ĐBQH TRƯƠNG THỊ YẾN LINH: CHỜ NGƯỜI SỬ DỤNG MA TUÝ TỰ KHAI BÁO THÌ KHÓ KHẢ THI

15/02/2021

Tham gia thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đại biểu Trương Thị Yến Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đã đóng góp một số ý kiến nhằm làm rõ hơn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, gia đình trong quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trương Thị Yến Linh nhất trí với quan điểm của Ban soạn thảo về sự cần thiết ban hành luật này nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống ma túy. Bên cạnh đó, đại biểu Trương Thị Yến Linh đã đóng góp một số ý kiến cụ thể.

Đại biểu Trương Thị Yến Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Thứ nhất, về giải thích từ ngữ, đại biểu Trương Thị Yến Linh chỉ rõ, tại khoản 3 Điều 17 quy định cai nghiện ma túy là quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ về tâm lý, xã hội và y tế, giúp người nghiện thay đổi nhận thức, hành vi, phục hồi thể chất, tinh thần nhằm giảm sử dụng ma túy, tác hại của ma túy. Các hoạt động cai nghiện có điểm chung là sau khi cai nghiện thì đối tượng được cai nghiện không còn dùng chất bị cai nghiện nữa. Do vậy, đại biểu Trương Thị Yến Linh cho rằng, nếu đã gọi là cai nghiện ma túy thì mục đích là giúp người nghiện ma túy từ bỏ hẳn chứ không chỉ nhằm giảm việc sử dụng ma túy và làm giảm tác hại của ma túy, vì việc giảm sử dụng ma túy, tức là họ vẫn sử dụng nhưng với cường độ hoặc liều lượng ít đi, như vậy vẫn là có sử dụng ma túy, chắc chắn sẽ tái nghiện.

Ngoài ra, về việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy ở Điều 24: tại khoản 2 Điều này quy định, thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là 1 năm đối với người sử dụng trái phép chất ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, 6 tháng đối với người sử dụng trái phép chất ma túy dưới 18 tuổi, kể từ ngày xác định được hành vi sử dụng trái phép chất ma túy gần nhất của người đó. Đại biểu Trương Thị Yến Linh cho rằng quy định có sự phân biệt về thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là người từ đủ 18 tuổi trở lên, với người dưới 18 tuổi thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là chỉ 6 tháng và bằng nửa thời hạn so với người từ đủ 18 tuổi trở lên. Đại biểu bày tỏ sự băn khoăn với nội dung này với các lý do sau:

Thứ nhất, độ tuổi không nói lên được thời gian người này tiếp cận, sử dụng trái phép chất ma túy là mới hay đã lâu, cũng như liều lượng, cường độ sử dụng nhiều hay ít.

Thứ hai, tình hình học sinh, sinh viên sử dụng trái phép chất ma túy đang dần trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Điều này chứng tỏ, ma túy ngày nay không phân biệt độ tuổi. Vậy do đâu lại căn cứ độ tuổi để quy định thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Do vậy, đại biểu Trương Thị Yến Linh đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xem xét để có giải trình hoặc điều chỉnh quy định này cho hợp lý hơn.

Về thành lập tổ chức hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân ở Điều 34, đại biểu Trương Thị Yến Linh ủng hộ phương án của Ban soạn thảo về thành lập cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân, bên cạnh các cơ sở cai nghiện ma túy công lập, để giải quyết tình trạng quá tải tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập như hiện nay, do số lượng người nghiện gia tăng liên tục.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần có chính sách đảm bảo sự công bằng trong tổ chức và hoạt động giữa cơ sở cai nghiện ma túy công lập và cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân, nhất là trong vấn đề tiếp nhận người xác định tình trạng nghiện ma túy và chờ lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện.

Chúng ta nên dành sự lựa chọn nơi điều trị cho chính người thân của người nghiện hoặc quyết định lựa chọn cơ sở cai nghiện cho người nghiện ma túy căn cứ trên sự thuận tiện cho người nghiện và gia đình của họ để họ giảm được chi phí đi lại trong chăm nom cũng như thường xuyên khuyên bảo giúp người nghiện mau tiến bộ hơn”, đại biểu Trương Thị Yến Linh đề nghị.

Đại biểu phân tích thêm, gia đình là một trong những điểm tựa vững chắc, là động lực để người nghiện ma túy cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Do đó, ngoài quy định hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân, chỉ tổ chức cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung thêm quy định là tiếp nhận và tổ chức cai nghiện ma túy cho người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Về xử lý vi phạm trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của luật này, đại biểu Trương Thị Yến Linh nêu rõ, tại khoản 1 Điều 25 của dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy. Quy định là người sử dụng trái phép chất ma túy phải tự khai báo về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của mình với cơ quan, tổ chức, nơi làm việc hoặc là công an cấp xã nơi cư trú. Tại điểm b khoản 1 Điều 26 cũng quy định về trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức có liên quan quy định gia đình người sử dụng trái phép chất ma túy có trách nhiệm khi phát hiện người thân có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy phải thông báo với công an cấp xã nơi cư trú ngăn chặn người sử dụng trái phép chất ma túy, có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người sử dụng trái phép chất ma túy thường cố ý che giấu việc sử dụng trái phép chất ma túy của mình với gia đình, cộng đồng, trừ trường hợp họ bị nghiện nặng và dửng dưng, thờ ơ không bị tác động bởi dư luận xã hội nữa.

Đối với gia đình, vì tâm lý mặc cảm với xã hội và quan niệm "tốt khoe xấu che", do vậy mặc dù rất đau lòng và cố gắng khuyên răn con cái nhưng đa phần cũng chỉ dừng lại ở mức độ đó, rất hiếm khi họ chủ động khai báo về tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy của người thân trong gia đình mình.

Tinh thần của 2 điều luật này rất mới và tiến bộ hơn so với Luật Phòng, chống ma túy hiện hành, tuy nhiên đại biểu Trương Thị Yến Linh cho rằng, tính khả thi chưa cao vì thiếu các quy định chế tài tương xứng. Trên cơ sở đó đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét sửa đổi các quy định hiện hành có liên quan về Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng như Bộ luật Hình sự cho phù hợp và thống nhất, đồng bộ nhằm tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.

Hồ Hương