Thảo luận về dự án Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước: Phải chấm dứt tình trạng "xài của chùa"

15/11/2007

Thảo luận về dự án Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, các đại biểu đều cho rằng tình trạng lãng phí tài sản nhà nước (gọi tắt là công sản) đã đến mức báo động ở trên tất cả các mặt từ diện tích đất công sở, nhà công sở, phương tiện đi lại, thiết bị kỹ thuật ...mua sắm tràn lan, phần lớn không sử dụng hết công suất, chưa hết khấu hao đã thanh lý.

Trong khi có nơi thừa đất, thừa nhà cho thuê làm dịch vụ thì ở những vùng khó khăn thì trụ sở cơ quan chính quyền, cơ quan tư pháp lại rất thiếu, có khi phải thuê nhà dân hoặc làm nhà tạm. Công sản trong ý thức của người được sử dụng (công chức) đã bị coi là “của chùa“, “tiền chùa“ cứ dùng vô tội vạ.

Sự lãng phí rất lớn còn dẫn tới tình trạng không công bằng; ví dụ: đất công bị biến tướng, chia chác cho người trong nội bộ cơ quan. Việc lãng phí công sản đã là căn bệnh trầm kha. Từ ngày có HTX, có chế độ sở hữu nhà nước...đã có câu ca dao đại ý là : Trống làng ai đánh thì thùng - Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng. Khái niệm: tài sản của nhà nước, của tập thể, chi ngân sách là “của chùa, tiền chùa“ đã mặc nhiên tồn tại. Những chiếc xe công bị sử dụng vào việc riêng và đã trở thành cái “oai“, cái “danh giá” một thời của người có chức, có quyền, chi ngân sách cũng bị lạm dụng trong cơ chế “xin-cho“. Lãng phí tài sản công cũng góp phần làm suy thoái văn hoá công chức, văn hoá công sở. Tiết kiệm không được suy tôn, mà không ít trường hợp bị chê là “keo''. Một đất nước nghèo, nhưng thói quen phô trương lại khá phổ biến ở các cơ quan, đơn vị. Vì vậy, các đại biểu đều đề nghị phải quy định trách nhiệm cụ thể, chặt chẽ trách nhiệm của người quản lý, của công nhân viên chức để chấm dứt tâm lý sử dụng công sản, quản lý công sản theo kiều “xài của chùa“.

Bà Phạm Thị Phương Thảo (tp Hồ Chí Minh) phát biểu: Tình trạng lãng phí tài sản công ở nhiều lĩnh vực, từ diện tích văn phòng, công sở, đến xe cộ, các thiết bị kỹ thuật. Công sở bị “xẻ” để cho thuê khá phổ biến, và tình trạng “đột cửa, trổ tường” vừa làm xấu quy hoạch vừa làm giảm sự tôn nghiêm của cơ quan công quyền. Bà Thảo cũng đề nghị cần có quy định rõ: không nhất thiết cơ quan nào cũng phải xây dựng hội trường, mua xe chất lượng cao, đắt tiền. Ở CHLB Đức, một nước giàu thứ 3 thế giới nhưng họ sở hữu công sản rất tiết kiệm và hiệu quả. Xe đón khách là nguyên thủ quốc gia họ cũng đi thuê; cả một tầng mới có một máy phô-tô-cóp-pi. Bà Thảo mong muốn, những quy định về quản lý công sản đi vào chi tiết, cụ thể hơn đề tranh tình trạng lạm dụng và lãng phí công sản, vận dụng cơ chế thuê phương tiện, thuê cả hội trường cho các hội nghị để giảm bớt lãng phí cho ngân sách.

Đại biểu Nguyễn Danh Út (Kiên Giang) đề nghị luật hoá tiêu chuẩn của công chức các cấp trong việc sử dụng công sản và ông cũng đề nghị phải điều chỉnh lại chế độ công tác phí cho công nhân viên chức phù hợp với thực tế thị trường và chế độ tiếp khách ở các cấp.

Sáng 14/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước./.

 

(http://www.cpv.org.vn/index.html)