hưởng  kinh tế đất nước mà còn gây thiệt hại lớn đối với đời sống người nông dân.

Ðối với vấn đề giáo dục, một số đại biểu cho rằng, nền giáo dục nước nhà vẫn chưa tìm ra được mô hình chuẩn để phát triển. Ðặc biệt, hiện nay, nhiều loại hình giáo dục, đào tạo được phát triển, mở rộng ở khắp các địa phương trong cả nước nhưng chất lượng thấp. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát để có thể cân đối giữa số lượng và chất lượng trong giáo dục, đào tạo. Chương trình kiên cố hóa trường học là rất cần thiết và quan trọng nhưng chưa có cơ chế và chính sách cho công tác đền bù và giải póong mặt bằng, khi triển khai gặp nhiều khó khăn. Trong lĩnh vực y tế, các trạm y tế xã đang xuống cấp do nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là thiếu y, bác sĩ sẵn sàng nhận nhiệm vụ tại cơ sở.

Trong công tác bảo vệ môi  trường, nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc trước hiện tượng nhiều doanh nghiệp sản xuất cố tình không chú trọng công tác này gây ô nhiễm nghiêm trọng đối với môi trường, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc xử lý rác thải y tế tại các bệnh viện. Có đại biểu đề nghị cần xử lý thật nghiêm những doanh nghiệp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường để làm gương.

Ðối với đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, một số đại biểu khẳng định, trong những năm qua nhờ sự quan tâm, đầu tư và hỗ trợ của nhà nước, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng núi từng bước ổn định hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo còn lớn, thiếu đất sản xuất. Vì vậy, nhà nước cần tiếp tục có chính sách đầu tư, hỗ trợ để giúp nhân dân xóa nghèo bền vững thông qua các chương trình phát triển rừng, chăn nuôi, lương thực, nâng cấp hệ thống thuỷ lợi, đường giao thông... phù hợp từng vùng cụ thể.

Bên cạnh đó, cần xem xét lại công tác quy hoạch và quản lý đất đai bởi ở nhiều nơi trong khi nhân dân còn thiếu đất sản xuất thì lại tăng cường lấy đất nông nghiệp để xây dựng các khu công nghiệp, khách sạn, khu nghỉ mát... Ðối với hoạt động của ngành điện, nhiều đại biểu QH cho rằng, trong thời gian qua, ngành điện chưa thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ sản xuất và bảo đảm đời sống nhân dân. Có tỉnh, ngành điện lực nhận lệnh từ trên phải cắt điện mà không được giải thích nguyên nhân rõ ràng, gây thiệt hại cho sản xuất và bức xúc trong tâm lý nhân dân. Vì vậy, cần xem xét điều chỉnh quy hoạch của ngành điện Việt Nam.

Về những chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2009, nhiều đại biểu phát biểu ý kiến trao đổi về tốc độ tăng GDP khoảng 7% và nêu rõ: Chính phủ chưa đưa ra được những cơ sở khoa học vững chắc và chính xác, chưa phân tích sâu những yếu kém, hạn chế để khẳng định mức tăng trưởng 7% là hợp lý. Vì vậy, nên giữ mức tăng trưởng GDP khoảng từ 6,5% đến 7%. Một số đại biểu khác băn khoăn về chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 1,7 triệu người, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 12%... là khó có thể thực hiện được trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động bất ổn và các doanh nghiệp trong nước đang gặp nhiều khó khăn.

Thảo luận về dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2009, phương án phân bổ ngân sách Trung ương (NST.Ư) và bổ sung ngân sách địa phương (NSÐP) năm 2009, phần lớn các ý kiến của đại biểu QH đều nhất trí với dự toán NSNN năm 2009, phương án phân bổ NST.Ư và bổ sung NSÐP do Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước QH tại phiên họp khai mạc, và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-ngân sách của QH do Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển trình bày.

Một số ý kiến lưu ý rằng, trong điều kiện nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, năm 2009, nền kinh tế nước ta đứng trước những khó khăn, thách thức lớn hơn trước, cho nên cần nhấn mạnh mục tiêu tổng quát mà Chính phủ đề ra cho năm 2009 là: Tiếp tục thực hiện kiềm chế lạm phát theo hướng giảm dần, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì tăng trưởng bền vững.

Ðặc biệt, cần cơ cấu lại ngân sách (cả thu và chi) cho phù hợp với thực tiễn quản lý nền kinh tế trong điều kiện lạm phát, tăng thu nhưng không làm tăng gánh nặng thêm cho nền kinh tế, tiết kiệm chi ngân sách, ưu tiên đầu tư cho con người; bảo đảm an sinh xã hội, dành sự đầu tư thỏa đáng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu và xa.

Có ý kiến cho rằng, cần tận dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi hiện có trong ốa đói giảm nghèo (XÐGN), xây dựng chính sách đặc thù để XÐGN nhanh hơn, hiệu quả hơn ở 61 huyện nghèo của cả nước, nhưng cần động viên, hướng dẫn để các hộ nghèo "bật" lên, tự thoát ra khỏi đói nghèo dưới sự trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng xã hội.

Một số đại biểu QH đề nghị về chính sách thu NSNN năm 2009 cần cố gắng bảo đảm kế hoạch thu trong điều kiện thực hiện một số luật thuế có tính giảm thu; lưu ý thu có hiệu quả Luật Thuế thu nhập cá nhân (có hiệu lực từ ngày 1-1-2009); sự biến động "lên, xuống" của giá dầu thô; mối quan hệ giữa tăng trưởng GDP với tốc độ tăng giá.

Trong việc chi NSNN, cần nhấn mạnh việc chi tiêu hợp lý, chống lãng phí và thực hành tiết kiệm, bảo đảm chi cho đầu tư phát triển, chi bảo đảm an sinh xã hội (có vấn đề cải cách tiền lương, giải quyết việc làm, XÐGN, giáo dục và y tế...), cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân; cân nhắc tỷ lệ bội chi NSNN năm 2009 là 4,8% GDP vẫn còn cao.

Nhiều đại biểu QH đồng tình phương án phân bổ chi NST.Ư chiếm 65,3% tổng chi NSNN, và chi bổ sung NSÐP là 34,7% tổng chi NSNN, đồng thời tạo điều kiện để các địa phương có thêm các khoản thu khác để bảo đảm chi phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trong thảo luận ở tổ, các đại biểu QH cho nhiều ý kiến cụ thể vào việc chi cho sự nghiệp y tế, giáo dục, cho XÐGN, các chương trình mục tiêu quốc gia, cho quốc phòng-an ninh, văn hóa-xã hội, hoạt động của các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội.

 

Ðinh Song Linh và Trần Ðình Chính

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác