GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: ĐBQH TRIỆU THỊ THU PHƯƠNG - CẦN SIẾT CHẶT KỲ THI THPT QUỐC GIA

18/06/2019

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 được đánh giá chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng nhưng do còn sơ hở trong bảo mật đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kỳ thi. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, trong phiên chất vấn tại hội trường, Đại biểu Triệu Thị Thu Phương, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kan đã đặt câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về những giải pháp căn cơ nhằm siết chặt cũng như tổ chức hiệu quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia trong thời gian.

Kỳ thi THPT quốc gia bắt đầu thực hiện từ năm 2015

Lỗ hổng trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018

Thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới toàn diện và căn bản giáo dục và đào tạo, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 44 ngày 09 tháng 06 năm 2014. Trong đó, có nêu rõ đổi mới hình thức thi và xét tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng tổ chức một kỳ thi chung lấy kết quả để làm căn cứ xét tuyển. Trên cơ sở đó, từ năm 2015 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 4 lần kỳ thi THPT quốc gia. Từ năm 2017, kỳ thi này được giao về cho các Sở Giáo dục tại địa phương chủ trì. Theo ý kiến cử tri Lê Quốc Huyên, Quận Đống Đa, Hà Nội, mặc dù có nhiều nỗ lực, đổi mới nhưng qua thực tế triển khai, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế như: vấn đề ra đề thi; khâu chấm thi, công bố kết quả thi;… Những bất cập này gây lo ngại trong dư luận về tính minh bạch, chính xác, khách quan của kỳ thi.

 Nhớ lại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017-2018 xảy ra cách đây 1 năm nhưng dư luận vẫn không khỏi bất bình, phẫn nộ bởi sự can thiệp trực tiếp của những cán bộ làm công tác tổ chức kỳ thi khiến kết quả thi bị sai lệch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả của kỳ thi đặc biệt là niềm tin của người dân đối với ngành giáo dục nước ta.

Ngày 25-27/6/2018, cả nước có hơn 900.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ngày 11/7, Bộ Giáo dục công bố điểm thi, dư luận bất ngờ khi Hà Giang, Sơn La có số thí sinh đạt điểm giỏi tăng đột biến, trong khi điểm trung bình các môn của thí sinh hai tỉnh thuộc diện thấp nhất cả nước. Tại Lạng Sơn, nhóm thí sinh tự do là cảnh sát cơ động cũng có nhiều điểm khá giỏi.

Ngay sau đó, Bộ Giáo dục đã thành lập 3 tổ công tới 3 địa phương xác minh dấu hiệu bất thường trong điểm thi. Kết quả Hà Giang có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi được nâng tổng điểm từ 1 lên 29,95. Ông Vũ Trọng Lương và Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng và Phó phòng Khảo thí của Sở Giáo dục bị bắt vì tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tại Sơn La, tổ công tác phát hiện 5 cán bộ Sở Giáo dục sửa điểm cả bài tự luận và trắc nghiệm. Tuy nhiên, hiện chưa xác định có bao nhiêu bài thi trắc nghiệm được sửa, cách thức sửa thế nào. Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Đây là 1 sự việc nghiêm trọng làm mất tính khách quan của 1 kỳ thi quốc gia mà được tổ chức và triển khai trên địa bàn cả nước. Những bất thường quanh điểm thi đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiêm túc lắng nghe, cầu thị và khẩn trương chỉ đạo giải quyết sai phạm của cá nhân, đơn vị liên quan tại Hà Giang, Sơn La. Điều này cho thấy quyết tâm của ngành giáo dục lập lại kỷ cương, tạo công bằng, minh bạch cho kỳ thi.

Tuy nhiên, qua vụ việc này cho thấy mặc dù quy trình tổ chức thi tương đối chặt chẽ nhưng người thực thi lại có vấn đề. Nếu vụ việc không được phanh phui thì sẽ gây hệ quả lớn cho xã hội. Không hiểu vì vụ lợi cá nhân, hay vì bệnh thành tích mà một số người làm trong hội đồng thi tại Hà Giang hay Sơn La lại tự cho mình cái quyền đổi trắng thay đen, có quyền tước đi tương lai, tước đi cơ hội vào đại học của hàng trăm học sinh có thực lực thật sự. Mất cơ hội học tập đã là thiệt thòi, nhưng có lẽ mất mát lớn hơn chính là mất lòng tin của thế hệ trẻ, của xã hội vào sự thiếu trung thực của những người làm công tác giáo dục, những người đang giữ sứ mệnh cao quý - sự nghiệp trồng người.

Bất minh trong điểm thi ở Hà Giang, Sơn La đã được đưa ra ánh sáng, nhưng vẫn còn không ít hoài nghi, băn khoăn từ phía phụ huynh, học sinh về sự công minh trong kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia tại các địa phương khác trong cả nước và của những năm trước đó. Vì vậy, nhiều chuyên gia cũng như cử tri đặt vấn đề về tính hiệu quả của kỳ thi trung THPT quốc gia? GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, có nên nhập kỳ thi THPT và kỳ thi đại học thành 1 kỳ thi chung hay không? Vấn đề này Luật Giáo dục (sửa đổi) không quy định nhưng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học lại trao quyền tự chủ cho các trường, trong đó có quyền tuyển sinh. Vì vậy, cần phải yêu cầu các trường thực hiện quyền tự chủ, các trường không thể nép vào kỳ thi THPT để tuyển sinh và nếu còn gộp 2 kỳ thi như hiện tại sợ rằng kỳ thi THPT sẽ bị lạm dụng.

Vấn đề nên hay không nên tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia cũng đã được đặt lên bàn nghị sự. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau xung quanh vấn đề này. Về quy định thi tốt nghiệp trung học phổ thông, để linh hoạt trong Luật Giáo dục (sửa đổi) cũng chỉ quy định nguyên tắc học sinh học hết chương trình THPT thì được dự thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT, không quy định phương thức cũng như quy mô tổ chức thi (Điều 34). Việc tuyển sinh cao đẳng, đại học của các cơ sở giáo dục được thực hiện theo cơ chế tự chủ quy định bởi Luật GDĐH và Luật GDNN.

Giải pháp siết chặt kỳ thi THPT quốc gia

Trả lời câu hỏi của đại biểu Triệu Thị Thu Phương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã rà soát quy trình của kỳ thi và thống nhất có nhiều giải pháp, trong đó có 3 nhóm giải pháp căn cơ.

Nhóm thứ nhất, phải xây dựng được ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa theo hướng phong phú về số lượng và nâng cao chất lượng của các câu hỏi, theo đó xây dựng bài thi chuẩn hóa theo hướng bám sát vào đánh giá năng lực của học sinh trung học phổ thông quốc gia và có phân hóa nhất định để làm căn cứ cho các trường đại học, cao đẳng theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 29. Nhóm giải pháp này chúng tôi cho rằng vừa trước mắt, vừa lâu dài, hết sức quan trọng mà quốc tế vẫn đang làm.

Nhóm thứ hai, chúng tôi phải cập nhật phần mềm quản lý, đặc biệt là chấm thi để không có lỗ hổng cho những người có thể lợi dụng được. Giải pháp công nghệ chúng tôi đã làm và khả thi cao.

Nhóm giải pháp thứ ba, căn cơ là phải siết chặt quy trình về tổ chức thi, đặc biệt là công tác coi thi, chấm thi minh bạch, công khai, rõ ràng.

Với ba nhóm giải pháp này, Bộ trưởng cho rằng, sẽ có độ chắc chắn trong vấn đề thực hiện kỳ thi trung học phổ thông quốc gia theo đúng tinh thần Nghị quyết trung ương 29 và từng năm sẽ hoàn thiện và tiến tới một kỳ thi trung thực, khách quan, giảm áp lực cho xã hội cũng như tạo sự công bằng cho thí sinh.

Những giải pháp được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đưa ra liệu có đáp ứng được nguyện vọng của đại biểu và cử tri? Đâu là những điểm mới trong quy trình tổ chức thi THPT quốc gia năm nay? Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc phỏng vấn với đại biểu Triệu Thị Thu Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn.

 Đại biểu Triệu Thị Thu Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn

Phóng viên: Cảm ơn đại biểu đã nhận lời phỏng vấn của Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Thưa đại biểu, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 QH khóa 14, đại biểu là một trong nhiều đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vậy cụ thể nội dung đại biểu chất vấn là gì?

 Đại biểu Triệu Thị Thu Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn: Trước lo lắng, kiến nghị của cử tri, tôi đã có câu hỏi chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về những giải pháp Bộ đưa ra để khắc phục những bất cập trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, nhằm lấy lại niềm tin cho người dân về tính công bằng, minh bạch của nền giáo dục nước nhà.

Phóng viên: Trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra 3 nhóm giải pháp siết chặt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Đại biểu đánh giá như thế nào về phần trả lời của Bộ trưởng?

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn: Tôi cơ bản đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng. Những nhóm giải pháp do Bộ trưởng đưa ra như: phải xây dựng được ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa theo hướng phong phú về số lượng và nâng cao chất lượng của các câu hỏi; cập nhật phần mềm quản lý, đặc biệt là chấm thi để không có lỗ hổng cho những người có thể lợi dụng được; phải siết chặt quy trình về tổ chức thi, đặc biệt là công tác coi thi, chấm thi minh bạch, công khai, rõ ràng. Tôi nghĩ những giải pháp này đã khá toàn diện, đầy đủ nhưng quan trọng là vấn đề thực hiện trên thực tế ra sao.

Phóng viên:  Với những giải pháp mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu theo đại biểu có giải quyết được những tồn tại, bất cập trong quy trình tổ chức thi; đại biểu có đề xuất giải pháp gì đảm bảo minh bạch, công bằng cho tất cả thí sinh?

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn: Tôi nghĩ rằng đối với các giải pháp mà Bộ trưởng nêu ra, tôi không bình luận nhiều bởi quan trọng là những giải pháp đó được thực thi như thế nào trên thực tế. Tôi và cả cử tri trông chờ vào những thay đổi từ giải pháp do Bộ nêu ra trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 diễn ra vào cuối tháng 6 tới đây. Kết quả của kỳ thi sẽ là nhận định chính xác nhất để đánh giá những thay đổi của Bộ trưởng đã đề ra.

Phóng viên:  Theo quan sát của đại biểu, trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Bộ Giáo dục đã có những đổi mới cụ thể như thế nào nhằm khắc phục bất cập của kỳ thi trước đó?

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn: Kịp thời khắc phục những bất cập của kỳ thi THPT quốc gia 2017-208, kỳ thi năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sửa đổi  Quy chế thi với 7 điểm mới cơ bản như: quy định chặt hơn về bảo quản đề thi, bài thi; các trường đại học chủ trì chấm bài thi trắc nghiệm; thu hồi giấy chứng nhận kết quả thi trước phúc khảo,…. Một mùa thi nữa lại tới, tôi và cử tri cả nước kỳ vọng với những đổi mới như vậy cũng như các nhóm giải pháp do Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ đưa ra sẽ khắc phục được triệt để những bất cập của kỳ thi trước; tạo dựng lại niềm tin của cử tri cả nước về tính công bằng, minh bạch của nền giáo dục nước nhà.

Cơ bản đồng tình với những nhóm giải pháp căn cơ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ đưa ra, đại biểu Triệu Thị Thu Phương cho rằng, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là kỳ thi có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhận được sự quan tâm trông chờ của đa số cử tri. Bởi vậy, giải pháp đưa ra nhưng quan trọng vẫn là quá trình triển khai trên thực tế và trước mắt là kỳ thi THPT quốc gia năm học 2018-2019 tới đây.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Lê Anh

Các bài viết khác