Phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết, việc phòng, chống ma túy ngày càng diễn biến hết sức phức tạp. Số vụ, số đối tượng, khối lượng chất ma túy gia tăng từng năm. Trung bình trong 5 năm gần đây, cả nước đã phát hiện 20.000 vụ, trên 30.000 đối tượng, khối lượng chất ma túy thu giữ được tính bằng tấn. Sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng ngày càng phong phú, đa dạng, từ hút, hít sang tiêm chích, uống, ngậm ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần, v.v..
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Do vậy, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng việc sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy là yêu cầu cấp thiết để mở rộng đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, quản lý nhà nước, quản lý người sử dụng chất ma túy, thể chế hóa quan điểm của Đảng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy, đồng thời đảm bảo tính thống nhất của pháp luật nhằm khắc phục hạn chế khó khăn hiện nay, đảm bảo đáp ứng tốt hơn nhu cầu đẩy mạnh công tác phòng, chống ma túy trong thời gian tới. Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống ma túy, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống ma túy trong thời gian sắp tới. Góp ý vào dự thảo luật này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đã tham gia một số nội dung cụ thể:
Tại Điều 5, về chính sách nhà nước về phòng, chống ma túy, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhận định, phòng, chống ma túy là trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức toàn xã hội, vì vậy, luật cần quy định đối với gia đình, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đều phải có trách nhiệm nếu như con mình bị nghiện ma túy. Việc làm này nâng cao trách nhiệm của bố, mẹ đối với con, trách nhiệm của con đối với bố mẹ để cảnh báo, giáo dục các thành viên trong gia đình về tác hại của ma túy và thực hiện pháp luật về phòng, chống ma túy.
“Điểm phòng, chống ma túy tốt nhất là gia đình. Nguy hại lớn nhất khi có con bị nghiện cũng là gia đình”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói.
Đại biểu đề nghị cần tổ chức hợp tác các cơ quan chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Hỗ trợ hoạt động ai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện và tại cộng đồng. Cảnh báo thông tin tội phạm về tệ nạn ma túy, việc trồng cây có chứa chất ma túy cho cơ quan công an, cơ quan có thẩm quyền, góp phần tham gia triệt phá cây có chứa chất ma túy. Tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng tại Điều 22, dự thảo luật cần bổ sung thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa chất hướng thần, thuốc có chứa tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất. Các loại thuốc cần phải được kiểm soát, không để tội phạm ma túy lợi dụng sản xuất ma túy tổng hợp. Đồng thời, bổ sung quy định về kiềm chế, kiểm soát hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập nhằm ngăn chặn triệt để hoạt động vận chuyển ma túy.
Về Điều 35 quy định cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho đây là một quy định không khả thi, rất khó thực hiện, vì gia đình thường không có đủ kinh nghiệm, điều kiện và năng lực để giúp người cai nghiện tại nhà. Mặt khác, việc kiểm soát không tốt có thể dẫn đến nhiều hệ lụy gây hậu quả nghiêm trọng cho gia đình. Thực tế, đã xảy ra nhiều trường hợp hết sức thương tâm, người thân trong gia đình bị con nghiện hành hung, thậm chí bị giết hại tại gia đình khi lên cơn nghiện hoặc ngáo đá. Do vậy, đã bị nghiện ma túy thì chỉ trung tâm cai nghiện mới an toàn và hiệu quả. Trong các trường hợp có dấu hiệu chưa đến mức nghiện thì áp dụng biện pháp tự nguyện tại gia đình.
Về quy định sau thỏa thuận 2 ngày cai nghiện; và Sau 2 ngày hoàn thiện chương trình cai nghiện phải báo cáo thời hạn, gửi giấy chứng nhận hoàn thành cai nghiện cho công an cấp xã nơi cư trú, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng 2 điều này giống nhau nên phải xem xét để điều chỉnh lại. Có thể không cần quy định về báo cáo của người nghiện cho công an cấp xã nơi cư trú, nên quy định nơi cai nghiện có trách nhiệm thông tin với cấp xã.
Tại Điều 40, cai nghiện ma túy cho người đủ 12 đến 18 tuổi, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị, Khoản 1 không quy định độ tuổi giám hộ cho người nghiện ma túy từ 12 đến 18 tuổi vì con nghiện không có độ tuổi. Khoản 2 không quy định đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc 6 đến 12 tháng, con nghiện được cai nghiện không phụ thuộc vào thời gian.
Tại Điều 46, trong tổ chức cai nghiện ma túy và hỗ trợ sau cai nghiện, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng cần bổ sung quy định về việc xã hội hóa về cai nghiện, khuyến khích xây dựng các trung tâm cai nghiện tư nhân và được ưu đãi quỹ đất hỗ trợ chính sách về cai nghiện. “Việc này rất có hiệu quả, nếu có xã hội hóa và hỗ trợ thì các trung tâm cai nghiện có tác dụng rất tích cực đối với con nghiện”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói.
Tại Điều 60, kiểm tra, thanh tra trong quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng Luật cần bổ sung quy định về chế độ, chính sách khen thưởng, bảo vệ cá nhân tham gia truy tố, truy bắt tội phạm ma túy. Cá nhân bị thương tích, tổn hại về sức khỏe hoặc bị thiệt hại về tính mạng thì bản thân gia đình được hưởng chế độ, chính sách đặc biệt theo quy định của Chính phủ. Nâng cao hình thức xử phạt, truy tố trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy; xử lý cá nhân sử dụng tài sản, phương tiện của mình để tàng trữ, vận chuyển hoặc tạo điều kiện cho các hoạt động trái phép về ma túy, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về phòng, chống ma túy; cản trở, chống đối, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người tố giác, người làm chứng, người bị hại, người thi hành công vụ hoặc có các hành vi vi phạm khác tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính theo quy định trách nhiệm hình sự.
Cuối cùng, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị cần phải xem xét giảm thủ tục đưa con nghiện vào trung tâm cai nghiện hoặc theo dõi cai nghiện tại gia đình.