Đại biểu Đặng Xuân Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk
Đánh giá về kết quả phiên chất vấn và trả lời chất vấn, phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đại biểu Đặng Xuân Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk.
Phóng viên: Thưa đại biểu, phiên chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã kết thúc. Đại biểu có đánh giá như thế nào về nội dung cũng như chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn?
Đại biểu Đặng Xuân Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk: Có thể thấy rằng, qua gần 3 ngày diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đã chứng kiến gần 100 ý kiến chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội và hàng chục ý kiến tranh luận diễn ra trực tiếp ngay tại hội trường. Tất cả các thành viên Chính phủ, các vị Tư lệnh ngành cũng đã có cơ hội được trả lời ý kiến chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Các ý kiến chất vấn rất đa dạng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước thời gian qua. Kỳ chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn; thể hiện tinh thần trách nhiệm cao; kết quả phiên chất vấn đã đáp ứng được sự kỳ vọng của đại biểu cũng như cử tri cả nước. Kỳ chất vấn lần này nổi lên một số nhóm vấn đề chính sau:
Thứ nhất, liên quan đến công tác phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Đất nước chúng ta vừa trải qua hậu quả của thiên tai vô cùng nặng nề tại các tỉnh miền Trung. Do đó, các đại biểu thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với vấn đề này, cụ thể: các vị đại biểu thể hiện trăn trở, mong muốn làm rõ nguyên nhân trong thiên tai thì đâu là vấn đề do khách quan gây nên đâu là yếu tố chủ quan liên quan đến con người. Đặc biệt là công tác quy hoạch, nạn chặt phá rừng,... Đây là vấn đề nổi lên trong hội trường được nhiều đại biểu quan tâm.
Thứ hai, đó là những thành quả của công tác cải cách hành chính và sự phát triển của công nghệ thông tin. Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp cần tiếp tục có những cải tiến gì để làm sao nâng cao hơn nữa hiệu quả cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp được thuận lợi hơn.
Thứ ba, đi liền với khắc phục hậu quả từ đại dịch Covid -19 thì các đại biểu Quốc hội cũng thể hiện trăn trở về những vấn đề có liên quan đến như an sinh xã hội, việc làm, đào tạo nghề,... cần làm thế nào và có giải pháp cụ thể ra sao để vượt qua khó khăn trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai như hiện nay và đảm bảo an sinh cho người dân.
Thứ tư, liên quan đến việc tổ chức thực thi pháp luật. Chúng ta thấy là có rất nhiều câu hỏi được nêu ra trong các phiên chất vấn như: vấn đề về tự chủ đại học; suy thoái đạo đức lối sống, xử lý vi phạm hành; phòng, chống tham nhũng;....
Phóng viên: Về phần trả lời của các thành viên Chính phủ và Tư lệnh ngành, các nội dung trả lời đã đúng, trúng và đáp ứng mong muốn của đại biểu Quốc hội cũng như cử tri hay chưa, thưa đại biểu?
Đại biểu Đặng Xuân Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk: Tôi đánh giá cao phần trả lời của các thành viên Chính phủ, các vị Tư lệnh ngành đối với các câu hỏi được đại biểu Quốc hội nêu lên. Tôi rất ấn tượng với các nội dung trả lời của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông... Phó Thủ tướng cũng như các Tư lệnh ngành đã trả lời trúng nội dung vấn đề được nêu ra đồng thời có những giải trình, lập luận để làm rõ vấn đề. Nhiều nội dung trả lời sâu, cụ thể vào nội dung vấn đề như phần trả lời của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về vấn đề tự chủ đại học hiện nay.
Phóng viên: Đại biểu có đánh giá như thế nào về phần điều hành của Chủ toạ các phiên chất vấn và hiệu quả của phương thức tổ chức các phiên chất vấn tại kỳ họp này?
Đại biểu Đặng Xuân Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk: Có thể nói rằng, phiên chất vấn lần này cho thấy sự cố gắng, đổi mới rất lớn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Đoàn Chủ tọa kỳ họp trong tổ chức điều hành phiên chất vấn. Các lần chất vấn khác, thường chất vấn theo nhóm vấn đề và việc chất vấn chỉ tập trung vào một số thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, lần này chúng ta tiến hành chất vấn theo phương thức mở và cho phép tất cả các thành viên Chính phủ, các Tư lệnh ngành đều có cơ hội tham gia trả lời chất vấn đối với các câu hỏi của Đại biểu Quốc hội.
Tôi cho rằng, đây là phương thức thích hợp vào một số thời điểm. Nếu như trả lời chất vấn theo cách thức tập trung theo nhóm vấn đề thì sẽ giúp các vị đại biểu Quốc hội đi sâu, đi đến cùng của vấn đề chất vấn nhưng lại hạn chế về số lượng, cơ hội cho các thành viên Chính phủ được trả lời. Trong khi đó, trả lời theo phương thức chất vấn mở thì cho phép tất cả các thành viên Chính phủ và Tư lệnh ngành có cơ hội được tham gia trả lời chất vấn, giải trình vấn đề thuộc trách nhiệm của mình.
Phần điều hành của Chủ tọa các phiên chất vấn rất khoa học, linh hoạt góp phần quan trọng vào thành công của phiên chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV./.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!