Phát biểu thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng Tờ trình của Chính phủ về Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi, bổ sung năm 2008 đã tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống ma túy thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập dù đã bổ sung, sửa đổi một số quy định nhưng chưa đồng bộ, chưa thống nhất với một số luật khác có liên quan.
“Ma túy càng ngày càng diễn biến phức tạp. Nhiều đối tượng mua, bán, sử dụng, tàng trữ, vận chuyển ma túy rất nhiều. Do đó, cần phải có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với công tác phòng, chống ma túy của chúng ta hiện nay”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Về Điều 12 trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, đại biểu Phạm Văn Hòa tán thành loại ý kiến thứ hai là giữ như luật hiện hành. Theo đó, cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy, tội phạm về ma túy thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện các hoạt động ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, thời gian qua, công tác này với chức năng của mỗi ngành hữu quan như công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, v.v. thực hiện rất tốt và đã phát huy hiệu quả của mỗi ngành trong phạm vi phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc lĩnh vực phụ trách, đặc biệt là bộ đội biên phòng và hải quan đã có hoạt động kiểm tra, ngăn chặn từ xa giúp bắt giữ nhiều tổ chức, cá nhân vận chuyển, mua bán ma túy.
“Nếu Bộ Công an chủ trì thực hiện, có thể chồng lấn nhiệm vụ của biên phòng, cũng có thể chồng lấn nhiệm vụ của hải quan trên địa bàn”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhận định.
Về điểm d khoản 1 yêu cầu các cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu tình hình tài chính và tài khoản của ngân hàng, các tổ chức tín dụng… khi có căn cứ cho rằng có hành vi vi phạm như trong các khoản của Điều 4, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị nên cân nhắc thật kỹ, nếu không khéo sẽ làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp riêng tư của cá nhân.
Về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo Điều 24, đại biểu Phạm Văn Hòa nhận định đây là quy định rất cần thiết, tuy nhiên, cũng cần giải thích thật rạch ròi, có căn cứ để lý giải sự khác nhau giữa thời hạn quản lý người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên và dưới 18, tuổi 6 tháng, 12 tháng. Mặt khác cũng giải thích về sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã đối với đối tượng phát hiện dương tính với ma túy, cách quản lý, biện pháp quản lý, đối tượng sinh hoạt ra sao ở gia đình hay ở nơi trụ sở của công an. Các đối tượng không nơi ở, không nơi nương tựa, sống lang thang, gia đình không thừa nhận quản lý giáo dục thì sẽ xử lý ra sao cũng cần phải phân tích rõ, cụ thể.
Ngoài ra, các vấn đề khác trong thực tiễn đã xảy ra như đối tượng có nghi ngờ nghiện ma túy, tiếp tục cơ quan chức năng đưa đi xét nghiệm nhưng không chấp hành. Tương tự, theo Điều 25, trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy không khai báo với chính quyền. Việc sử dụng ma túy của mình không chịu sự quản lý, không đồng ý đóng tiền sử dụng dịch vụ cai nghiện ma túy hoặc không có tiền, v.v..
“Quy định không cụ thể sẽ khó thực hiện vì có liên quan đến quyền thân nhân của con người. Cũng có trường hợp gia đình bất hợp tác với chính quyền về quản lý đối tượng, không đưa đối tượng đi xét nghiệm, không báo cáo các đối tượng sử dụng ma túy cũng cần phải giải thích, làm rõ”, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị.
Theo đại biểu, điều 35, cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là hết sức cần thiết nhằm giảm chi ngân sách, đối tượng gần gũi gia đình, dễ hòa nhập cộng đồng, được tự do sinh hoạt, học tập, giảm tải các cơ sở cai nghiện ma túy, v.v.. Tuy nhiên, cũng cần làm rõ thời gian tối thiểu đối tượng cai nghiện tự nguyện bao lâu, chấm dứt cai nghiện, hoàn lương, hòa nhập cộng đồng. Xét nghiệm xác nhận đối tượng đã thật sự cai chưa, không còn dương tính với ma túy.
Điều 37, các trường hợp áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, ở khoản 1 đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị bỏ quy định thời hạn 1 năm đã cai nghiện tại cộng đồng, cai nghiện bắt buộc được xác nhận hoàn thành chương trình cai nghiện.
“Nếu đã cai nghiện mà tái nghiện thì cũng có thể đưa vào trại cai nghiện trở lại chứ không nhất thiết phải quy định 6 tháng hay 1 năm. Nếu quy định từ 1 năm trở lên sẽ không thực tiễn vì có rất nhiều trường hợp sau khi ra trại ít ngày hoặc vài tháng lại tiếp tục tái nghiện, cho nên không quy định thời gian một năm là phù hợp hoặc là 6 tháng, nếu phát hiện tái nghiện thì phải tiếp tục đưa vào trại cai nghiện trở lại”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu rõ, tại Điều 40, "cai nghiện cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi" ở khoản 2, nếu vi phạm như quy định theo dự thảo luật phải đưa vào trại cai nghiện bắt buộc từ 6 đến 12 tháng, đại biểu đề nghị cân nhắc đối tượng này vào trại nếu đã cai thật sự và không còn dương tính với ma túy nữa, có sự xác nhận của cơ quan chuyên môn hoàn thành chương trình cai nghiện thì được hoàn lương, không tính thời gian. Ngược lại, cũng phải tiếp tục cai nghiện không tính thời gian như quy định chỉ từ 6 đến 12 tháng.
Cuối cùng, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng Điều 43 đề nghị bổ sung quy định đối với đối tượng sau cai nghiện và phòng, chống cai nghiện là rất cần thiết, nếu không sẽ dễ sinh hệ lụy sau này sẽ khó hoàn lương.
“Vì nhiều lý do khác nhau mà nhiều đối tượng cai nghiện trở lại, cho nên tôi đề nghị tiếp tục duy trì quy định quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng để cùng với gia đình theo dõi giáo dục đối tượng hoàn toàn từ bỏ sử dụng chất ma túy và cũng dễ dàng phát hiện đối tượng cai nghiện” đại biểu Phạm Văn Hòa nói.