- PV: Thưa ông, dự toán phân bổ ngân sách năm 2008 cho ngành giáo dục là 20% tổng ngân sách. Liệu với mức chi cao như vậy, chất lượng giáo dục có được cải thiện?
Ông ĐÀO TRỌNG THI: Phân bổ 20% ngân sách năm 2008 cho giáo dục là thực hiện đúng Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về ưu tiên đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Đương nhiên, tăng đầu tư thì cũng hy vọng chất lượng sẽ lên, nhưng tăng lên như thế nào thì cần phải đánh giá về hiệu quả. Giải pháp thiết thực và khả thi hơn là làm sao chúng ta nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách.
- Thời gian qua, hiệu quả sử dụng ngân sách giáo dục ra sao?
Chúng tôi chưa thể có sự đánh giá đầy đủ vì cần phải tiến hành khảo sát, có đủ số liệu, cơ sở khoa học mới đánh giá được. Và để đánh giá đầy đủ, chi tiêu cho giáo dục cần phải thực hiện minh bạch hơn. Chúng ta không chỉ quan tâm đến việc đánh giá việc sử dụng ngân sách ấy có đúng với quy định tài chính không một cách hình thức, mà phải đánh giá hiệu quả thực chất của nó.
- Vậy để công khai, minh bạch hóa các chi tiêu trong ngành giáo dục, cần phải làm gì?
Để đáp ứng cho yêu cầu của giáo dục và đào tạo, không nên trông chờ vào giải pháp tăng ngân sách cho giáo dục. Bên cạnh việc xã hội hóa giáo dục, phải rất chú ý đến giải pháp làm sao để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Việc nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách không chỉ đặt ra đối với riêng ngành giáo dục mà là đòi hỏi chung đối với hầu hết lĩnh vực khác. Quốc hội cần có những biện pháp, tạo ra hành lang pháp lý để làm cho việc sử dụng ngân sách ngày một hiệu quả, minh bạch hơn. Bên cạnh đó, cần phải thực hiện kiểm toán. Biện pháp này cần được thực hiện thường xuyên chứ không chỉ cứ tăng ngân sách mới làm. Kiểm toán cả trong việc sử dụng ngân sách chung dành cho giáo dục lẫn người sử dụng ngân sách giáo dục trong các hoạt động khác nhau của cơ sở giáo dục.
- Xin cảm ơn ông!