Cụ thể, tại khoản 7 Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều 21, về đối tượng và các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV: đối với nội dung can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV, đại biểu Sần Sín Sỉnh nhận định, dự án luật đã sửa đổi theo hướng cụ thể hóa các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong phòng, chống lây nhiễm HIV là cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Theo đại biểu, chương trình can thiệp và giảm tác hại trong những năm qua đã có hiệu quả đáng kể, mỗi năm có hàng triệu bao cao su và bơm kim tiêm sạch được phân phát miễn phí. Cụ thể hóa các nội dung cung cấp, sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm sạch vào dự thảo luật là cơ sở tiếp tục triển khai và đẩy mạnh hơn nữa thành quả đã đạt được và huy động các nguồn lực cho chương trình.
Đại biểu Sần Sín Sỉnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai, phát biểu từ điểm cầu trực tuyến.
Tại điểm (c) khoản 1 của điều này, về việc bổ sung các biện pháp can thiệp dự phòng phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV, nhất là điều trị thuốc kháng HIV, ARV để thực hiện dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV nhưng hoạt động trong môi trường nguy cơ lây nhiễm HIV cao, đại biểu Sần Sín Sỉnh đánh giá đây là biện pháp kỹ thuật hiệu quả trong dự phòng lây nhiễm HIV và còn là nội dung được luật hóa để bảo vệ những người hoạt động trong môi trường lây nhiễm HIV cao.
Bên cạnh đó, đại biểu Sần Sín Sỉnh cũng góp ý về khoản 8 Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều 27 xét nghiệm HIV tự nguyện. Tại khoản 2 Điều 27: "Người tự nguyện xét nguyện HIV phải từ đủ 15 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự", với nội dung quy định này, đại biểu Sần Sín Sỉnh cho rằng trước kia trẻ em đủ từ 16 tuổi mới được quyền xét nghiệm và tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện pháp luật. Đại biểu Sần Sín Sỉnh nhận định, luật sửa đổi lần này quy định người đủ từ 15 tuổi trở lên và có hành vi dân sự tự nguyện xét nghiệm HIV là phù hợp.
Thứ ba, khoản 9 Điều 1 sửa đổi bổ sung một số điều của Điều 29 thực hiện xét nghiệm HIV. Hiện nay các kỹ thuật xét nghiệm HIV đã được phát triển đơn giản hơn nhiều so với trước, như làm xét nghiệm bằng lấy máu đầu ngón tay cho kết quả xét nghiệm sàng lọc HIV trong vòng 15 đến 20 phút, hoặc sử dụng sinh phẩm tự xét nghiệm bằng dịch miệng, mọi người dân đều có thể tự nguyện xét nghiệm HIV cho mình. Như vậy, điều chỉnh việc quy định xét nghiệm HIV sàng lọc tại cộng đồng là rất cần thiết. Đồng thời theo đại biểu Sần Sín Sỉnh, cần có các chính sách tạo điều kiện triển khai xét nghiệm HIV và điều trị ngay sau khi phát hiện nhiễm HIV.
Đại biểu Sần Sín Sỉnh cho biết, trong giai đoạn trước, rất nhiều người xét nghiệm HIV vẫn còn giấu danh tính. Hiện nay vẫn còn tình trạng người xét nghiệm HIV cố tình khai báo không chính xác thông tin cá nhân, những trường hợp này gây khó khăn trong việc quản lý người nhiễm HIV và khó tiếp cận với những dịch vụ phòng, chống HIV. Trong trường hợp này việc giám sát phối hợp của các cán bộ y tế tại các trạm y tế xã, phường sẽ khó khăn, không xác định được người nhiễm HIV theo nơi cư trú, vì vậy sẽ không đưa vào quản lý và điều trị thuốc điều trị HIV theo thuốc kháng HIV ARV.
Tuy nhiên tại khoản 4 Điều 29, người được xét nghiệm HIV muốn nhận kết quả xét nghiệm khẳng định HIV phải cung cấp chính xác địa chỉ nơi cư trú và chứng minh thư nhân dân, số thẻ căn cước công dân và số định danh cá nhân của mình cho cơ sở xét nghiệm trước khi được thực hiện xét nghiệm. Theo dự thảo có thể hiểu là người muốn nhận kết quả xét nghiệm, khẳng định HIV mới phải cung cấp thông tin chính xác địa chỉ nơi cư trú, còn người không muốn nhận kết quả thì không nhất thiết phải cung cấp thông tin chính xác địa chỉ nơi cư trú. Vì vậy, đại biểu Sần Sín Sỉnh đề nghị Ban soạn thảo sửa khoản 4 Điều 29 như sau: “người được xét nghiệm HIV phải cung cấp chính xác địa chỉ nơi cư trú và số chứng minh thư nhân dân hoặc số thẻ căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân của mình cho cơ sở xét nghiệm trước khi thực hiện xét nghiệm để nhận kết quả xét nghiệm HIV dương tính”. Theo đại biểu, điều này sẽ giúp công tác quản lý người nhiễm HIV thuận lợi hơn, giảm nhẹ gánh nặng cho cán bộ y tế khi tiếp cận người nhiễm HIV, không còn những tình huống khó xử do khai báo thông tin cá nhân sai lệch dẫn đến cán bộ y tế tiếp cận sai đối tượng, từ đó mở rộng khả năng tiếp cận người nhiễm HIV sớm để họ tham gia vào chương trình phòng, chống HIV/AIDS.