ĐBQH BẾ MINH ĐỨC: CẦN GIAO THẨM QUYỀN QUẢN LÝ NGƯỜI CAI NGHIỆN MA TÚY TẠI NƠI CƯ TRÚ CHO CÔNG AN XÃ

05/02/2021

Góp ý vào dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đại biểu Bế Minh Đức – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng cho rằng cần giao thẩm quyền quản lý người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho lực lượng Công an xã, phường bởi đội ngũ này có thể nắm bắt sâu sát, tiếp cận với các đối tượng.

Bày tỏ sự đồng tình với việc sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy, đại biểu Bế Minh Đức đánh giá cao Ban soạn thảo đã chuẩn bị hồ sơ dự án luật một cách công phu, đầy đủ, từ việc tổng kết việc thi hành luật, đánh giá tác động về các mặt của luật sau khi được sửa đổi, tập hợp đầy đủ các văn bản góp ý các báo cáo, thẩm tra và chủ động xây dựng một số dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành luật.

Đại biểu Bế Minh Đức – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV.

Bên cạnh đó, đại biểu Bế Minh Đức chỉ rõ, việc cai nghiện ma túy cho người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi quy định tại Điều 29 của dự thảo luật đã quy định: "Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho các trường hợp cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy". Như vậy, trẻ em cũng được hưởng sự hỗ trợ chung theo quy định này. Ngoài đối tượng này, khi cai nghiện còn được hưởng các chính sách riêng như: bố trí khu vực riêng, được học văn hóa, v.v.. Tuy nhiên, theo đại biểu, cần nghiên cứu bổ sung nội dung ưu tiên hỗ trợ kinh phí và điều kiện cơ sở vật chất cho đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi trong cai nghiện ma túy, vì trẻ em trong độ tuổi này đang có sự thay đổi lớn về tâm, sinh lý. Quy định như vậy cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước ta đối với thế hệ tương lai của đất nước.  

Về trình tự, thủ tục đưa người nghiện từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, quy định tại Điều 40 của dự thảo luật, đại biểu Bế Minh Đức nhất trí với việc quy định khi đưa đối tượng này đi cai nghiện bắt buộc phải do Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định, trên cơ sở tham khảo ý kiến tư vấn và không coi là việc xử lý vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, đại biểu Bế Minh Đức cho rằng cần làm rõ thêm quy định cơ quan bảo vệ trẻ em cùng cấp, vì nếu quy định như vậy đối chiếu theo Luật Trẻ em, đó sẽ là ý kiến tư vấn của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện.

Quy định như vậy đã đầy đủ và đảm bảo chưa? Trong khi Luật Trẻ em có quy định trách nhiệm liên quan đến rất nhiều cơ quan trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Nên chăng, chúng ta cần mở rộng thêm đối tượng, cần tham khảo thêm ý kiến như tư vấn của Công an, Đoàn thanh niên, Phòng Giáo dục cùng cấp hoặc nhà trường nơi trẻ em đang học tập, để các việc cai nghiện cho các em có hiệu quả hơn”, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị.

Về thẩm quyền trong việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý người nghiện tại nơi cư trú, đại biểu Bế Minh Đức nhất trí việc giao thẩm quyền này cho Công an xã, như quy định tại các Điều 26, 27, 35 và 47 của dự thảo luật. Theo đại biểu, việc giao thẩm quyền cho Công an xã trong việc này là hoàn toàn phù hợp, vì chỉ có đội ngũ công an xã mới là người nắm bắt trực tiếp, theo sát, dễ tiếp cận được các đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy. Ngoài ra, hiện nay địa bàn xã đã được bố trí công an chính quy, nên đây sẽ là cơ sở để Công an xã thực hiện tốt và có hiệu quả nhất việc này.

Tôi cho rằng, nếu giao thẩm quyền quản lý của người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý người nghiện tại nơi cư trú cho Ủy ban nhân dân cấp xã thì chỉ vì pháp luật quy định là Công an xã có chức năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp xã về vấn đề này thì cũng không phù hợp, vì người trực tiếp được Ủy ban nhân dân cấp xã giao nhiệm vụ thực hiện cuối cùng vẫn là Công an xã”, đại biểu Bế Minh Đức nhận định.

Hồ Hương