Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời chất vấn
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Huy Thái, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, nước ta phát triển có triết lý, nền giáo dục cũng có triết lý. Các nước trên thế giới đều có triết lý của mình. Nhưng một số nước đúc kết thành câu ngắn gọn, dễ hiểu để nhấn trọng tâm. Đất nước ta có rất nhiều câu, dễ thấy nhất là quốc hiệu, trước là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, bây giờ là “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, chúng ta tìm thấy trong đó như một triết lý. Giáo dục cũng có nhiều như phát triển con người đức, trí, thể, mỹ. Nước ta cũng nói đầy đủ 4 trụ cột giáo dục của UNESCO hay 4 mục tiêu là học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để khẳng định mình.
Gần đây, UNESCO bắt đầu đưa vào trụ cột thứ 5 học để thay đổi mình và thay đổi thế giới tốt đẹp hơn. Những điều này nằm trong Nghị quyết hay văn bản có tính chất quy phạm pháp luật. Tới đây, trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), một trong những điều đầu tiên của luật là mục tiêu giáo dục. Chính phủ cũng như Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo nhiều cuộc thảo luận để đưa vào cô đọng nhất những vấn đề đặc trưng mục tiêu và có tính triết lý của giáo dục Việt Nam.
Triết lý giáo dục trong Luật giáo dục (sửa đổi)
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu giáo dục phải nhằm mục tiêu: tất cả vì con người, cho con người, do con người. Đây chính là triết lý nhân bản với tư tưởng cốt lõi: sự nghiệp giáo dục phải phục vụ nhân dân, vì sự tiến bộ và phát triển của nhân dân, do nhân dân thực hiện. Người nhấn mạnh, thông qua giáo dục: Tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình. Từ triết lý cốt lõi này sẽ quy định mục đích, nội dung, phương pháp giáo dục và yêu cầu về phẩm chất, năng lực của đội ngũ những người làm công tác giáo dục.
Hiện nay, theo nhiều chuyên gia Triết lý giáo dục của chúng ta chính là tư tưởng Nghị quyết số 29 - NQ/TW năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong đó, Nghị quyết đã đề ra triết lý giáo dục nói vắn tắt là “năng lực và phẩm chất”. Tức là, giáo dục không chỉ dạy kiến thức để học sinh có năng lực làm việc cho bản thân, gia đình, xã hội, góp phần đưa đất nước phát triển, mà còn tạo ra những phẩm chất tương ứng cho từng con người trong thời đại mới. Đó là: Chăm chỉ, yêu nước, ứng xử tốt với mọi người, có học vấn, có nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, trách nhiệm, lương tâm.
Vấn đề triết lý giáo dục cũng được đặt ra và thảo luận sôi nổi trong các phiên thảo luận tại nghị trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Trước những ý kiến góp ý của các vị đại biểu Quốc hội, chuyên gia và cử tri, nội dung về triết lý giáo dục được quy định theo hướng: không quy định triết lý giáo dục thành một điều khoản riêng mà thể hiện qua các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý và quan điểm phát triển giáo dục; đồng thời tinh thần triết lý giáo dục Việt Nam được thể hiện xuyên suốt trong các quy định của Luật này.
Cách thức thể hiện triết lý giáo dục như vậy trong dự thảo Luật nhận được sự đồng tình của đa số ý kiến đại biểu. Triết lý giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xác định mục tiêu và định hướng phát triển giáo dục của mỗi quốc gia. Trên thực tế, nền giáo dục Việt Nam đã và đang vận động dưới sự dẫn dắt của một triết lý giáo dục được xây dựng, hình thành và phát triển qua các thời kỳ cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thể hiện rõ trong các quan điểm, định hướng của Đảng và được thể chế hóa thành các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý phát triển giáo dục, thể hiện nhất quán tính nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại.
Qua tham khảo Luật Giáo dục một số nước trên thế giới cho thấy, hầu hết không quy định riêng về triết lý giáo dục mà chỉ thông qua những quy định về mục đích, sứ mệnh, mục tiêu và nguyên lý giáo dục. Đại biểu Đinh Duy Vượt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, cho rằng triết lý giáo dục đã rõ cả về lý luận và thực tiễn, hiệu quả. Theo đại biểu, thực tế lịch sử đã chứng minh, giáo dục nước nhà đã sinh ra các nhà chính trị, nhà quân sự, nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nhân...được thế giới kính trọng, có tên tuổi, góp phần vào sự phát triển của đất nước. Do đó, từng giai đoạn cần chắt lọc tinh hoa, bổ sung phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, không nên đề ra triết lý giáo dục, tránh gây lãng phí, bức xúc trong nhân dân.
Kỳ vọng sẽ có Triết lý giáo dục Việt Nam ở thời điểm phù hợp
Cơ bản đồng tình với nội dung trả lời của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đồng thời nhất trí với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh sửa quy định về triết lý giáo dục theo hướng không quy định triết lý giáo dục thành một điều khoản riêng mà thể hiện qua các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý và quan điểm phát triển giáo dục; đồng thời tinh thần triết lý giáo dục Việt Nam được thể hiện xuyên suốt trong các quy định của Luật Giáo dục sửa đổi. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Huy Thái vẫn thể hiện mong mỏi ở một thời điểm phù hợp hơn thì Việt Nam sẽ có triết lý giáo dục được quy định mang tính cô đọng, khúc triết.
Đại biểu Nguyễn Huy Thái, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu
Phóng viên: Cảm ơn đại biểu đã nhận lời phỏng vấn của Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Thưa đại biểu, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 QH khóa 14, đại biểu là một trong nhiều đại biểu đã chất vấn Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Vậy cụ thể nội dung đại biểu chất vấn là gì?
Đại biểu Nguyễn Huy Thái, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: Tại phiên chất vấn trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV tôi đã có câu hỏi chất vấn đối với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Cụ thể: theo Phó Thủ tướng nước ta có cần chính thức có một triết lý về giáo dục hay không, nếu có thì khi nào chúng ta xúc tiến việc này và nếu không xin Phó Thủ tướng cho biết tại sao?”
Phóng viên: Ngay sau khi đại biểu nêu vấn đề, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có phần trả lời tại nghị trường Quốc hội. Vậy, đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời của Phó Thủ tướng Chính phủ?
Đại biểu Nguyễn Huy Thái, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: Phó Thủ tướng rất quan tâm đến lĩnh vực giáo dục cũng như vấn đề triết lý giáo dục Việt Nam. Câu trả lời của Phó Thủ tướng cũng đã có sự phân tích cũng như khẳng định Việt Nam chúng ta đã có triết lý giáo dục. Tôi đồng tình với khẳng định này của Phó thủ tướng tuy nhiên thì tôi cũng có suy nghĩ hài lòng và chưa hài lòng ở 1 mức độ nào đó. Hài lòng ở điểm, tôi đồng tình Việt Nam chúng ta đã có 1 triết lý giáo dục nhưng chưa thỏa nguyện đó là theo tôi chúng ta mới chỉ có 1 hệ triết lý mang tính triết lý của giáo dục nhưng chúng ta chưa đúc kết, cô gọn thành 1 câu triết lý để vận dụng vào tình huống cụ thể.
Phóng viên: Trong Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định về triết lý giáo dục không được quy định thành điều, khoản cụ thể mà được thể hiện qua các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý và quan điểm phát triển giáo dục; đồng thời tinh thần triết lý giáo dục Việt Nam được thể hiện xuyên suốt trong các quy định của Luật Giáo dục sửa đổi? Vậy đại biểu có đồng tình với quan điểm này hay không?
Đại biểu Nguyễn Huy Thái, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: Tôi khẳng định là hoàn toàn đồng tình với quy định về triết lý giáo dục như trong Luật Giáo dục (sửa đổi) bởi vì: khi chúng ta chưa đúc kết lại thành câu triết lý ngắn gọn thì chưa thể đưa thành 1 điều luật, 1 điều luật cần phải hết sức ngắn gọn. Do đó, các vấn đề liên quan đến hệ triết lý chỉ có thể truyền tải, thẩm thấu trong các điều luật thể hiện ở mục tiêu giáo dục, nguyên lý giáo dục, quan điểm giáo dục,…. Cho nên đây là một giải pháp ở thời điểm này tôi nghĩ là phù hợp, là một đại biểu Quốc hội tôi rất đồng tình, và tôi cũng có 1 niềm tin, 1 sự mong mỏi đó là tới đây thì Việt Nam chúng ta vẫn có 1 câu triết lý được đúc kết, cô đọng, khúc triết.
Phóng viên: Thưa đại biểu, giáo dục Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu tuy nhiên vẫn còn không ít những bất cập, hạn chế. Vậy theo quan điểm của đại biểu, thời gian tới cần nỗ lực thực hiện những giải pháp như thế nào để khắc phục?
Đại biểu Nguyễn Huy Thái, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: Thành tựu giáo dục của Việt Nam là hết sức to lớn, nếu như không có nỗ lực tâm huyết của các nhà giáo, các nhà quản lý, của các cấp, các ngành và của các thế hệ học sinh thì không có được thành tựu như vậy. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Trong những điểm về bất cập, hạn chế thì không phải ngay bây giờ mà thời gian khá dài vừa qua đã có nhiều ý kiến, cách thức tiếp cận khác nhau nhưng về phía cá nhân tôi, tôi cho rằng nguyên nhân là do chúng ta chưa định rõ để có thể thực hiện 1 nền giáo dục thực học lấy thực học làm gốc rễ. Cũng chính do nguyên nhân này đã dẫn đến những điều chúng ta không hề mong muốn như: căn bệnh hình thức, thành tích, dối trá thậm trí gần đây xuất hiện những điều xã hội hết sức bức xúc như mua bán điểm, bằng cấp giả,… Từ việc xác định nguyên nhân là như vậy thì giải pháp cũng tương đồng, theo tôi cần chấn hưng giáo dục để có được nền giáo dục thực sự lấy vấn đề thực học làm gốc.
Có thể nói, triết lý giáo dục đóng vai trò là nguồn mạch tư tưởng soi rọi, dẫn dắt các vấn đề cụ thể của giáo dục. Do đó, mong mỏi, khao khát có một triết lý giáo dục trong bối cảnh mới là nguyện vọng chính đáng của đại biểu và một số chuyên gia, cử tri tâm huyết với ngành giáo dục. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, việc thể hiện triết lý giáo dục thông qua các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý và quan điểm phát triển giáo dục; đồng thời tinh thần triết lý giáo dục Việt Nam được thể hiện xuyên suốt trong các quy định của Luật Giáo dục sửa đổi cũng là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp. Đại biểu và cử tri kỳ vọng Triết lý giáo dục được thể hiện xuyên suốt và nhất quán trong Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ tạo bước đột phá mạnh mẽ cho nền giáo dục nước nhà.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!