GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN TẠO ĐỘT PHÁ TRONG PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

13/11/2020

Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ. Tuy nhiên, sau quá trình tổng kết, bên cạnh những kết quả tích cực thì Luật đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, không còn phù hợp với thực tiễn, đòi hỏi cần phải sửa đổi, bổ sung, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Cần thiết phải sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm tính kế thừa các nội dung của Luật Giao thông đường bộ năm 2001 với nhiều điểm mới và những quy định cụ thể, chặt chẽ như: kiểm soát chặt hơn đối với người uống bia, rượu khi tham gia giao thông; quy định người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy 02 bánh, xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm; quy định về vấn đề bảo đảm an toàn cho người đi bộ và người khuyết tật; quy định về người đi bộ, xe thô sơ, xe mô tô không được đi vào đường cao tốc; bổ sung độ tuổi trẻ em được chở trên mô tô, xe gắn máy là dưới 14 tuổi và xe đạp là dưới 07 tuổi; nâng độ tuổi đối với lái xe hạng D, E và FC;…

Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc; thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật Giao thông đường bộ 2008 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để xây dựng Luật thay thế.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình 

Một trong những bất cập được chỉ ra trong Tờ trình Dự án luật Giao thông đường bộ (sửa dổi) của Chính phủ, đó là:

.Hiện nay tỉ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị hiện nay còn thấp hơn so với quy định, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các đô thị lớn khác, con số này mới chỉ đạt từ 5 - 12% tùy theo từng khu vực trong khi theo yêu cầu là từ 16% - 26%.

.Giao thông tại các đô thị lớn còn thường xuyên ùn tắc, trong đó do một phần hạ tầng chưa đầy đủ, đồng bộ; hệ thống đường tỉnh thiếu vốn đầu tư xây dựng, chất lượng còn hạn chế; đường giao thông nông thôn, đặc biệt tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, chưa hoàn thành việc cứng hóa kết cấu mặt đường.

.Nhiều vị trí hành lang an toàn đường bộ chưa được đền bù; nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp hàng năm để thực hiện đền bù, thu hồi đất trong hành lang còn thiếu nhiều so với nhu cầu. Tình trạng người dân sử dụng trái phép hành lang mở lều quán kinh doanh thường xảy ra cần có sự vào cuộc để kiểm tra, xử lý, cưỡng chế của các lực lượng chức năng.

.Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách đối với hạ tầng giao thông đường bộ còn chiếm tỷ trọng thấp nên việc huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế còn hạn chế do vướng mắc về cơ chế chính sách chưa đầy đủ, thiếu nhất quán, ổn định. Việc đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ còn chưa đồng bộ, chưa đảm bảo sự kết nối với các phương thức vận tải khác do hạn chế về mặt nguồn lực đầu tư và cơ chế huy động vốn.

Không thể phủ nhận những kết quả tích cực do Luật Giao thông đường bộ mang lại sau hơn 10 năm thực hiện, cả về phát triển giao thông vận tải và bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, Luật cũng đã bộc lộ không ít tồn tại, hạn chế. Vì vậy, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Đại biểu Dương Minh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đại biểu Dương Minh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, việc xây dựng Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thay thế cho Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là hết sức cần thiết, nhằm tạo khung pháp lý hoàn thiện, chặt chẽ hơn để quản lý tốt hơn vấn đề giao thông và hoạt động vận tải đường bộ, kể cả những loại hình vận tải trong tương lai.

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) gồm 6 Chương, 102 Điều. So với Luật Giao thông đường bộ 2008 dự thảo Luật đã bỏ 02 Chương: Chương quy định về quy tắc giao thông đường bộ và Chương về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (02 Chương này đã được đưa vào dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ).

Về phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) chỉ quy định đến các nội dung liên quan đến: kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông; phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

Cần tạo đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông đường bộ

Qua thực tiễn và tổng kết, đánh giá của các cơ quan chức năng thì việc xây dựng dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thay thế cho Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cần chú trọng những nội dung gì trong quá trình sửa đổi, đồng thời các quy định cần theo hướng nào để tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế về nội dung này:

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên-Huế

Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã cho ý kiến là đầu về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Vậy, quan điểm của đại biểu như thế nào về sự cần thiết phải ban hành luật sửa đổi ?

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Trong kỳ họp thứ 10, Chính phủ trình đưa vào nội dung xây dựng luật một dự án luật hết sức quan trọng là Luật giao thông đường bộ (sửa đổi). Trước đây, Luật Giao thông đường bộ chúng ta đã ban hành từ 2008 nhưng hiện nay có điểm mới là luật này được trình chia làm 2 luật: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Quan điểm của tôi về ban hành hai luật này là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Việc xây dựng dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được dựa trên các quan điểm: phù hợp với Hiến pháp năm 2013, các luật mới được ban hành; bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; tạo cơ chế để huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, làm cơ sở kết cấu lại các phương thức vận tải; nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn vận tải đường bộ;... Tuy nhiên, xung quanh nội dung dự thảo luật trong một số quy định cụ thể vẫn còn ý kiến khác nhau cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện.

Phóng viên: Qua thực tiễn giám sát, đại biểu có đánh giá như thế nào về sự phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của Việt Nam thời gian qua?

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Cơ sở hạ tầng của chúng ta đặc biệt là hệ thống mạng đường, cầu cống có sự phát triển và tương đối đồng bộ. Hệ thống đường cao tốc của chúng ta cũng chiếm khoảng 15% trên mạng đường bộ; các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ từng bước một được quy hoạch một cách tổng thể và đồng bộ; các hệ thống cầu vượt, hệ thống đường góp phần phát triển mạng lưới giao thông đường bộ. Trước đây, có hơn 1.000 xã, phường đặc biệt các xã vùng cao thì hiện nay hầu như xe ô tô đã đến được cấp xã. Có thể nói, hạ tầng giao thông đường bộ của chúng ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều tuyến đường từ cao tốc đến tỉnh lộ xã được xây mới, ... tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và phát triển giao thương giữa các vùng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những hạn chế như chất lượng đường giao thông đôi chỗ xuống cấp nhanh, công tác bảo trì bảo dưỡng còn chậm hay việc triển khai thu phí tự động thực hiện chưa được đồng bộ;....Quỹ đất dành cho đường giao thông 1 số nơi còn hạn chế, chưa đáp ứng tiêu chuẩn đề ra. Do đó, trong lần sửa này các quy định cũng cần đảm bảo phù hợp tạo sự đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Phóng viên: Trong lần sửa đổi này, quy định về quản lý và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã có những sửa đổi như thế nào, thưa đại biểu?

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm 41 Điều, quy định về: mạng lưới đường bộ; đặt tên hoặc số hiệu đường bộ; cấp kỹ thuật của đường bộ; quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ; hành lang an toàn đường bộ; ... Như vậy, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cũng đã bổ sung một số điểm mới như: Bổ sung hệ thống đường thôn xóm vào mạng lưới đường bộ nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn; Quy định cụ thể đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hành lang an toàn giao thông đường bộ; ... Việc hoàn thiện khung pháp lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ sẽ tạo động lực thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư, xây dựng, bảo vệ và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Có thể thấy, việc xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế cũng như khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ thời gian vừa qua. Tuy nhiên, một số nội dung sửa đổi trong dự thảo Luật cần tiếp tục được rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng đảm bảo yêu cầu về tính khả thi sau khi ban bành cũng như những yêu cầu về kỹ thuật lập pháp. Dự án Luật sẽ được Quốc hội tiếp t thảo luận và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV./.

Lê Anh