Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải và Bộ Công thương trả lời chất vấn

18/11/2007

Sau hơn 3 giờ đồng hồ, với ý kiến chất vấn của 12 đại biểu dành cho Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải và của 6 đại biểu dành cho Bộ trưởng Bộ Công thương; các Bộ trưởng đã tập trung vào các nội dung giải pháp giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông và kiểm soát nhập siêu

 

Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng

VOV)_Chiều nay (17/11), Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Hồ Nghĩa Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Các ý kiến của cử tri dành cho Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tập trung vào các vấn đề: Tình trạng ách tắc giao thông, tai nạn giao thông, đặc biệt là tại các thành phố lớn; định hướng chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Tiến độ giải ngân các dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông chậm so với kế hoạch, nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ, khả năng thực hiện giải ngân nguồn vốn này trong năm 2008. Tình trạng tai nạn giao thông và giải pháp; các vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết 32 về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

 

 

 

 

 

6 yếu kém làm chậm giải ngân trái phiếu Chính phủ

 

 

 

 

 

Trong báo cáo giải trình ý kiến của cử tri, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém làm chậm quá trình giải ngân đối với các dự án xây dựng hạ tầng giao thông từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Bộ trưởng đã chỉ ra 6 nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này: Thứ nhất là yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước của Bộ Giao thông-Vận tải về công tác đầu tư xây dựng; yếu kém trong quản lý dự án của các chủ đầu tư và của các Ban quản lý dự án. Thứ hai, năng lực yếu kém của các nhà thầu và doanh nghiệp, đáng lưu ý là yếu kém về tài chính, đây là một trong những nguyên nhân chính làm chậm quá trình giải ngân. Thứ ba, là thủ tục đầu tư xây dựng. Các luật và hướng dẫn trong công tác đầu tư xây dựng tuy rằng đã tiếp cận dần với thông lệ quốc tế, hạn chế được sự khép kín và tăng tính cạnh tranh trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng nhưng cũng bộc lộ nhiều điểm không phù hợp với ngành Giao thông-Vận tải, làm cho quá trình đầu tư kéo dài, thậm chí gần gấp đôi so với thời gian yêu cầu. Thứ tư là giải phóng mặt bằng chậm, lúng tùng, kéo dài trong việc áp giá đền bù và công tác tái định cư trong giải phóng mặt bằng. Thứ năm, do trượt giá vật liệu xây dựng. Theo báo cáo của Bộ Tài chính mức trượt giá tới 30-40%, làm cho các dự án phải điều chỉnh lại tổng dự toán. Cuối cùng là thủ tục giải ngân chậm.

 

 

 

 

 

Về vấn đề giải ngân chậm, Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng cơ chế chỉ là một mặt. Về cơ bản vẫn là trách nhiệm của Bộ trưởng. Đại biểu đặt vấn đề rằng tại sao thấy vướng, nhưng Bộ trưởng có đề nghị với Thủ tướng quyết định điều chỉnh danh mục này cho công trình khác không. Bộ trưởng đã làm được việc này chưa hay không có công trình nào để làm?

 

 

 

 

 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Ngô Văn Minh, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nhận trách nhiệm yếu kém trong quản lý Nhà nước của Bộ và các nhà đầu tư và Ban quản lý dự án. Tuy nhiên Bộ trưởng cho rằng, về vấn đề cơ chế, chính sách Bộ cũng đã phát hiện và liên tục báo cáo Chính phủ. “Đại biểu cho rằng có những dự án không giải ngân được hoặc giải ngân chậm mà Bộ lại không chuyển cho các dự án khác, xin trả lời đại biểu rằng chúng tôi vẫn đang tìm cơ chế để giải quyết vấn đề này. Các dự án được bố trí trái phiếu Chính phủ đều có đủ điều kiện để được bố trí vốn, có thể làm quyết định đầu tư. Từ quyết định đầu tư sau đó mới tiến hành làm các thủ tục đầu tư. Sự chậm trễ ở đây là do chuẩn bị đầu tư nên dự án chưa vào được chứ không phải không đủ điều kiện. Cho nên vốn đã bố trí cho các dự án này vẫn cần phải tiếp tục để khắc phục những tốn tại, tạo điều kiện cho dự án được thực hiện, tuy có thể chậm. Bởi các dự án này được bố trí từ nay đến 2010, chứ không phải cho từng năm”.

 

 

 

 

 

2 cụm giải pháp cấp bách và lâu dài để kiềm chế tai nạn giao thông

 

 

 

 

 

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đưa ra 2 cụm giải pháp cấp bách và lâu dài đối với công tác kiềm chế tai nạn giao thông. Trong đó cụm giải pháp cấp bách được thể hiện trong Nghị quyết 32 của Chính phủ, gồm 7 điểm trong đó nhấn mạnh công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm, cải thiện cơ cấu hạ tầng; quản lý phương tiện; quản lý người điều khiển phương tiện. Giải pháp cấp bách để giảm thiểu tai nạn giao thông đó là bắt buộc đội mũ bảo hiểm trên các tuyến đường khi tham gia giao thông bằng phương tiện mô tô, xe máy. Điểm cuối cùng là nâng cao quản lý Nhà nước của các ban ngành về công tác an toàn giao thông. Về lâu dài, Bộ Giao thông-Vận tải cũng sẽ thực hiện Chiến lược giao thông vận tải đến năm 2010 đã được phê duyệt và đang được điều chỉnh; Chiến lược thực hiện an toàn giao thông quốc gia đến năm 2020 đang được xây dựng và sẽ được trình lên Chính phủ vào năm 2008. Bộ Giao thông-Vận tải phối hợp với Bộ Công an, các ban ngành và chính quyền địa phương các cấp quyết tâm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông.

 

 

 

 

 

Về nội dung giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã nhận được ý kiến chất vấn của 6 đại biểu. Ý kiến của các đại biểu Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi), Nguyễn Phụ Đông (Bắc Ninh), Lương Phan Cừ (Đắc Nông), Nguyễn Đức Nhanh (Hà Nội), Hồ Trọng Ngũ (Ninh Thuận), Trần Văn Hưng (thành phố HCM) đều xoay quanh trách nhiệm và hướng giải quyết của Bộ đối với vấn đề giảm thiểu tai nạn giao thông, hạn chế gia tăng số lượng mô tô, xe máy đăng ký mới, chất lượng mũ bảo hiểm, ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, các giải pháp về lâu dài nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông.

 

 

 

 

 

Trả lời các đại biểu trên, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, để giảm thiểu tai nạn giao thông,đặc biệt do mô tô, xe máy gây ra, thì cần phải kết hợp nhiều biện pháp trong đó có việc đẩy mạnh tuyên truyền ý thức chấp hành Pháp luật giao thông đối với người tham gia giao thông; kiên quyết xử phạt, và tăng mức phạt lên rất nhiều lần để đủ sức răn đe, giáo dục; tiến tới khả năng kiềm chế và giảm có lộ trình đối với việc đăng ký xe gắn máy đặc biệt ở đô thị lớn, tạo điều kiện phát triển giao thông công cộng: xe buýt, tàu điện ngầm, tàu trên cao, tạo cho người dân có thói quen tham gia giao thông bằng đi bộ nhiều hơn; các biện pháp tăng lệ phí trước bạ, lệ phí đóng góp bảo trì đường bộ, đầu tư đường bộ, phí giảm ô nhiễm môi trường...

 

 

 

 

 

Đối với vấn đề chất lượng mũ bảo hiểm không đảm bảo, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết Chính phủ cũng đã nhận thấy sớm khả năng lợi dụng quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm sẽ xuất hiện tình trạng mũ bảo hiểm kém chất lượng và biến động về giá cả, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học Công nghệ chủ trì kiểm tra chất lượng mũ, và đã có công bố các nhãn hiệu mũ có chất lượng; Bộ Công thương kiểm tra các cơ sở sản xuất, giá cả, hàng giả, hàng nhái... Bộ trưởng cũng thừa nhận kết quả công tác kiểm tra chưa được như mong muốn.

 

 

 

 

 

Đề cập trách nhiệm của các cơ quan và ban ngành đối với tình trạng ùn tắc giao thông, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nêu rõ, Bộ Giao thông-Vận tải chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước chung về GTVT trong cả nước. Liên quan tới an toàn giao thông, Bộ phải chịu trách nhiệm trực tiếp về kết cấu hạ tầng, về vấn đề tổ chức vận tải, trong đó quản lý cả phương tiện vận tải và người điều khiển phương tiện vận tải và các tuyến quốc lộ. Đối với vấn đề ùn tắc ở những đô thị, thì trách nhiệm chính vẫn thuộc về chính quyền các cấp ở đô thị đó. Bộ Giao thông-Vận tải không thể đi phân luồng, phân tuyến hay sửa chữa các tuyến đường trong đô thị được. Trách nhiệm chung thì có, nhưng trách nhiệm cụ thể thì không.

 

 

 

 

 

Về những giải pháp lâu dài đối với việc chống ùn tắc và tai nạn giao thông, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nhấn mạnh công tác xây dựng lại kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ. Ưu tiên thời gian tới, đầu tư vào các tuyến giao thông kết nối, nối các trung tâm thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị khác, nhằm giải thoát lưu lượng giao thông trong đô thị. Chú ý vào các dự án đường vành đai, tuyến nội đô theo hướng phát triển tàu điện ngầm, đường sắt trên cao...

 

 

 

 

 

Chiến lược và quy hoạch của ngành GTVT

 

 

 

 

 

Theo Báo cáo giải trình ý kiến cử tri của Chủ tịch Hồ Nghĩa Dũng, chiến lược và quy hoạch chủ yếu của ngành Giao thông-Vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2003, 2004. Tuy nhiên thời gian qua đã có nhiều thay đổi, và trong năm 2007, Bộ Giao thông-Vận tải cũng đã cập nhật lại toàn bộ các quy hoạch, lần lượt bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch chiến lược để phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và những năm sau đó. Trong đó Bộ có nhấn mạnh đến những nội dung về chiến lược phát triển đường cao tốc, mạng lưới đường ven biển, kết cấu hạ tầng của hệ thống cảng, đặc biệt là cảng cửa ngõ quốc tế, cảng trung chuyển quốc tế, phát triển công nghiệp giao thông vận tải, đặc biệt là công nghiệp đóng tàu.

 

 

 

 

 

Về sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng có báo cáo ngắn gọn cho biết, Bộ đã cho thành lập một tổ chuyên gia để tự điều tra, xác định nguyên nhân của sự cố. Đồng thời chỉ định một công ty tư vấn độc lập của trường Đại học Giao thông-Vận tải cùng tiến hành điều tra xác định nguyên nhân. Hiện các đơn vị này vẫn đang khẩn trương tiến hành điều tra. Bộ cũng đã có phương án tháo dỡ hiện trường để chuẩn bị cho giai đoạn mới, đang chờ kết quả thẩm định của cơ quan chức năng. Về nguyên nhân của sự cố cũng như trách nhiệm của Bộ Giao thông-Vận tải, Ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát... Bộ trưởng cho biết sẽ có thông báo cụ thể sau khi có kết luận của Ủy ban điều tra Nhà nước về sự cố cầu Cần Thơ.

 

 

 

 

 

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn

 

 

 

 

 

Sau giờ nghỉ giải lao, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng lên trả lời chất vấn, tập trung vào các vấn đề: Nguy cơ thiếu điện và tình trạng triển khai, thi công chậm trễ một số công trình thuỷ điện. Nguyên nhân tình trạng nhập siêu năm 2007 cao hơn năm 2006; giải pháp hữu hiệu để kiểm soát nhập siêu để phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2008. Trách nhiệm trong việc nhập khẩu xăng dầu (chất lượng, giá cả và việc gây ô nhiễm môi trường, hướng giải quyết). Chiến lược phát triển ngành sản xuất ô tô của Việt Nam và vấn đề giá ô tô nội địa.

 

 

 

 

 

Tuy trong một thời gian rất ngắn, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đối với các ý kiến của 6 đại biểu được đánh giá là khá cụ thể, tập trung chủ yếu vào các giải pháp để kiểm soát nhập siêu.

 

 

 

 

 

Phần trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ sẽ được tiếp tục vào ngày thứ hai (19/11) với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn và Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề mà cử tri cả nước và đại biểu Quốc hội quan tâm./.

Hà Thủy

(http://www.vovnews.vn)