ĐBQH NGUYỄN THANH HẢI GÓP Ý VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM

08/02/2021

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đề nghị Ban soạn thảo xem xét và nghiên cứu bổ sung điều luật hoặc một khoản ở Điều 36, chi tiết hướng dẫn thi hành tại Chương VI về điều khoản thi hành để bố cục của luật được đầy đủ, chặt chẽ, thống nhất với các luật khác đã được ban hành trước đây.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang bày tỏ thống nhất cao với nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lí dự thảo Luật Biên phòng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Góp phần hoàn thiện thêm dự thảo này, đại biểu đóng góp một số ý kiến như sau.

Một, về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân về biên phòng, tại Điều 7. Theo đại biểu, đây là quy định mới so với dự thảo trình kỳ họp lần thứ 9. Tuy nhiên, đại biểu tán thành với quan điểm cần bổ sung quy định này vào dự thảo luật, như dự thảo luật đã trình Quốc hội kỳ 10. Bởi ngoài quy định trách nhiệm của công dân nói chung như tại khoản 1 điều này thì điều luật còn quy định trách nhiệm của công dân ở khu vực biên giới tại khoản 2 điều này, nhằm nêu cao trách nhiệm của lực lượng này đối với các hoạt động của biên phòng, Theo đai biểu, từng người dân, công dân ở khu vực biên giới nếu làm tốt trách nhiệm của mình thì chúng ta sẽ có một lực lượng hùng hậu để thực hiện hoạt động biên phòng vì không ai nắm rõ địa bàn, các hoạt động xảy ra trên địa bàn như chính người dân nơi đó. Mỗi người dân sẽ là một chiến sĩ, góp phần cùng lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng và thực hiện tốt bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, đồng thời quy định này cũng phù hợp với mục tiêu xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân. Tinh thần quy định là  tốt, tuy nhiên trong thời gian tới khi luật đã có hiệu lực thi hành thì chúng ta cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân khu vực biên giới hiểu và thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, nhằm phát huy hơn nữa ý nghĩa, hiệu quả thực tiễn mà quy định này đã mang lại

Vấn đề thứ hai, về phối hợp thực hiện nhiệm vụ biên phòng tại Điều 10. Đại biểu bày tỏ thống nhất cao với quy định này vì nội dung điều này nhằm quy định về việc phối hợp giữa các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, phát huy được sức mạnh tổng hợp và tạo điều kiện thuận lợi trong thực thi nhiệm vụ biên phòng. Bên cạnh đó, điều luật đã bổ sung, xác định cụ thể trách nhiệm của từng địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan trong việc thực thi nhiệm vụ của biên phòng để tránh chồng chéo và đảm bảo nguyên tắc một việc do nhiều chủ thể thực hiện nhưng một chủ thể chủ trì như tại điểm c, điểm d khoản 1 điều này. Mặt khác, điều luật còn bổ sung quy định việc xử lý trong trường hợp phát hiện hành vi phạm pháp luật trên cùng một địa bàn thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan, tổ chức lực lượng như quy định tại điểm d khoản 2 điều này. Đại biểu cho rằng, với quy định như trên thì công tác phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện thuận lợi, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng hơn nữa.

Vấn đề thứ ba là kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu của Bộ đội biên phòng. Tại khoản 3 Điều 14 về quyền hạn của Bộ đội biên phòng quy định: Áp dụng các hình thức, biện pháp quản lý bảo vệ biên giới theo quy định tại Điều 19, Điều 20 của luật này; cấp thị thực và các loại giấy phép trong lĩnh vực quản lý; bảo vệ biên giới quốc gia; kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Đại biểu thống nhất với việc giao cho Bộ đội biên phòng quyền hạn kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Vì thực tế trong thời gian qua, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 thì Bộ đội biên phòng đã và đang làm rất tốt nhiệm vụ này, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tại cửa khẩu thực hiện tốt các nhiệm vụ trong công tác phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu, qua đó đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn khu vực ở khu vực biên giới, ở các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý, tạo điều kiện tốt nhất cho xuất, nhập cảnh cho tổ chức, cá nhân vào lưu thông biên giới được thông thoáng, đúng quy định pháp luật, đồng thời quản lý chặt chẽ phương tiện xuất nhập cảnh, phục vụ tốt đường lối, chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước, mở rộng giao lưu, hợp tác phát triển ở các nước khu vực và quốc tế.

Vấn đề thứ tư, về hình thức quản lý biên giới tại Điều 19. Tại khoản 3 điều này quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định chuyển hình thức quản lý, bảo vệ biên giới trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm. Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 22 Luật Quốc phòng quy định thẩm quyền ban bố giới nghiêm được quy định như sau: "Thủ tướng Chính phủ ban bố lệnh giới nghiêm tại một hoặc một số địa phương cấp tỉnh. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban bố lệnh giới nghiêm tại một hoặc một số địa phương cấp huyện. Ủy ban nhân dân cấp huyện ban bố lệnh giới nghiêm ở một hoặc một số địa phương cấp xã. Ủy ban nhân dân đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ban bố lệnh giới nghiêm ở một hoặc một số khu vực trên địa bàn. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, rà soát, đối chiếu lại quy định tại khoản 3 Điều 19 của luật này cho phù hợp và thống nhất với thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Quốc phòng.

Vấn đề thứ năm, về hiệu lực thi hành tại Điều 36. Đại biểu thống nhất luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 như dự thảo nhằm kịp thời thay thế Pháp lệnh số 2 năm 1997, đồng thời cũng dành một khoảng thời gian để Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành các quy định chi tiết thi hành các nội dung được giao ở khoản 4 Điều 10, khoản 4 Điều 19, khoản 2 Điều 21 dự thảo luật, nhằm đảm bảo luật sau khi có hiệu lực thi hành thì sẽ thực hiện ngay, không bị vướng bởi các quy định hướng dẫn do tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết trong thời gian qua rất nhiều. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét và nghiên cứu bổ sung điều luật hoặc một khoản ở Điều 36, chi tiết hướng dẫn thi hành tại Chương VI về điều khoản thi hành để bố cục của luật được đầy đủ, chặt chẽ, thống nhất với các luật khác đã được ban hành trước đây. Điều luật như một khoản để Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành văn bản chi tiết để thực hiện và phù hợp với quy định tại Điều 11 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.

Minh Hùng