Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu trả lời chất vấn trước Quốc hội

19/11/2007

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu “đăng đàn” mở đầu phiên chất vấn sáng nay (19/11) của Quốc hội với các vấn đề liên quan tới Bảo hiểm Y tế (BHYT), an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và phòng chống dịch bệnh, viện phí, y tế cơ sở...

 

(VOV)_ Trong phần báo cáo tổng quát, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết trong kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XII, Bộ Y tế đã nhận được 22 chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Trong đó Bộ Y tế đã trả lời 18 chất vấn của các đại biểu, còn 4 chất vấn khác mới nhận được Bộ trưởng sẽ trả lời sau bằng văn bản.

Đề cập vấn đề ATVSTP liên quan tới dịch bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm được nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết, ngay sau khi phát hiện bệnh, Bộ Y Tế đã có báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng cũng có chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch. Đến nay, dịch đã cơ bản được khống chế, không để xảy ra người chết. Theo quy định, sau 15 ngày nếu không còn ca mắc mới và xét nghiệm 3 lần ở những ổ dịch có người nhiễm bệnh đều cho kết quả âm tính là có thể công bố dịch tiêu chảy cấp có nguồn gốc từ vi khuẩn tả đã được dập thành công.

Về vấn đề viện phí và BHYT, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho rằng chính sách thu một phần viện phí theo Nghị định 95 được soạn từ năm 1994 đến nay không còn phù hợp và chưa đồng bộ với BHYT, cần phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó, việc sửa đổi chính sách viện phí lần này được dựa trên quan điểm Nhà nước không bao cấp tràn lan mà hỗ trợ tốt và đầy đủ hơn cho đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, hưu trí, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi đồng bào dân tộc thiểu số và một số đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thông qua việc mua thẻ BHYT miễn phí cấp cho các đối tượng nêu trên. Đối tượng có khả năng chi trả thì phải trả mức đầy đủ hơn đồng thời công khai, minh bạch thu chi viện phí cho người dân biết.

Giải thích cho những bất cập của ngành y tế, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho rằng mức đầu tư thấp dẫn tới cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị yếu kém là nguyên nhân khiến ngành y tế chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho người dân trong giai đoạn hiện nay.

BHYT tự nguyện: Quan điểm của Bộ Y tế là tạo thuận lợi cho người dân

Mở đầu cho phần chất vấn trực tiếp, Đại biểu Trần Văn Kiệt (đoàn Vĩnh Long) đã nói ngay: "chưa đồng tình với phần trả lời bằng văn bản của Bộ trưởng Y tế". Đại biểu Trần Văn Kiệt cho rằng Thông tư liên tịch 06 của bộ Y tế và Bộ Tài chính về BHYT tự nguyện có nội dung trái ngược với nhau. Việc quy định bắt buộc số hộ BHYT mua của mỗi xã, số thành viên trong cùng gia đình tham gia, số tiền cụ thể của từng thành viên… đã khiến người dân không đồng tình; cho đây là một loại hình kinh doanh của Bộ Y tế; đề nghị Bộ trưởng xem xét nội dung Thông tư “đã hợp lý, hợp lòng dân chưa?”. Cũng liên quan đến nội dung Thông tư 06, đại biểu Phan Thị Thu Hà (đoàn Đồng Tháp) nêu vấn đề, trong trường hợp số người tham gia BHYT không đạt 100% đối với hộ gia đình và 10% đối với địa phương theo quy định của Thông tư thì trách nhiệm vận động người dân tham gia là ai, hộ gia đình, cán bộ y tế hay cán bộ cấp xã?

Trả lời những thắc mắc trên, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho rằng văn bản Bộ Y tế trả lời về Thông tư 06 “đã rõ” và hứa sẽ sửa chữa trong dịp sửa đổi Nghị định 63 về BHYT tới đây, vì đây là một thông tư liên bộ nên cần trao đổi thêm với Bộ Tài chính. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Y tế là không nên để 2 điều kiện 10% số hộ và 100% số người trong gia đình mua mới bán mà đã là BHYT tự nguyện thì ai mua cũng bán và dùng các biện pháp khác để bảo tồn quỹ. Quan điểm của Bộ Y tế là hướng sự thuận lợi cho mọi người dân.

Bác sĩ bỏ “công” ra làm “tư”: Không thể dùng mệnh lệnh hành chính

Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (đoàn Bạc Liêu) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu về tình trạng nhiều bác sĩ trẻ có năng lực bỏ bệnh viện công để ra làm cho các cơ sở y tế tư nhân.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế nói: “chúng ta nói xã hội hoá, phát triển phòng khám tư, bệnh viện tư… nhưng lại ngăn không cho bác sĩ ra làm ngoài cũng không đúng mà phải tôn trọng quy luật cạnh tranh…” và “không thể dùng mệnh lệnh hành chính để giải quyết tình trạng này được”. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, qua tiếp xúc với các bác sĩ ra làm tư nhân họ đều đưa ra lý do muốn phát triển về mặt kỹ thuật và đời sống. Ông dẫn ví dụ một Thứ trưởng vừa nghỉ hưu đã có tư nhân thuê làm giám đốc với mức lương 30 triệu/tháng. Như vậy, theo Bộ trưởng, giải pháp hiện nay là cần chuyển đổi chính sách cho phù hợp với cơ chế thị trường tức là bệnh viện công cũng phải phát triển hơn, trang thiết bị hiện đại hơn để các bác sĩ có điều kiện thể hiện tài năng vì “Về trang thiết bị bệnh viện, nhà nước vẫn đi sau tư nhân”. “Nâng cấp các bệnh viện về kỹ thuật; thay đổi chính sách phù hợp để giữ người trẻ, người tài làm cho bệnh viện công. Nhưng cũng phải làm sao tăng cường đào tạo bác sĩ để thoả mãn cả công cả tư. Hiện nay Việt Nam mới chỉ có 7 bác sĩ/1 vạn dân, đó là con số rất thấp so với khu vực”, ông Nguyễn Quốc Triệu nói.

Mong bà con sản xuất mắm tôm thông cảm!

Liên quan đến dịch tiêu chảy cấp bùng phát ở nhiều tỉnh thành thời gian qua, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đắk Lắk) đặt thắc mắc “Bộ Y tế căn cứ vào đâu để đưa ra quyết định cấm mắm tôm?”, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu giải thích, theo kết quả lâm sàng, có tới 93% số bệnh nhân trong đợt dịch đầu tiên có nguyên nhân do ăn mắm tôm; tiền sử mắm tôm cũng đã có nhiều “nghi can” gây ra các dịch về đường tiêu hoá. Do đó hội đồng chuyên môn kiến nghị trong thời gian dịch thì không dùng mắm tôm sống, chờ khi hết dịch thì sẽ lại tiếp tục ăn mắm tôm tương tự như ăn gà trong dịch cúm gà trước đây. Mong bà con sản xuất mắm tôm thông cảm!

Liên quan đến thắc mắc của các đại biểu Quốc hội về tình trạng một số cửa hàng tuỳ tiện nâng giá thuốc, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho rằng các bộ, trong đó có Bộ Y tế chỉ quản lý giá nhập khẩu thuốc, sản xuất và bán buôn… Bộ trưởng thừa nhận có tình trạng một số tư thương lợi dụng diễn biến dịch bệnh để tăng giá bán lẻ thuốc và đang có biện pháp, trước mắt là đảm bảo những nhà thuốc trong bệnh viện bán thuốc đúng giá.

Trả lời câu hỏi được nhắc đi nhắc lại tới 2 lần của Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (đoàn Bạc Liêu) về vấn đề tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng còn chiếm tỷ lệ cao trong khi đất nước thời gian qua tăng trưởng liên tục và tỷ lệ hạn chế sinh đẻ đã đạt kết quả tốt, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho rằng nền kinh tế Việt Nam chưa phát triển vì thu nhập trên đầu người chỉ đạt hơn 700 USD. Trong khi đó mục tiêu đến năm 2015 đất nước mới ra khỏi tình trạng kém phát triển nên phải đặt những mục tiêu cho phù hợp. Để đạt được mục tiêu giảm số trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới 20%, Bộ trưởng Y tế cho biết sẽ cố gắng đạt được mục tiêu này bằng cách tiến hành đồng bộ ở các cấp nhiều chương trình dự án chống suy dinh dưỡng.

Tình trạng lạm dụng xét nghiệm tại một số bệnh viện, các tuyến y tế cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng bệnh, tuyên truyền vệ sinh phòng dịch cho nhân dân… cũng là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu. Tuy nhiên, kết thúc phiên chất vấn của mình, vẫn còn nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội vẫn chưa được “đả động tới” hoặc chưa được trả lời một cách thẳng thắn như: “tại sao không công bố ngay từ đầu rằng dịch tiêu chảy cấp có nguồn gốc từ vi khuẩn tả? Như thế trách nhiệm của chúng ta đối với nhân dân và cộng đồng quốc tế đủ hay chưa?”; “Trách nhiệm của Bộ Y tế đến đâu trong việc để rác thải bệnh viện bị tuồn ra ngoài tái chế, trở thành nguồn gây bệnh cho nhân dân”…

Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn trả lời chất vấn trước Quốc hội

Sau giờ nghỉ giải lao sáng nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đã bắt đầu phần trả lời chất vấn của mình, tập trung vào các vấn đề: Kế hoạch thực hiện việc thành lập, bãi bỏ một số bộ theo Nghị quyết của Quốc hội; tình hình sắp xếp các đầu mối và tổ chức của các bộ mới được sáp nhập; Việc triển khai sửa đổi Nghị định 121 về chế độ chính sách đối với cán bộ xã, phường; hướng giải quyết chế độ khi nghỉ hưu đối với cán bộ xã, phường không được đóng bảo hiểm xã hội; Giải pháp sàng lọc cán bộ không đủ tiêu chuẩn và nâng cao chất lượng cán bộ trong tình hình hiện nay; Hiệu quả của chương trình cải cách hành chính, giải pháp đẩy mạnh trong thời gian tới.

Đại biểu Lê Văn Cuông mở đầu phiên chất vấn với câu hỏi liên quan đến vấn đề chạy chức chạy quyền: “Kỳ họp Quốc hội lần trước tôi đã hỏi, Bộ trưởng hứa sẽ có biện pháp giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. Nguyên nhân vì đâu và trách nhiệm của Bộ Nội vụ ra sao khi để xảy ra việc này?”.

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn trả lời đã có quy trình đề bạt, bố trí cán bộ do chính phủ quy định. Bộ Nội vụ cũng đã có văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, trong quá trình này vẫn còn có hiện tượng chạy quyền, chạy chức. “Quan điểm của tôi là cần thực hiện nghiêm túc việc bố trí cán bộ thông qua thi tuyển, sắp xếp, đánh giá kiểm tra và phải thực hiện theo hướng công khai dân chủ” và đề nghị đại biểu nêu những trường hợp cụ thể về việc chạy chức, chạy quyền để có thể xử lý.

Không đồng tình với câu trả lời này, đại biểu Lê Văn Cuông nói rằng, quy trình đề bạt do Chính phủ quy định nhưng việc đề bạt lại chỉ do một vài người quyết định vì “chẳng có ai lại thông báo với Bộ trưởng về chuyện chạy chức chạy quyền… nếu bộ trưởng đi sâu đi sát thực tế và tìm hiểu sẽ rõ”. Ông Cuông còn nêu rõ đích danh trường hợp của nguyên Bí thư Thị xã Tây Ninh vi phạm về đất đai chưa được xử lý, thì 1 năm sau ông này được đề bạt lên làm Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, "không chạy chức, chạy quyền thì làm sao có chuyện lạ lùng đó?", đại biểu Lê Văn Cuông bức xúc.

Chiều nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn tiếp tục trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội. Sau đó, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề mà cử tri cả nước và đại biểu Quốc hội quan tâm./.

 

Thuỷ Hà (ghi)

(http://www.vovnews.vn/)