Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), đại biểu Lê Thị Yến thống nhất với sự cần thiết và phạm vi sửa đổi dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người; đồng thời, đóng góp một số ý kiến góp phần hoàn thiện dự án luật, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, đại biểu Lê Thị Yến nhận định, dự thảo luật đã bổ sung một số chủ thể được tiếp cận thông tin nhiễm HIV là cần thiết để đảm bảo việc thực hiện quy định về quản lý nhà nước trong việc phòng, chống HIV/AIDS, phù hợp với thực tiễn và lợi ích của người nhiễm HIV. Đồng thời, việc bổ sung một số chủ thể được tiếp cận thông tin cũng thống nhất với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế, giúp cho người nhiễm HIV được tư vấn, chăm sóc, điều trị sớm, bảo đảm sức khỏe cho họ và dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Tuy nhiên theo đại biểu Lê Thị Yến, quy định này có liên quan và ảnh hưởng đến quyền bảo mật thông tin của cá nhân người nhiễm HIV, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình. Do vậy, đại biểu Lê Thị Yến cho rằng việc điều chỉnh chính sách này cần phải thể hiện hài hòa giữa mục tiêu bảo đảm thực hiện chức năng quản lý nhà nước và cũng không ảnh hưởng đến bí mật cá nhân, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người nhiễm HIV.
Đại biểu Lê Thị Yến – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ phát biểu thảo luận tại hội trường.
Thứ hai, độ tuổi tối thiểu được quyền tự xét nghiệm HIV, trong dự thảo luật quy định giảm độ tuổi được quyền tự nguyện xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật. Đại biểu Lê Thị Yến bày tỏ sự đồng tình với quy định mới này. Theo đại biểu, trẻ em ngày nay có xu hướng quan hệ tình dục sớm do phát triển thể chất và tiếp cận thông tin trên mạng xã hội dễ dàng, tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.
Tuy nhiên, thực tế rất nhiều trẻ không dám tiết lộ, thông báo với bố mẹ, gia đình về nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy, việc để trẻ chủ động đi xét nghiệm sớm sẽ bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của mình và khắc phục tồn tại trong công tác phòng, chống HIV.
Tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Yến đặt vấn đề, trẻ dưới 18 tuổi đang ở độ tuổi phát triển tâm sinh lý, trong trường hợp trẻ nhận kết quả dương tính sẽ dễ dẫn tới suy nghĩ cực đoan, có thể gây ra những hệ lụy nguy hiểm.
“Dự luật cần xem xét khi có kết quả xét nghiệm dương tính thì quy định sẽ thông báo với gia đình như thế nào? Có quy trình tư vấn với các em ra sao?”, đại biểu Lê Thị Yến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, một số trẻ em cơ nhỡ là đối tượng nguy cơ cao nhiễm HIV nhưng chưa có quy định bảo trợ đối tượng này trong phòng, chống lây nhiễm HIV. Đại biểu Lê Thị Yến đề nghị bổ sung quy định xét nghiệm HIV tự nguyện với đối tượng này. Trong trường hợp này, các tổ chức có thể đứng ra bảo lãnh đối với trẻ dưới 15 tuổi.
Thứ ba, về kinh phí xét nghiệm HIV tự nguyện để phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Theo đại biểu Lê Thị Yến, hiện nay, chính sách phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí. Đây là một chính sách rất ưu việt, thể hiện tính nhân văn của Nhà nước trong việc phòng, chống HIV/AIDS. Việc duy trì thực hiện chính sách này cũng sẽ góp phần đạt được mục tiêu đến năm 2030, xóa lây truyền HIV từ mẹ sang con mà Việt Nam đã cam kết. Tuy nhiên, việc chi trả kinh phí cho xét nghiệm này hiện nay thực hiện chưa thống nhất và chưa đảm bảo. Trước đây, kinh phí xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ quốc tế, nhưng hiện nay các nhà tài trợ không hỗ trợ cho hoạt động này nữa. Mặt khác, hằng năm tổng ngân sách nhà nước cấp khoảng 120 tỷ đồng cho toàn bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, trong đó riêng nhu cầu xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai. Một năm có khoảng 1,6 triệu phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HIV hai lần trong một năm, với mức tiền là 54.000 đồng cho một lần xét nghiệm. Như vậy, tổng kinh phí cần để xét nghiệm này là khoảng trên 172 tỷ đồng. Nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước cấp như đã báo cáo ở trên thì sẽ không đảm bảo. Do đó, cần phải có thêm nguồn lực từ Quỹ bảo hiểm y tế. Vì vậy, đại biểu Lê Thị Yến nhất trí với nội dung sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 35 của dự thảo luật, ngoài ra đề nghị Ban soạn thảo làm rõ việc xét nghiệm HIV tự nguyện đối với phụ nữ mang thai là hoàn toàn miễn phí.
Thứ tư, về việc ưu tiên tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, đại biểu Lê Thị Yến đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng là thanh niên, thiếu niên trong việc ưu tiên tiếp cận các thông tin về giáo dục, truyền thông, phòng, chống HIV/AIDS, vì đây là đối tượng có nhiều nguy cơ nhiễm HIV.
Về thời điểm thông qua dự án luật, đại biểu Lê Thị Yến nhận định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người đã được cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu tối đa, hồ sơ dự án luật được chuẩn bị công phu, chu đáo, chất lượng cao và có đủ điều kiện để xem xét thông qua theo quy trình một kỳ họp.