Xác định, cán bộ tư pháp là nhân tố quyết định bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của cải cách tư pháp, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu khẳng định: QH và Chính phủ sẽ có những sửa đổi căn bản về chế độ, chính sách để đào tạo, thu hút người tài vào các cơ quan tư pháp.
PV: Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, Phó chủ tịch đánh giá như thế nào về những kết quả đã đạt được?
PCT Uông Chu Lưu: Cũng có người cho rằng khoảng cách giữa mong muốn và thực tiễn trong việc thực hiện Nghị quyết 49 là rất lớn. Nhưng tôi lại không nghĩ thế. Mục tiêu của Nghị quyết 49 về Chiến lược cải cách tư pháp là xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao... Đó là mục tiêu dài hạn đến năm 2020 nên phải có lộ trình thực hiện từng bước, không thể nóng vội được. 3 năm đầu tiên, việc thực hiện Nghị quyết 49 đã tạo bước chuyển biến căn bản trong nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức từ Trung ương, các bộ, ngành xuống đến địa phương. Công tác tổ chức, cán bộ, cơ sở vật chất, cơ sở pháp lý hoạt động của các cơ quan tư pháp, cả Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan điều tra, bổ trợ tư pháp... so với trước và sau khi có Nghị quyết 49 cũng đã được kiện toàn một bước rất quan trọng.
PV: Theo Phó chủ tịch, đâu là khâu yếu nhất trong lĩnh vực tư pháp hiện nay?
PCT Uông Chu Lưu: Yếu nhất có lẽ là đội ngũ cán bộ tư pháp. Chúng ta mong muốn xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh thì kèm theo đó phải là một đội ngũ cán bộ tư pháp đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng cả về trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, đạo đức trong sáng... – đội ngũ cán bộ này là nhân tố bảo đảm cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu dài hạn của Chiến lược cải cách tư pháp. Nhưng so với yêu cầu thì đúng là chưa đáp ứng được, nhất là những vấn đề có liên quan đến kiến thức hội nhập quốc tế. Thực tế, đối với lĩnh vực tư pháp, chúng ta quan tâm đầu tư chậm hơn các ngành khoa học và các lĩnh vực quản lý nhà nước khác. Năm 1979, chúng ta mới thành lập trường Đại học Luật. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc đó đã phải nói rằng đây là một sai lầm tai hại vì lẽ ra phải thành lập sớm hơn.
PV: Cán bộ tư pháp vừa thiếu vừa yếu. Nhưng cũng có thực tế là với cơ chế, chính sách hiện nay thì khu vực công, trong đó, ngành tư pháp không là ngoại lệ- rất khó có thể thu hút được người tài, thưa Phó chủ tịch?
PCT Uông Chu Lưu: Đúng là chế độ lương bổng, phụ cấp cho các chức danh tư pháp hiện nay chưa thật hợp lý, chưa tạo được động lực thu hút những người ở ngoài ngành vào làm việc cho các cơ quan tư pháp. Ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa vấn đề này lại càng khó khăn hơn. Đó là chưa kể hiện tượng, nhiều cán bộ tư pháp ở cả tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án đã xin ra khỏi ngành. Mặc dù Nhà nước cũng đã xác định lao động của các chức danh tư pháp là lao động đặc thù nhưng chế độ, chính sách tiền lương lại tính theo cơ quan hành chính. Hơn nữa, chính sách lương của chúng ta cũng mang tính bình quân và chưa có được sự quy định hợp lý các ngạch bậc của các chức danh tư pháp nên không tạo điều kiện cho việc điều động, luân chuyển cán bộ tư pháp từ tỉnh xuống huyện, từ trung ương xuống địa phương. Những bất cập này, QH, Chính phủ đã nhìn thấy và tới đây sẽ có những sửa đổi căn bản.
PV: Theo Phó chủ tịch, có những xung đột pháp lý nào khiến hoạt động của cơ quan tư pháp bị hạn chế?
PCT Uông Chu Lưu: Những vấn đề này QH đã xác định được và đã đưa vào chương trình sửa đổi, bổ sung luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XII. Trước mắt, năm 2008, QH sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật Hình sự. Năm 2009 sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng Hình sự theo hướng xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các chức danh điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán để khi có sai sót xảy ra thì rõ người, rõ trách nhiệm. Các quyền của công tố viên, điều tra viên, luật sư, thẩm phán cũng sẽ được rà soát lại trên nguyên tắc tranh tụng, chứ quy định như hiện nay là vừa tranh tụng vừa xét hỏi nên vai trò của cơ quan công tố và luật sư rất mờ nhạt.
PV: Ngoài việc sửa đổi, bổ sung các Bộ luật, luật có liên quan để tạo sự thống nhất, minh bạch trong hệ thống pháp luật về tố tụng và tổ chức các cơ quan tư pháp, QH còn có quyền giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp. Nhưng với một lĩnh vực mang tính chuyên sâu và phức tạp như lĩnh vực tư pháp thì dường như thời gian qua giám sát của QH cũng mới chỉ “chạm” đến thôi, thưa Phó chủ tịch?
PCT Uông Chu Lưu: Cần phải tăng cường sự giám sát của QH. Đây là nhiệm vụ mà luật đã trao cho QH. Còn giám sát như thế nào thì phải theo luật. Thứ nhất là giám sát tại Kỳ họp với hình thức yêu cầu các cơ quan tư pháp phải báo cáo hoạt động 6 tháng một lần với QH. Thứ hai là giám sát bằng hình thức chất vấn những người đứng đầu các cơ quan tư pháp. Ngoài ra, QH còn tổ chức các đoàn giám sát của UBTVQH hoặc UB Tư pháp đối với một số vụ án phức tạp mà dư luận không đồng tình, cho là Tòa xét xử chưa đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Nếu QH đẩy mạnh công tác giám sát, thường xuyên, đúng trọng tâm, trọng điểm chắc chắn sẽ tạo được sự chuyển biến, vừa đề cao trách nhiệm của những người tham gia tố tụng vừa góp phần hạn chế được những sai sót trong quá trình tố tụng, giảm được oan sai cho người dân. Giám sát của QH cũng không nên quá ôm đồm, cái gì cũng giám sát mà cần chọn những vụ, việc tiêu biểu và giám sát đến cùng thì sẽ hiệu quả hơn.
PV: Phó chủ tịch nghĩ như thế nào về kiến nghị giao HĐND thẩm quyền ngưng việc thi hành các bản án mà qua giám sát thấy có dấu hiệu trái pháp luật?
PCT Uông Chu Lưu: Như tôi đã nói, giám sát dù của QH hay HĐND cũng đều phải tuân thủ theo đúng pháp luật. Thẩm quyền của HĐND theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật Tố tụng Hình sự và Luật Tố tụng Dân sự là: nếu qua giám sát mà phát hiện có biểu hiện vi phạm, trái pháp luật thì HĐND có quyền kiến nghị với người có thẩm quyền (như Chánh án, Viện trưởng Viện kiểm sát) để những người này ra quyết định đình chỉ hoặc là tạm hoãn việc thi hành án chứ HĐND không có quyền trực tiếp ra quyết định đình chỉ thi hành án. Vấn đề quan trọng nữa là chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cơ quan quyền lực nhà nước đã được phân định rõ ràng rồi. Quyền ra bản án, quyết định bản án là thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử chứ không ai (kể cả QH) có thể làm thay Hội đồng xét xử được. Hay quyền kháng nghị thì theo pháp luật, chỉ giao cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc cấp trên thôi. Cơ quan quyền lực nhà nước đi giám sát cũng không có nghĩa là có quyền làm thay các cơ quan chức năng được. Điều này bảo đảm cho bộ máy hoạt động thông suốt, không chồng lấn lẫn nhau. Nói tóm lại là hoạt động tố tụng được tổ chức theo cấp để bảo đảm độ chính xác trong hoạt động tố tụng, khi có sai phạm ở cấp dưới thì cấp cao hơn có cơ chế để khắc phục. Các cơ quan tư pháp cũng được tổ chức theo nguyên tắc phân công, phân nhiệm rất rõ ràng. Chúng ta không thể nói HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương là tôi làm thay được công việc của các cơ quan khác.
PV: Xin cám ơn Phó chủ tịch!