Qua nghiên cứu dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đại biểu Quàng Thị Vân cơ bản nhất trí với các nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung lần này, đồng thời tham gia thêm một số ý kiến để dự thảo luật thêm hoàn thiện, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về các đối tượng được ưu tiên tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS tại điểm (b), (c) khoản 2 Điều 11 quy định người sử dụng ma túy và người bán dâm là đối tượng được ưu tiên tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS. Theo đại biểu Quàng Thị Vân, hiện nay, hành vi bán dâm và sử dụng ma túy trái phép là những hành vi vi phạm pháp luật. Mặc dù chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng bị điều chỉnh bởi Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, để xác định một người có hành vi bán dâm, sử dụng ma túy trái phép phải do cơ quan thi hành pháp luật bắt quả tang hoặc qua xét nghiệm máu thì mới có đủ căn cứ. Do đó, quy định tại điểm (b), (c) khoản 2 Điều 11 sẽ gây hiểu nhầm là những hành vi sử dụng ma túy và bán dâm đang được pháp luật cho phép cũng như gây khó khăn cho việc xác định chủ thể là người sử dụng ma túy và người bán dâm để tuyên truyền, vì liên quan đến đời tư cá nhân và quyền con người. Do vậy đại biểu Quàng Thị Vân đề nghị Ban soạn thảo xem xét, chỉnh sửa lại điểm (b), (c) khoản 2 Điều 11 lại thành "Người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và người có hành vi bán dâm” cho phù hợp và thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện khi luật có hiệu lực thi hành.
Đại biểu Quàng Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên
Thứ hai, ngoài các nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật, đại biểu Quàng Thị Vân đề nghị sửa đổi thêm Điều 34 của Luật Phòng, chống HIV hiện hành. Cụ thể, sửa đổi quy định về phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục tại Điều 34 thành quy định về phòng, chống lây nhiễm HIV qua đường tình dục. Đồng thời sửa đổi nội dung và các khoản trong Điều 34 cho phù hợp với hai lý do như sau:
Thứ nhất, các bệnh lây qua đường tình dục thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm chưa có căn cứ xác định tất cả các bệnh lây qua đường tình dục đều có liên quan đến HIV/AIDS. Việc lây nhiễm HIV/AIDS chủ yếu là qua 3 con đường: Đường máu, quan hệ tình dục không an toàn và từ mẹ sang con. Do đó, đại biểu cho rằng nếu để các bệnh lây qua đường tình dục mà không gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người nên để Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm điều chỉnh sẽ phù hợp hơn.
Thứ hai, trên thực tế, các ca lây nhiễm HIV qua đường tình dục là do quan hệ tình dục không an toàn nên việc cụ thể hóa quy định việc phòng, chống lây nhiễm HIV qua đường tình dục và văn bản luật là rất cần thiết. Cùng với việc sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 34 thành phòng, chống lây nhiễm HIV qua đường tình dục. Đại biểu Quàng Thị Vân đề nghị đưa quy định này từ Mục 3 Chương III về các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế khác trong phòng, chống HIV/AIDS lên Mục 2 Chương II về huy động gia đình, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống HIV/AIDS cho phù hợp. Theo đại biểu, các biện pháp chuyên môn kỹ thuật, y tế là các biện pháp sử dụng đến chuyên môn và kỹ thuật chuyên biệt đặc thù của ngành y tế trong công tác phòng, chữa bệnh. Trong khi đó, quan hệ tình dục là bản năng sinh tồn, quyền riêng tư của mỗi người và từ xưa đến nay vẫn diễn ra mà không cần có sự quan hệ can thiệp của các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật y tế. Mặt khác, nguyên nhân chính gây nên lây nhiễm HIV qua đường tình dục là do quan hệ tình dục không an toàn. Đại biểu Quàng Thị Vân nhận định, liên quan đến vấn đề này thì giải pháp hữu hiệu nhất là huy động gia đình, cơ quan, tổ chức, cá nhân vào công tác phòng, chống sẽ đảm bảo tính khả thi và hiệu quả khi triển khai thực hiện trong thực tiễn.