Nợ đọng thuế gây thất thoát ngân sách nhà nước
Thời điểm tháng 08/2018, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã công khai danh sách 272 đơn vị nợ tiền thuế, phí, tiền thuê đất. Trong danh sách lần này, có tới 156 doanh nghiệp đã bị nêu tên từ nhiều năm trước nhưng do số nợ còn lớn nên tiếp tục bị công khai. Trước đó, năm 2015, 2016, 2017 Cục thuế Thành phố Hà Nội đã công khai các doanh nghiệp nợ thuế, với tổng số nợ hơn 886 tỷ 400 triệu đồng. Không chỉ Hà Nội, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Thuế thành phố cũng đã công khai danh tính hơn 1.200 doanh nghiệp nợ thuế với số tiền trên 1.500 tỷ đồng. Trong số đó, nhiều doanh nghiệp nợ thuế, gian lận thuế kéo dài nhiều năm. Mặc dù cơ quan thuế liên tục áp dụng các biện pháp thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình chây ì, thậm chí trốn thuế, buộc các cơ quan thuế phải áp dụng các biện pháp mạnh, cưỡng chế nộp thuế.
Thống kê của Tổng cục Thuế cho biết, tổng số nợ thuế của toàn ngành ước tính đến thời điểm 30/6/2018 là 80.134 tỷ đồng, tăng gần 7 nghìn tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2017. Trong đó, tiền thuế nợ không có khả năng thu hồi là gần 34 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2017. Theo Tổng cục Thuế, các hành vi gian lận thuế ngày càng gia tăng và phức tạp, như việc thành lập doanh nghiệp để bán hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng, hạch toán chi phí… diễn ra khá nghiêm trọng với mức độ ngày càng tinh vi dưới nhiều hình thức khác nhau, gây thất thoát tiền ngân sách nhà nước, tạo sự bất bình đẳng và bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp.
Phân tích lý do khiến các doanh nghiệp trốn hoặc chậm đóng thuế, Tiến sỹ kinh tế Cao Sỹ Kiêm cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ đọng thuế kéo dài, thậm chí tình trạng này còn có xu hướng tăng. Đó là hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp không thuận lợi vì lợi nhuận thấp hay do biến động thị trường nên doanh nghiệp không thể thực hiện đúng kế hoạch đã đề ra. Cũng có trường hợp do số tiền nộp thuế là khá cao nên nhiều doanh nghiệp dùng cách nợ đọng thuế để chiếm dụng vốn mà không phải trả lãi. Bên cạnh đó có tình trạng doanh nghiệp chây ì, trốn nợ thuế là do hoạt động đốc thúc của các cơ quan thuế chưa thực sự ráo riết, quyết liệt, chế tài xử phạt chưa nghiêm đối với những doanh nghiệp chậm nộp thuế.
Tình trạng gian lận, trốn thuế ngày càng phức tạp và tinh vi hơn, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, trong khi đó chúng ta chưa có biện pháp kiểm soát gây thất thu hàng nghìn tỷ đồng thuế của nhà nước. Câu chuyện về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nóng lên trong thời gian gần đây với 2 trường hợp bị Cục Thuế TP.HCM truy thu hàng tỷ đồng tiền thuế do có doanh thu được nhận từ các trang mạng xã hội như Facebook, Google, YouTube… là những ví dụ điển hình.
Để chống gian lận thuế một cách hiệu quả, ngoài các giải pháp đang triển khai như: công bố danh tính các doanh nghiệp chây ì đóng thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra,… theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, chính bản thân ngành thuế cũng phải thanh tra, kiểm tra chính trong đội ngũ của mình, có biện pháp xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân dung túng, bao che, tiếp tay cho hành vi gian lận thuế. Bên cạnh đó, ngành thuế cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thu thuế; công khai, minh bạch hoạt động thu thuế; không để chồng chéo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Nhiều giải pháp chống thất thu, thất thoát ngân sách nhà nước
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có văn bản trả lời Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Năm 2018, nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) được triển khai trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và ngoài nước khá tích cực. Chính phủ đã trình Quốc hội đánh giá tổng thu ngân sách năm 2018 vượt dự toán 3%; tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 24,5% GDP, trong đó huy động từ thuế, phí đạt 20,7% GDP. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đánh giá đạt trên 6,7% (mục tiêu là 6,7%), tiếp tục cắt giảm sâu thuế quan theo các cam kết hội nhập… Tuy nhiên, xét ở các góc độ khác nhau, vẫn có những thách thức nhất định đối với thu NSNN: Tình trạng chuyển giá, trốn thuế, nợ thuế còn phức tạp, thời điểm ngày 31/12/2017 là 73,1 nghìn tỷ đồng và đến ngày 30/9/2018 xấp xỉ 83 nghìn tỷ đồng (tăng 9,8 nghìn tỷ đồng so với thời điểm ngày 31/12/2017).
Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ trọng số nợ thuế trên tổng thu nội địa thì xu hướng là giảm (thời điểm ngày 31/12/2016 ở mức 8,7%; ngày 31/12/2017 là 7,6% và ngày 30/9/2018 là 7,5%). Nếu loại trừ số nợ thuế của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự,… (bao gồm cả số nợ gốc và nợ tiền chậm nộp), hiện chiếm khoảng 35% tổng số tiền nợ thuế, thì tỷ lệ nợ thuế khoảng 4,4% tổng thu nội địa, là ngưỡng chấp nhận được theo thông lệ quốc tế (thấp hơn 5%).
Trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ đã trình Quốc hội yêu cầu các địa phương phấn đấu tăng thu, giảm tối đa số địa phương hụt thu; trường hợp địa phương dự kiến hụt thu thì phải chủ động sắp xếp, giảm, giãn các nhiệm vụ chi, sử dụng các nguồn lực của địa phương để đảm bảo các nhiệm vụ chi, không điều chỉnh giảm dự toán. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm thu, các hoạt động kinh doanh qua mạng, nhà hàng, khách sạn, khu vực kinh tế phi chính thức, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI),… thu đúng, thu đủ các nguồn thu của NSNN; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền việc sửa đổi Luật quản lý thuế, tạo thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế, song song với việc bao quát các nguồn thu mới, tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý thu và đánh giá thực chất số nợ thuế. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết, về công tác xây dựng thể chế, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành các Luật về: NSNN, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra, Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,.. trong đó đặt ra các quy định tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp và các đơn vị trong quản lý, sử dụng NSNN chặt chẽ, tiết kiệm. Đặc biệt, Luật NSNN năm 2015 đã có quy định mới về phạm vi thu, chi, bội chi; quy định cụ thể các điều kiện chi, các hành vi bị cấm; vấn đề công khai, minh bạch từ khâu phân bổ đến triển khai thực hiện; việc thanh tra, kiểm toán,… để vừa tạo thuận lợi trong thực hiện vừa tăng cường trách nhiệm trong quản lý, sử dụng ngân sách.
Về tổ chức thực hiện: Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quán triệt yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thu ngân sách, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế; chi NSNN chặt chẽ theo dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng, quản lý ngân sách, tài sản công được giao.
Về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán: Quyết liệt và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là trong quản lý, sử dụng NSNN, tài chính, tài sản công. Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các kiến nghị của thanh tra, kiểm toán, xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã được đẩy nhanh tiến độ; xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, thu hồi về NSNN tiền, tài sản bị tham nhũng, thất thoát.
Bày tỏ sự nhất trí cao với những giải pháp tổng thể do Chính phủ đưa ra nhằm chống thất thu và chống thất thoát ngân sách nhà nước, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà kỳ vọng thời gian tới kỷ cương kỷ luật ngân sách sẽ được siết chặt. Việc tuân thủ, giữ nghiêm kỷ luật thu ngân sách có vai trò hết sức quan trọng, bởi chỉ có nỗ lực phấn đấu thu đúng, thu đủ, thu kịp thời về ngân sách, mới có nguồn đảm bảo các nhiệm vụ chi theo dự toán.
Vậy những giải pháp do Chính phủ đưa ra đã đồng bộ và đảm bảo tính khả thi? thời gian qua Chính phủ đã có những nỗ lực gì trong việc chỉ đạo các ngành, các cấp nghiêm túc triển khai hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế? Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về vấn đề nêu trên.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội
Phóng viên: Thưa đại biểu, được biết tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã có câu hỏi chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ. Vậy xin đại biểu cho biết cụ thể nội dung đại biểu đã chất vấn?
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa VIX, tôi đã có văn bản chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp chống thất thu và thất thoát ngân sách nhà nước.
Phóng viên: Sau khi nhận được câu hỏi chất vấn của đại biểu, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1907 trả lời chất vấn của đại biểu. Vậy đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời của Thủ tướng Chính phủ?
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi hoàn toàn đồng tình với nội dung trả lời tại văn bản của Thủ tướng Chính phủ. Trong những giải pháp được nêu ra, tôi tâm đắc nhất với giải pháp là ngăn chặn thất thoát và thất thu liên quan đến nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng và tính kỷ cương, kỷ luật trong việc quản lý ngân sách nhà nước. Tôi tin tưởng với những giải pháp đồng bộ cùng sự nỗ lực, quyết liệt của Chính phủ thì tình trạng thất thu, thất thoát ngân sách nhà nước sẽ sớm được khắc phục.
Phóng viên: Với những nhóm giải pháp được nêu ra tại văn bản trả lời chất vấn thì theo ý kiến của đại biểu liệu có đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trên thực tế?
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi nhận thấy, những giải pháp do Chính phủ đưa ra là có tính khả thi và phù hợp với thực tiễn. Những giải pháp này trong đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản và chính thức đưa vào văn bản này những giải pháp như Thủ tướng đã trả lời chất vấn. Chúng ta có thể tìm thấy văn bản này trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ cũng như là các trang có liên quan đến pháp luật, bao gồm hệ thống nhóm các giải pháp gắn với các mục tiêu, yêu cầu rất là cụ thể. Vì vậy, nếu chúng ta thực hiện được tốt những giải pháp này thì các mục tiêu, yêu cầu để ngăn chặn tình trạng thất thoát và thất thu ngân sách nhà nước trong thời gian tới sẽ đạt được hiệu quả như mong muốn.
Phóng viên: Theo đánh giá của đại biểu, thời gian qua Chính phủ đã có những nỗ lực gì trong việc chỉ đạo các ngành, các cấp nghiêm túc triển khai hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế?
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Có thể nói, thời gian qua Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, quyết liệt trong việc chỉ đạo các Bộ, ngành áp dụng triển khai các giải pháp rất là quyết liệt nhằm chống thất thu, thất thoát ngân sách. Đó là những giải pháp liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, tăng cường quản lý ngân sách nhà nước nói chung nhất là quản lý việc thu thuế,… Tôi thấy đây là những giải pháp rất là mạnh để góp phần ngăn chặn tình trạng thất thoát và thất thu ngân sách. Đặc biệt có giải pháp liên quan đến nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ bởi vì tất cả mọi việc dù nhỏ hay lớn thì quan trọng nhất vẫn là công tác cán bộ, cán bộ ở đây ngoài năng lực ra thì phải có chuyên môn và đặc biệt là có phẩm chất đạo đức. Nếu những người cán bộ đều có đủ năng lực, đủ chuyên môn và có phẩm chất đạo đức khi thực thi công vụ thì sẽ thực hiện được những giải pháp và đáp ứng được yêu cầu về ngăn chặn tình trạng thất thoát, thất thu ngân sách nhà nước.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!
Bày tỏ sự nhất trí cao với những giải pháp tổng thể do Chính phủ đưa ra nhằm chống thất thu và chống thất thoát ngân sách nhà nước, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà kỳ vọng thời gian tới kỷ cương kỷ luật ngân sách sẽ được siết chặt. Việc tuân thủ, giữ nghiêm kỷ luật thu ngân sách có vai trò hết sức quan trọng, bởi chỉ có nỗ lực phấn đấu thu đúng, thu đủ, thu kịp thời về ngân sách, mới có nguồn đảm bảo các nhiệm vụ chi theo dự toán.