(VOV)_Sáng nay (14/11), Quốc hội làm việc tại Hội trường, tiếp tục thảo luận về Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.
Sau 1 ngày thảo luận tại hội trường đã có 25 đại biểu đóng góp ý kiến cho Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Phần lớn các ý kiến đều đánh giá tầm quan trọng và sự cần thiết phải có luật này. Mong muốn Chính phủ, Quốc hội tích cực chuẩn bị để luật sớm được ban hành, để tài sản của Nhà nước được quản lý có chủ và có trách nhiệm, được sử dụng đúng mục đích là tài sản của Nhà nước.
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm của Dự án luật này là việc nên hay không nên cho thuê tài sản Nhà nước. Đại biểu Trần Thị Lộc (Bắc Kạn) cho rằng việc quy định không cho phép cơ quan Nhà nước sử dụng tài sản Nhà nước cho thuê là chưa hoàn toàn hợp lý. Với nguyên tắc tài sản của Nhà nước thì phải sử dụng đúng công năng, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả, mà về nguyên lý thì nếu sử dụng hết công năng, công suất thì không thể cho là sử dụng có hiệu quả đối với tất cả các loại tài sản và về mặt thực tế thì hiện nay, hầu hết các tài sản đã trang bị cho các cơ quan Nhà nước vẫn còn nằm trong tình trạng nêu trên. Hơn nữa, không phải loại tài sản nào cũng có thể để nguyên hoặc thanh lý hay bán hoặc thu hồi được và một số tài sản thì cũng khó để bóc tách riêng rẽ. Tuy nhiên, việc cơ quan nhà nước cho thuê tài sản nhà nước, thì có thể hơi khiễn cưỡng với nguyên tắc sử dụng đúng mục đích. Theo đại biểu Trần Thị Lộc, có thể xử lý vấn đề này bằng việc xác định loại tài sản nào được phép cho thuê trong luật, cũng như quy định rõ cách thức cho thuê, việc quản lý, sử dụng tiền thu được từ việc cho thuê.
Để ngăn chặn tình trạng sử dụng lãng phí tài sản nhà nước, đại biểu Phạm Phương Thảo (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ sự đồng tình với những quy định tại Điều 24 cho phép thuê tài sản tại cơ quan Nhà nước. Đại biểu này cho rằng không phải cơ quan nào cũng xây hội trường, cũng sắm xe, mà có thể đi thuê hội trường, thuê xe để phục vụ cho hoạt động.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) lại cho rằng không nên cho phép cơ quan Nhà nước được thuê tài sản vì dễ dẫn đến trục lợi và cần giới hạn khái niệm tài sản Nhà nước trong phạm vi hẹp hơn.
Nhiều ý kiến khác cũng tập trung làm rõ thêm một số vấn đề như phạm vi điều chỉnh của dự án luật, các nguyên tắc sử dụng, quản lý tài sản nhà nước, các cơ chế mới trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Các đại biểu Trần Du Lịch (đoàn thành phố Hồ Chí Minh), Ngô Thị Doãn Thanh (đoàn Hà Nội) đề nghị cần có quy định cụ thể cũng như các chế tài trong các trường hợp quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước sai nguyên tắc gây thất thoát lãng phí. Các ý kiến sẽ được Ban soạn thảo và các cơ quan chức năng tiếp thu chỉnh lý và trình Quốc hội xem xét thông qua ở kỳ họp lần sau.
Sau giờ nghỉ giải lao buổi sáng, Quốc hội đã nghe Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đọc Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2008; Uỷ viên Đoàn thư ký kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã đọc dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2008.
Cuối buổi làm việc sáng nay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2008 với tỷ lệ đồng thuận cao (81,95%).
Chiều nay, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Năng lượng nguyên tử./.