Đại biểu Ngô Thị Kim Yến đưa ra quan điểm
Về ủy quyền trong cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương, đại biểu Ngô Thị Kim Yến nêu rõ, Khoản 1 Điều 14 dự thảo luật quy định trong trường hợp cần thiết, cơ quan hành chính cấp trên có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp, Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể. Việc ủy quyền phải thể hiện bằng văn bản.
Theo đại biểu phân tích, căn cứ vào quy định nêu trên thì Ủy ban nhân dân được ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp, còn Chủ tịch Ủy ban nhân dân không được ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp. Tuy nhiên, trên thực tế việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, người đứng đầu thực hiện nhiệm vụ của mình là nhu cầu tất yếu và phù hợp với yêu cầu quan lý nhà nước. Chính vì vậy, đối với trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân ủy quyền đề nghị bổ sung việc ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp.
Bên cạnh đó, so với luật hiện hành, dự thảo bổ sung quy định ủy quyền cho đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Tuy nhiên, việc ủy quyền thêm quy định tại luật này là ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước. Trong khi đó, chức năng của các đơn vị sự nghiệp là cung ứng dịch vụ công. Do đó, đề nghị xem xét lại quy định ủy quyền cho đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp với chức năng của đơn vị và phù hợp với yêu cầu của công tác quản lý nhà nước.
Ngoài ra, đối với nội dung về phân cấp cho chính quyền địa phương. Mặc dù lần này dự thảo không bổ sung Điều 13 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn áp dụng quy định về phân cấp cho chính quyền địa phương, đại biểu chỉ ra rằng, Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan nhà nước và trung ương và địa phương được quyền phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Quy định nêu trên được hiểu việc phân cấp thẩm quyền chỉ áp dụng cho tổ chức, không thực hiện phân cấp cho cá nhân. Vậy, nếu trường hợp pháp luật không quy định phân cấp cho cá nhân thì Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương để phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương để phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc sở, Chủ tịch Ủy ban nhân huyện quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền của mình theo quy định của pháp luật không? Thực tế, một số trường hợp văn bản Trung ương quy định thẩm quyền do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp quyết định cho cá nhân. Ví dụ, điểm c khoản 1 Điều 20, điểm d khoản 2 Điều 22 Nghị định số 151 năm 2017 và điểm c khoản 2 Điều 27 Nghị định số 127 năm 2017 quy định trường hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tăng cấp phải thăng cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Vì vậy, đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 13 theo hướng mở rộng phân cấp thẩm quyền cho tổ chức và cá nhân người đứng đầu cơ quan nhà nước. Hơn nữa, việc phân định thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng cho Luật Chính quyền địa phương rất chung chung, chỉ quy định mang tính nguyên tắc theo một số nhóm ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước trong khi hàng trăm luật, hàng ngàn văn bản dưới luật các lĩnh vực được ban hành liên quan đến công việc hàng ngày của các cấp hành chính nên đã gây lúng túng cho tổ chức điều hành, xử lý công việc ở địa phương. Do không có tiêu chí cụ thể để phân định khi thiết kế thẩm quyền giữa tập thể và cá nhân của Ủy ban nhân dân nên khi ban hành luật, nghị định, thông tư thường quy định trao quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là thẩm quyền chung dẫn đến hiện tượng lệ thuộc tập thể, trói buộc quyền và trách nhiệm của cá nhân, hội họp nhiều và mất thời gian chờ kỳ họp thường kỳ của Ủy ban nhân dân./.