ĐBQH LÊ QUANG TRÍ GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS

12/11/2020

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Lê Quang Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đã đóng góp một số ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Lê Quang Trí đồng tình về sự cần thiết phải ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS; đồng thời, đóng góp một số ý kiến góp phần hoàn thiện dự án luật, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về giải thích từ ngữ tại Điều 2. Tại khoản 16 giải thích cụm từ “dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV là việc sử dụng thuốc kháng HIV cho người có hành vi nguy cơ cao để phòng ngừa, giảm nguy cơ nhiễm HIV”. Theo đại biểu, trước phơi nhiễm với HIV, người có hành vi nguy cơ cao có thể chủ động sử dụng thuốc theo khuyến cáo của bác sĩ. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh giải thích từ ngữ tại khoản 16 như sau: “Dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV là việc người có hành vi nguy cơ cao sử dụng thuốc kháng HIV để phòng ngừa, giảm nguy cơ nhiễm HIV”.

Đại biểu Lê Quang Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu từ điểm cầu trực tuyến. 

Thứ hai, về quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV tại Điều 4. Tại điểm (b) khoản 2 điều này quy định người nhiễm HIV có nghĩa vụ thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng, người có quan hệ tình dục hoặc người chuẩn bị kết hôn với mình biết theo quy định của pháp luật. Theo đại biểu Lê Quang Trí, nếu việc chậm thông báo kết quả dương tính có thể dẫn đến mất cơ hội ngăn chặn lây nhiễm HIV. Do đó, tại điểm (b) khoản 2 điều này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh thành “thông báo ngay kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng, người có quan hệ tình dục hoặc người chuẩn bị kết hôn với mình biết theo quy định của pháp luật”.

Thứ ba, về những hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8, ngoài các hành vi bị nghiêm cấm tại điều này, đại biểu Lê Quang Trí đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một hành vi bị nghiêm cấm, đó là cố ý che giấu tình trạng nhiễm HIV của mình với những người có thể bị phơi nhiễm HIV do mình gây ra.

Thứ tư, về đối tượng tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV tại Điều 11. Đại biểu Lê Quang Trí thống nhất với các đối tượng được ưu tiên tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV được quy định tại khoản 2 điều này. Tuy nhiên qua thực tiễn hiện nay các đối tượng sau cũng cần được ưu tiên truyền thông về phòng, chống HIV, đó là người hành nghề cắt tóc, người hành nghề làm móng tay, móng chân, người hành nghề châm cứu, người hành nghề massage, vì những người hành nghề này có nguy cơ phơi nhiễm với HIV. Do đó đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các đối tượng này được ưu tiên tiếp cận thông tin truyền thông về phòng, chống HIV.

Thứ năm, về trách nhiệm thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV tại Điều 12. Tại khoản 3, đại biểu Lê Quang Trí đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh Bộ Văn hóa thông tin thành Bộ Thông tin và Truyền thông cho đúng với tên bộ, ngành hiện nay. Như vậy, khoản 3 Điều 12 được viết lại như sau: "Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên thông tin truyền thông về phòng, chống HIV, lồng ghép chương trình phòng, chống HIV với các chương trình thông tin truyền thông khác".

Thứ sáu, về phòng, chống HIV trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân tại Điều 15. Tại điểm (a) khoản 2 điều này quy định cơ sở giáo dục không được có hành vi từ chối tiếp nhận học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV. Theo đại biểu Lê Quang Trí, tại các cơ sở giáo dục hiện nay ngoài học sinh, sinh viên, học viên thì giáo viên, giảng viên, người lao động nhiễm HIV cũng cần không bị kỳ thị phân biệt đối xử. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh điểm (a) khoản 2 Điều 15 lại như sau: "Cơ sở giáo dục không được có hành vi từ chối tiếp nhận học sinh, sinh viên, học viên, giáo viên, giảng viên, người lao động vì lý do người này bị nhiễm HIV".

Thứ bảy, về người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao tham gia phòng, chống HIV tại Điều 20. Tại điểm (b) khoản 3 Điều 20 quy định: "Người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao, nhóm giáo dục đồng đẳng, câu lạc bộ và các hình thức sinh hoạt khác của người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao, nhóm giáo dục đồng đẳng, câu lạc bộ và các hình thức sinh hoạt khác của người nhiễm HIV, người có nguy cơ cao được thực hiện cung cấp dịch vụ xét nghiệm sàng lọc HIV”. Đại biểu Lê Quang Trí nhận định, để cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV đòi hỏi người đó phải có chuyên môn, chứng chỉ và các điều kiện đảm bảo khác. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bỏ quy định người nhiễm HIV được thực hiện cung cấp dịch vụ xét nghiệm sàng lọc HIV. 

Hồ Hương