Phiên họp thứ Ba mươi của UBTVQH

14/04/2010

* Dự án Luật Viên chức: Xác định chính xác viên chức là ai * Dự án Luật Người khuyết tật: Không luật hóa các mong muốn mang tính chủ quan

Sáng 13.4, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Viên chức.

Theo Tờ trình của Chính phủ, các quy định pháp luật hiện hành về viên chức vẫn chưa tách bạch quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm giữa viên chức với cán bộ, công chức. Điều này đã hạn chế việc phát triển đội ngũ viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Việc xây dựng Luật Viên chức là cần thiết để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc quản lý và phát triển đội ngũ viên chức, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp. Theo dự thảo Luật, viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo hợp đồng làm việc, bổ nhiệm vào một chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý trong đơn vị sự nghiệp và hưởng lương từ nguồn tài chính của đơn vị. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, nếu đủ các tiêu chuẩn, điều kiện do Chính phủ quy định thì được đăng ký dự tuyển vào vị trí viên chức. Viên chức được quyền góp vốn, tham gia thành lập nhưng không được trực tiếp điều hành các loại hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp tư nhân; được làm thêm ngoài giờ.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Viên chức do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận trình bày tán thành với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng được quy định trong dự thảo Luật. Song, đề nghị cân nhắc đổi tên thành Luật Viên chức nhà nước để phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng. Ủy ban Pháp luật đánh giá, đây là dự án Luật quan trọng, sẽ tác động đến hơn 1,6 triệu viên chức hiện đang làm việc trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực cung cấp các dịch vụ công thiết yếu cho người dân. Tuy nhiên, đây cũng là dự án Luật khó và phức tạp. Bởi đội ngũ viên chức đã được hình thành và phát triển trong một quá trình lâu dài, với nhiều thay đổi về cơ chế quản lý, sử dụng. Ủy ban Pháp luật đề nghị, để xây dựng một đạo luật hoàn chỉnh, khả thi về viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thì trước hết phải xác định được mô hình, tổ chức, quy mô, số lượng và phương hướng sắp xếp các đơn vị sự nghiệp này trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây là công việc lâu dài, đòi hỏi phải có nhiều thời gian, nên trước mắt, dự thảo Luật Viên chức cần có những quy định mang tính định hướng nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước cho việc tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập; tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập với cơ chế kiểm tra, giám sát hữu hiệu. Bên cạnh đó, cần đổi mới, xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với đơn vị sự nghiệp công lập trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tính đến các yêu cầu xã hội hóa trong việc cung ứng các dịch vụ công ở nước ta hiện nay.

Cơ bản tán thành các quan điểm trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh, trước khi xây dựng các quy định điều chỉnh hoạt động của viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập, cần xác định chính xác viên chức là ai. Bởi trên thực tế, đang tồn tại ba loại hình đơn vị sự nghiệp công lập gồm: đơn vị sự nghiệp công lập nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động; đơn vị được cấp một phần kinh phí và đơn vị tự chủ tài chính. Trong đơn vị sự nghiệp công lập cũng có một số lượng không nhỏ những người làm việc theo các hình thức hợp đồng lao động khác như: hợp đồng lao động, hợp đồng khoán việc, hợp đồng thời vụ... Như vậy, nếu giữ quy định như dự thảo Luật sẽ không chính xác và chưa phù hợp với thực tiễn tuyển dụng, quản lý viên chức nhà nước hiện nay. Nhiều Ủy viên UBTVQH cũng đề nghị, cần cân nhắc việc cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài được tham gia dự tuyển làm viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Bởi viên chức cũng là một nguồn lực quan trọng, góp phần thực hiện thành công các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia vào các hoạt động sự nghiệp công thì có thể sử dụng các cơ chế khác như hợp tác nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, chuyển giao công nghệ hoặc hợp đồng vụ việc... thông qua hợp đồng lao động. Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng nhấn mạnh, cần quy định rõ về nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp, tránh tạo nhiều cách hiểu khác nhau trong quá trình áp dụng pháp luật.

Dự thảo Luật Viên chức quy định, với đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính, người đứng đầu được quyết định các vị trí việc làm và số lượng viên chức. Đối với đơn vị chưa tự chủ về tài chính, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, nhu cầu công việc thực tế và khả năng tài chính của đơn vị sự nghiệp, người đứng đầu xây dựng kế hoạch vị trí làm việc, kế hoạch số lượng viên chức và lao động hàng năm trình cơ quan có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét, quyết định. Nhưng nhiều Ủy viên UBTVQH băn khoăn, việc giao quá nhiều quyền cho một cá nhân có thể dẫn đến sự độc đoán, lạm quyền hoặc thậm chí là cố ý làm trái để trục lợi hay không? Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đặt câu hỏi: việc phân cấp quá nhanh, quá mạnh, giao nhiều quyền cho đơn vị sự nghiệp công lập có phù hợp với thực tiễn, trình độ quản lý của nhiều đơn vị sự nghiệp hiện nay không? Còn Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi cho rằng, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát hữu hiệu việc thực hiện quyền tự chủ của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp. Mô hình hội đồng chuyên ngành để giám sát hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập đang được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới, Chủ nhiệm Đào Trọng Thi đề nghị, cần nghiên cứu áp dụng mô hình này tại nước ta nhằm bảo đảm dân chủ, khách quan, minh bạch trong quá trình ra quyết định của người đứng đầu đơn vị.

Buổi chiều, dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Người khuyết tật.

Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Người khuyết tật do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai trình bày, nêu rõ: dự thảo Luật Người khuyết tật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương, 55 điều, trong đó bổ sung thêm một chương mới là Chương Chứng nhận khuyết tật (Chương II) quy định về Hội đồng xác định mức độ khuyết tật; phương pháp, thủ tục, kinh phí xác định mức độ khuyết tật; Giấy chứng nhận khuyết tật... Về khái niệm người khuyết tật, đa số ý kiến thống nhất với khái niệm người khuyết tật được nhìn nhận ở cả góc độ y tế và xã hội bởi thực tế cho thấy, người khuyết tật khó có cơ hội tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội do những khiếm khuyết về cơ thể, chức năng, và khó khăn đó càng tăng thêm bởi những rào cản khác trong xã hội. Chính vì vậy, việc tiếp cận khái niệm người khuyết tật từ góc độ xã hội nhằm bổ sung, sửa đổi các chính sách, giúp giảm thiểu hoặc xóa bỏ những rào cản để người khuyết tật chủ động hòa nhập, tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội.

Các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Người khuyết tật và cho rằng, dự thảo Luật Người khuyết tật đã được tiếp thu, chỉnh lý tương đối hoàn thiện. Tuy nhiên, hiện nay nước ta có khoảng hơn 5 triệu người khuyết tật và sẽ còn tăng lên. Để thực hiện các chính sách xã hội hỗ trợ cho người khuyết tật, ngân sách nhà nước phải bỏ ra một phần đáng kể. Do đó, Chủ tịch HĐDT K’sor Phước đề nghị, cần thẩm định toàn diện hơn về khả năng chịu đựng của ngân sách nhà nước nếu thực hiện các chính sách theo quy định của Luật Người khuyết tật có hiệu lực. Ở góc độ khác, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng: dự thảo Luật giao trách nhiệm xác định mức độ khuyết tật cho Hội đồng xác định mức độ khuyết tật mà thành phần của Hội đồng này lại bao gồm Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; cán bộ lao động xã hội, trạm trưởng trạm y tế xã phường, thị trấn…là chưa phù hợp. Việc xác định mức độ khuyết tật và kết quả xác định mức độ khuyết tật rất quan trọng, là cơ sở để xây dựng chính sách phù hợp cho từng đối tượng theo mức độ khuyết tật, nhưng quy định như dự thảo Luật liệu có bảo đảm tính chính xác của kết quả xác định khuyết tật hay không? Một số trường hợp đơn giản thì Hội đồng này có thể đảm nhận được nhưng với những trường hợp phức tạp thì nhất thiết phải có sự thẩm định của Hội đồng giám định y khoa.

Về giải quyết việc làm cho người khuyết tật, dự thảo Luật đưa ra hai phương án: một là khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc và hai là quy định các cơ quan, doanh nghiệp có trách nhiệm tuyển dụng ít nhất 1% người khuyết tật vào làm việc. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, việc định ra doanh nghiệp phải nhận 1% hay 2% người khuyết tật vào làm việc là chưa có cơ sở khoa học, chưa căn cứ vào nhu cầu tuyển dụng lao động thực tế của các doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng là, người khuyết tật có thể đáp ứng được yêu cầu về tay nghề lao động của các doanh nghiệp hay không? Mong muốn của chúng ta là người khuyết tật có thể tìm được việc làm để cải thiện đời sống. Nhưng mong muốn và thực tế là khác nhau, không thể lấy mong muốn áp đặt vào pháp luật và cũng không nên luật hóa các mong muốn chủ quan. Chỉ nên quy định chính sách theo hướng khuyến khích để tạo sự chủ động cho các doanh nghiệp trong tuyển dụng và sử dụng lao động là người khuyết tật, phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp. Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình cho rằng, đa số người khuyết tật có trình độ thấp, phần lớn chưa được qua đào tạo nghề nên các doanh nghiệp dù muốn cũng khó có thể tuyển đủ số lao động là người khuyết tật theo quy định. Do đó, không nên quy định doanh nghiệp bắt buộc phải tuyển dụng một tỷ lệ nhất định người khuyết tật vào làm việc, và cũng không nên đặt vấn đề trong trường hợp các doanh nghiệp có sử dụng ngân sách nhà nước không nhận đủ tỷ lệ lao động là người khuyết tật thì phải nộp một khoản tiền vào Quỹ giải quyết việc làm cho người khuyết tật vì đó đều là ngân sách nhà nước.

 

P. Thủy – H. Vân

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)

Các bài viết khác