Quốc hội thảo luận dự án Luật Bảo hiểm y tế và trình Dự án Luật Công nghệ cao

28/05/2008

NDĐT - Sáng 27-5, ngày làm việc thứ 18, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, các đại biểu QH tiếp tục thảo luận về Dự án Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Buổi chiều, QH nghe tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Công nghệ cao .

Các đại biểu đều đặc biệt quan tâm đến vấn đề Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) cho nông dân. Thực tiễn nhiều năm thí điểm BHYT cho thấy, khó khăn nhất vẫn là BHYT cho nông dân. Mặc dù ngân sách nhà nước đã hỗ trợ cho người nghèo, người cận nghèo, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, một bộ phận người cao tuổi..., song vẫn còn hàng chục triệu nông dân chưa tham gia BHYT.

Theo quy định của dự thảo Luật, người nông dân nếu không thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo chỉ có cơ hội tham gia BHYT tự nguyện với mức đóng hiện nay khoảng 250.000 đồng/thẻ/người/năm, mức đóng này là khá cao so với khả năng của mỗi hộ gia đình.

Theo các đại biểu: Lý Kim Khánh (Cà Mau), Phan Thị Thu Hà (Đồng Tháp), Dương Thị Thu Hà (Lào Cai), HLuộc NTơr (Đác Lắc), Nguyễn Thị Thanh Hoà (Bắc Ninh),... người nông dân, người già, người cô đơn, người khuyết tật, là người chịu thiệt thòi do thu nhập còn hạn chế, nên chưa được hưởng đầy đủ các phúc lợi xã hội. Cần có chính sách hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần cho phụ nữ, trẻ em, nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, người già, người khuyết tật, học sinh, sinh viên nghèo, hộ cận nghèo để những đối tượng này tham gia BHYT.

Về mức đóng BHYT, nhiều đại biểu đồng ý với nguyên tắc xác định mức đóng bảo hiểm y tế tối đa bằng 5% trên tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, mức học bổng hoặc mức lương tối thiểu chung. Chính phủ quy định cụ thể mức đóng cũng như mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các nhóm đối tượng cần hỗ trợ để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành chính sách BHYT, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và bảo đảm khả năng cân đối Quỹ BHYT.

Các đại biểu: Dương Kim Anh (Trà Vinh), Củng Thị Mẩy ( Hà Giang), Y Ngọc (Kon Tum), Lê Thanh Liêm ( Long An)…đề nghị hỗ trợ mức đóng BHYT cho đối tượng là cán bộ xã, phường và có cơ chế kiểm tra, thanh tra việc quản lý thu, chi quỹ BHYT, thanh tra việc cấp thẻ BHYT.

Các đại biểu: Đặng Huyền Thái (Hà Nội), Lê Thị Dung (An Giang) đề nghị làm rõ việc Quỹ BHYT lúc thì kết dư, lúc thì thâm hụt và cho rằng mức chi 10% cho quản lý quỹ BHYT là quá cao. Đồng thời có quy định xử lý các chủ sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh nợ đọng kéo dài hoặc không đóng BHYT cho người lao động.

Theo đại biểu Trần Đông A (TP Hồ Chí Minh), BHYT toàn dân là phương tiện tốt nhất để mọi người đều có khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở mức độ phù hợp, bất kể khả năng chi trả của họ như thế nào và để có cơ sở khoa học cho lộ trình tiến tới BHYT toàn dân trong nền kinh tế nhiều thành phần và phù hợp mọi đối tượng, để có thể tận thu được ở những người có điều kiện và có yêu cầu.

Cần có hai loại dịch vụ BHYT cơ bản và BHYT bổ sung dành cho những người có yêu cầu cao. Người mua BHYT cơ bản biết được khi mua thì được hưởng những gì. Cần nhanh chóng hình thành quy trình chuyên môn và hạch toán chi phí chuẩn cho các bệnh thông thường, tránh các khuynh hướng thanh toán khi thì quá tả, khi quá hữu trong thời gian qua, làm cho Quỹ BHYT khi thì kết dư, khi thì thâm hụt.

Cần khuyến khích mọi người có điều kiện mua BHYT và cần tuyên truyền để nhân dân biết rõ đã chi phí BHYT thế nào để bảo đảm cho mọi người dân đều được chăm lo sức khoẻ, người dân mới hiểu hết được sự cố gắng cũng như sự ưu việt thực tế của Nhà nước, để họ sẵn lòng, vui lòng đóng góp khi có yêu cầu và khi có điều kiện.

Các đại biểu đề nghị công khai, minh bạch việc quản lý quỹ BHYT. Cần xác định rõ Nhà nước chỉ hỗ trợ thông qua đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng, hạn chế bao cấp qua chi trả BHYT, vì Quỹ BHYT không phải là quỹ bảo trợ xã hội.

Các đại biểu góp ý thêm một số vấn đề cụ thể về các loại hình BHYT, nơi đăng ký, khám chữa bệnh BHYT ban đầu, mức quy định cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh, tổ chức bộ máy quản lý Quỹ BHYT, lộ trình tiến tới BHYT toàn dân...

Kết thúc thảo luận dự án Luật BHYT, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho biết, đã có 48 đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội trường, còn một số đại biểu chưa phát biểu, đề nghị gửi lại những ý kiến phát biểu bằng văn bản.

Buổi chiều, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, QH nghe tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Công nghệ cao và báo cáo thẩm tra của Ủy ban khoa học-công nghệ của QH về dự án luật này.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Khoa học-Công nghệ Hoàng Văn Phong, trình bày tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Công nghệ cao, nêu rõ: Công nghệ cao là công nghệ được tích hợp từ các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, có khả năng tạo ra sự đột biến về năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, tạo ra các tính năng mới, ngành nghề mới có tính cạnh tranh cao.

Trong thế giới hiện đại, công nghệ cao có tác động lan tỏa trực tiếp và gián tiếp tới mọi lĩnh vực, tạo nên các ngành công nghiệp tăng trưởng hoàn toàn mới ,có tốc độ tăng trưởng vượt bậc và chiếm một tỷ lệ lớn trong thương mại nội địa và quốc tế, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia cũng như của toàn thế giới. Ở Việt Nam, hơn 50 năm qua, việc tiếp thu, làm chủ được một số công nghệ cao chuyên ngành trong lĩnh vực điện tử - tin học - viễn thông , ngành thăm dò, khai thác dầu khí, công nghiệp đóng tầu, việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong một số ngành tài chính, ngân hàng, thương mại…, đã tạo được cơ sở ban đầu quan trọng thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ công nghệ cao.

Kết quả nghiên cứu, tiếp thu, làm chủ công nghệ chuyên ngành trong lĩnh vực công nghệ sinh học đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển nông nghiệp, thủy sản và y tế... Tuy nhiên hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Các văn bàn pháp luật trong lĩnh vực này chưa thống nhất và đồng bộ. Các chủ trương, chính sách, nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng phát triển công nghệ cao mới được thể chế hóa chủ yếu ở cấp Thủ tướng Chính phủ, cấp bộ.

Các quy định về tài chính, tín dụng, thuế, đất đai, chuyển giao công nghệ, thị trường công nghệ, đào tạo - sử dụng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao chỉ được điều chỉnh bởi một số quy định trong các văn bản luật...

Bối cảnh pháp luật và thực tiễn ứng dụng, phát triển công nghệ cao ở nước ta cho thấy, trong giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, việc ban hành Luật Công nghệ cao để điều chỉnh thống nhất và toàn diện các hoạt động liên quan công nghệ cao ở nước ta là hết sức cần thiết và cấp bách, nhằm thể chế hóa kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhà nước huy động mọi nguồn lực đầu tư, dành ưu đãi cao nhất, ưu tiên phân bổ ngân sách cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao, phát huy vai trò của công nghệ cao trong phát triển kinh tế và khoa học - công nghệ; khuyến khích sự hình thành và phát triển của sản phẩm công nghệ cao và chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực công nghệ cao…

Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Đặng Vũ Minh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công nghệ cao, cho biết: Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật công nghệ cao. Với vị trí quan trọng và mang tính đặc thù của Luật Công nghệ cao, các quy định trong Luật cần quán triệt quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao; phù hợp xu thế phát triển công nghệ cao trên thế giới cũng như đặt thù, điều kiện của nước ta.

Đồng thời cần làm rõ thêm một số khó khăn, thách thức đối với hoạt động công nghệ cao ở nước ta để từ đó xác định các chính sách, cơ chế, giải pháp phù hợp. Báo cáo thẩm tra nêu một số vấn đề còn ý kiến còn khác nhau trong dự án luật để các đại biểu QH đóng góp ý kiến.

Một số đại biểu đã phát biểu ý kiến, nhất trí với tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học,Công nghệ và Môi trường của QH về sự cần thiết ban hành luật này. Đồng thời đóng góp một số vấn đề cụ thể về khái niệm công nghệ cao, chương trình quốc gia về công nghệ cao, tiêu chí lựa chọn một số dự án thật sự có ý nghĩa để tập trung đầu tư phát triển. Các đại biểu đề nghị làm rõ mô hình, phương thức quản lý khu công nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao…

 

 

Lê Hoàng

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác