Sáng 26.9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của 4 dự án Luật: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Bảo hiểm y tế; Luật Công nghệ cao; Luật Đa dạng sinh học
Theo Báo cáo của UB Quốc phòng và An ninh do Chủ nhiệm Lê Quang Bình trình bày, dự án luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) hiện các ĐBQH vẫn chưa thống nhất ý kiến về 3 nội dung lớn.
Đa số Ủy viên UBTVQH thống nhất quan điểm của UB Quốc phòng và An ninh về việc giao thêm quyền hạn cho cảnh sát giao thông đường bộ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ hành lang an toàn đường bộ và các hành vi vi phạm khác xảy ra trên đường bộ; huy động lực lượng cảnh sát khác và công an xã tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong các trường hợp cần thiết.
Về vấn đề thành lập quỹ bảo trì đường bộ và các nguồn tài chính để quản lý và bảo trì hệ thống quốc lộ, Chủ nhiệm UB Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền dứt khoát đề nghị: không nên thành lập Qũy bảo trì đường bộ; tất cả các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ phải nộp về ngân sách nhà nước, trên cơ sở đó, ngân sách nhà nước sẽ cân đối nguồn chi cho công tác bảo trì đường bộ; Hơn nữa, việc thành lập Quỹ ở trung ương cũng sẽ đi ngược lại chủ trương phân cấp cho các địa phương. Mặc dù không tán thành lắm với quan điểm thành lập Quỹ vì điều này trái với nguyên tắc của Luật Ngân sách Nhà nước nhưng Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cũng đành chấp nhận việc thành lập Quỹ vì vấn đề này đã trở thành hiện tượng chung trong các Luật hiện nay. Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng tán thành quan điểm thành lập Quỹ.
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn yêu cầu UB Quốc phòng và An ninh và cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu theo hướng thành lập quỹ ở cả trung ương và địa phương; Nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ và đường địa phương sẽ được bảo đảm từ ngân sách nhà nước và quỹ bảo trì đường bộ.
Về dự án luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), theo Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, ý kiến của ĐBQH còn khác nhau ở 7 vấn đề gồm: lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân và khả năng bảo đảm nguồn lực tài chính y tế; quy định cùng chi trả; bảo hiểm y tế cho nông dân; tổ chức bảo hiểm y tế và Hội đồng quản lý bảo hiểm y tế; đối tượng đóng bảo hiểm y tế; Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế; Xử lý vi phạm. Các Ủy viên UBTVQH tán thành quan điểm giải trình của UB Về các vấn đề xã hội. Theo đó, năm 2014 sẽ thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Lộ trình này phù hợp với khả năng ngân sách và sự chuẩn bị cơ sở vật chất của ngành y tế cũng như tuyên truyền, vận động để người dân chủ động tham gia bảo hiểm y tế. Dự thảo Luật sẽ vẫn quy định thực hiện cùng chi trả nhằm kiểm soát chi tiêu, hạn chế lạm dụng bảo hiểm y tế từ các phía. Tuy nhiên, chi phí khám chữa bệnh ở cấp xã hoặc chi phí khám chữa bệnh thấp hơn mức Chính phủ quy định sẽ không phải áp dụng nguyên tắc cùng chi trả. Nông dân mua bảo hiểm y tế sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách nhà nước và mức cụ thể sẽ do Chính phủ quy định trên cơ sở phù hợp với điều kiện KT-XH của từng giai đoạn.
Dự án Luật Công nghệ cao có 7 nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, đa số Ủy viên UBTVQH tán thành với báo cáo giải trình của UB Khoa học Công nghệ và Môi trường. Như vậy, khái niệm công nghệ cao, vốn gây tranh luận khá quyết liệt trong các Phiên họp của UBTVQH trước đây, sẽ được thống nhất hiểu là: công nghệ tiên tiến, mới của khu vực và thế giới, có hàm lượng cao về nghiên cứu và phát triển, được tích hợp từ các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm có tính năng vượt trội, chất lượng và giá trị tăng cao, có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa các ngành sản xuất dịch vụ hiện có. Trên cơ sở đó, các Ủy viên UBTVQH tán thành quan điểm Nhà nước sẽ dành ưu đãi ở mức cao nhất về thuế và đất đai cho các hoạt động ứng dụng công nghệ cao; đồng thời yêu cầu Chính phủ trình QH xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về thuế, đất đai nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và các biện pháp ưu đãi đối với hoạt động công nghệ cao được bảo đảm thực thi.
Về 2 nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đa dạng sinh học: phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý khu bảo tồn cấp quốc gia và tổ chức thực hiện quản lý khu bảo tồn - Đa số Ủy viên UBTVQH tán thành ý kiến giải trình của UB Khoa học Công nghệ và Môi trường giao Bộ Tài nguyên Môi trường làm đầu mối thống nhất quản lý khu bảo tồn cấp quốc gia nhưng không trực tiếp quản lý các khu bảo tồn; Việc phân công, phân cấp quản lý cụ thể sẽ giao Chính phủ quy định; Ban quản lý khu bảo tồn cấp quốc gia được quy định theo hướng là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động; UBND tỉnh được giao thẩm quyền quyết định hình thức hoạt động của Ban quản lý khu bảo tồn cấp tỉnh tùy vào điều kiện thực tế tại địa phương.
Buổi chiều, UBTVQH đã xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện.