QH đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật này.
Báo cáo nêu rõ: Luật này quy định về phòng chống bệnh truyền nhiễm, chống dịch, kiểm dịch y tế biên giới; các điều kiện bảo đảm cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm ở người (trừ bệnh HIV/AIDS đã có luật riêng).
Dự thảo luật phân chia bệnh truyền nhiễm thành ba nhóm (A, B, C) theo mức độ nguy hiểm của bệnh; các quy định sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc khi tham gia phòng dịch, về trách nhiệm trong việc tổ chức sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế, về nguồn tài chính bảo đảm cho công tác này; các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh trong cung cấp nước sạch; về công tác giám sát bệnh truyền nhiễm, chính sách của Nhà nước và các điều kiện bảo đảm cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Nhiều đại biểu khẳng định, việc xây dựng, ban hành Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm hiện nay là rất cần thiết, trực tiếp tác động đến việc bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ của nhân dân.
Đại biểu Lê Minh Hồng (Hà Nam) nêu vấn đề, gần đây dư luận xã hội và báo chí rất bức xúc về tình trạng quản lý rác thải y tế lỏng lẻo, bị tuồn ra ngoài làm nguyên liệu tái chế sản xuất đồ dùng sinh hoạt, dễ gây mầm bệnh truyền nhiễm sang người. Đại biểu này đề nghị phải quy định chặt chẽ việc quản lý rác thải y tế và các loại chất thải khác, có chế tài xử phạt nghiêm minh tổ chức, cá nhân sai phạm.
Đại biểu Võ Thị Dễ (Long An) đề nghị không chỉ giám sát các trường hợp mắc bệnh, mà cần giám sát cả những người tiếp xúc với nguồn bệnh, kiểm soát được mầm bệnh không để lây lan. Bên cạnh đó, luật phải quy định rõ trách nhiệm của người mắc bệnh trong việc chấp hành các quy định về điều trị, tránh lây lan, phải đăng ký với y tế cơ sở theo dõi khi được xuất viện (đối với một số loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm).
Đại biểu Triệu Mùi Nái (Hà Giang) đề nghị cần có chính sách ưu tiên cho các tỉnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc phòng, chống các bệnh truyền nhiễm.
Đại biểu Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long) cho rằng cần quy định rõ hơn về trách nhiệm trong trường hợp thực hiện tiêm chủng mở rộng để xảy ra tai biến ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng. Trường hợp xác định được lỗi thuộc về tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản vắc-xin, sinh phẩm y tế hoặc người làm công tác tiêm chủng thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Dự thảo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm tiếp tục được tiếp thụ, chỉnh lý và thông qua tại kỳ họp này của QH.