Về dự thảo Luật Chữ thập đỏ, các ĐB Trần Đông A, Ngô Minh Hồng (TP HCM) cho rằng, luật cần làm rõ việc tập trung và sử dụng các nguồn lực huy động từ xã hội để hỗ trợ nhân đạo trong trường hợp xảy ra thiên tai, sự cố. "Các nước bạn hỗ trợ ta trong những trường hợp như vậy đều thông qua Hội Chữ thập đỏ (CTĐ), trong khi ở nước ta còn có Mặt trận Tổ quốc VN và rất nhiều hiệp hội khác cùng làm công tác huy động nguồn lực và tiến hành hỗ trợ nhân đạo. Phải giải quyết được mối quan hệ giữa Mặt trận – Hội CTĐ và các tổ chức khác để minh bạch hóa việc sử dụng tiền cứu trợ, phòng ngừa tiêu cực", ĐB Trần Đông A phát biểu. Ngay cả việc các cá nhân, tổ chức muốn trực tiếp làm từ thiện cũng cần có hướng dẫn, quy định để một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho họ, mặt khác, có sự điều tiết công bằng giữa các đối tượng được cứu trợ.
Về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), ĐB Trần Hoàng Thám mong muốn luật phải gắn với cuộc sống, thể hiện nguyện vọng của cử tri, dù là làm mới hay điều chỉnh luật cũ. ĐB nêu ví dụ cụ thể: "Ngay cả việc Quốc hội xem xét thông qua chương trình làm luật cho cả một nhiệm kỳ, theo tôi, cũng nên trưng cầu ý kiến nhân dân xem thực tế cuộc sống có đòi hỏi bức xúc gì, nên làm luật gì trước, luật gì sau". ĐB Huỳnh Thành Lập cho biết, theo quy định tại dự thảo có tới 23 loại VBPL do các bộ, ngành trung ương ban hành - một hệ thống hết sức phức tạp - chưa kể các VB do HĐND và UBND các cấp ban hành (được điều chỉnh trong luật khác). Do đó, ông tán thành quan điểm bỏ bớt một số loại VBQPPL, đồng thời cần đổi mới hình thức VB sao cho đơn giản hơn và dễ thực hiện hơn.