Sáng nay (16/10), tại Hà Nội, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Dự lễ khai mạc có các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ban ngành, đoàn thể và hơn 500 đại biểu Quốc hội.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận định, trong năm 2008, nền kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng trực tiếp, bất lợi đến nền kinh tế nước ta. Tình hình đó được thể hiện rõ nét trong những tháng đầu năm 2008, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và thấp hơn so với các năm trước; lạm phát vượt xa mức dự báo, thị trường tài chính-tiền tệ có nhiều biến động, làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, tác động đến tư tưởng, tâm lý xã hội và đời sống nhân dân…
Nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội
Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng biểu dương đồng bào, chiến sĩ cả nước, các cấp, các ngành trong thời gian qua đã nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008, năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2006-2010, tạo tiền đề cho sự phát triển của năm 2009 và những năm tiếp theo.
Trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP ước đạt 6,52%; các nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, trong đó ưu tiên kiềm chế lạm phát, đã phát huy tác dụng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng bước đầu được kiểm soát; các cân đối kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội được bảo đảm. Nhiều nguồn lực được huy động cho đầu tư phát triển, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng cao. Các lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục-đào tạo, y tế, bảo vệ môi trường được chú trọng và tiếp tục phát triển….
Sau 2 năm chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nền kinh tế nước ta đã có thêm những điều kiện và môi trường để phát triển; có thêm kinh nghiệm để quản lý điều hành nền kinh tế trong tình hình mới. Việc Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc làm cho vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế. Đó là, lạm phát vẫn cao, nhập siêu còn lớn, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa vững chắc; nhịp độ tăng trưởng kinh tế giảm, chất lượng, hiệu quả còn thấp, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; đời sống nhân dân, nhất là những người lao động có thu nhập thấp, người nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn…
Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cũng gửi lời chia sẻ những khó khăn, mất mát, đau thương và gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình bị nạn trong cơn bão số 6 và số 7; đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành; đồng thời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tiếp tục ủng hộ cả về vật chất và tinh thần, giúp nhân dân các địa phương bị nhiều thiệt hại khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định sản xuất và đời sống.
Quốc hội sẽ thông qua 8 dự án luật và 1 Nghị quyết
Kỳ họp này sẽ tập trung vào các vấn đề lớn, gồm: Xem xét các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2009; Thảo luận và thông qua 8 dự án luật và 1 Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật; Xem xét báo cáo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao…; Tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các Bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007 và một số vấn đề mới phát sinh trong những tháng đầu năm 2008. Xem xét, thông qua Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2009; Xem xét Đề án và thảo luận, thông qua Nghị quyết về thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường và việc nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã; và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách về tiền tệ
Sau phần khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội năm 2008. Sau khi đánh giá về tình hình kinh tế, xã hội năm 2008, những thành tựu cũng như hạn chế cần khắc phục, Thủ tướng nhấn mạnh đến các nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế-xã hội năm 2009, gồm: Thực hiện có hiệu quả các chính sách về tiền tệ, tài khoá, đầu tư xuất nhập khẩu, tăng cường mức độ an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng; đưa lạm phát năm 2009 xuống dưới 15% và xuống một con số vào năm 2010.
Thực hiện tốt các chính sách hiện có và ban hành các chính sách mới phù hợp nhằm đảm bảo tốt hơn an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo. Tiếp tục phát triển vững chắc các lĩnh vực văn hoá, xã hội và môi trường.
Phát huy mọi tiềm năng của đất nước, tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 7%, trên cơ sở tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển nhanh khu vực dân doanh, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước, thu hút mạnh và nâng cao chất lượng của đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt coi trọng tính bền vững và chất lượng tăng trưởng trên cơ sở nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch và hiệu quả đầu tư, áp dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật.
Tập trung cao hơn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và nông thôn, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X.
Tập trung khắc phục những “điểm nghẽn” trong tăng trưởng, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, thu hút đầu tư.
Trước Lễ khai mạc, các đại biểu Quốc hội đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chiều nay (16/10), Quốc hội làm việc tại Hội trường./.