ĐBQH NGUYỄN QUANG DŨNG: TÁN THÀNH VIỆC ƯU TIÊN PHÂN BỔ VỐN DỰ PHÒNG CHO CÁC DỰ ÁN LIÊN QUAN ĐẾN TRỤ SỞ LÀM VIỆC CỦA CƠ QUAN TƯ PHÁP

05/06/2019

Phát biểu tại phiên thảo luận về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, đại biểu Nguyễn Quang Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam quam tâm đến đề xuất của Chính phủ với việc phân bổ nguồn vốn cho các dự án liên quan đến trụ sở làm việc của cơ quan tư pháp.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu

Theo đại biểu Nguyễn Quang Dũng, các cơ quan tư pháp theo nghị quyết Quốc hội cũng nằm trong danh mục cơ quan được ưu tiên phân bổ nguồn, do đó việc Chính phủ đề xuất sự cần thiết bổ sung những công trình, dự án liên quan đến trụ sở làm việc của cơ quan tư pháp vào dự án cấp bách là có căn cứ. Hiện nay còn nhiều trụ sở Tòa án, Viện kiểm sát chưa có nên phải đi thuê, nhiều trụ sở thì xuống cấp. Đơn cử một vài trường hợp như sau: đối với ngành kiểm sát như ở Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng được thành lập theo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014. Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn phải sử dụng trụ sở của Viện kiểm sát phúc thẩm trước đây và xây dựng từ những năm 1978 -1980, quy mô chỉ cho phép làm việc đến 20 người. Hiện nay, theo biên chế của các Viện kiểm sát cấp cao đều trên 100 người, do đó phần lớn phải đi thuê trụ sở. Đây là sự cấp bách nên cần thiết phải đưa vào.

Đối với các cơ quan tư pháp khác trong đề xuất của Chính phủ như cơ quan thi hành án hình sự của Bộ Công an, thi hành án dân sự của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đại biểu cho rằng, trong nguồn đề xuất bổ sung đối với các cơ quan này thì mức đề xuất cũng không phải là lớn. Toàn ngành kiểm sát thì Chính phủ cũng đề xuất bổ sung là 500 tỷ. Do đó đại biểu ủng hộ đề xuất của Chính phủ.

Về vấn đề về phân bổ 10.000 tỷ thì nên thống nhất với nhiều ý kiến đại biểu là theo nghị quyết Quốc hội chúng ta đã có những thứ tự ưu tiên, trong đó có việc ưu tiên cho việc phục vụ cho sản xuất, chống sạt lở kênh mương, kè đập, thủy lợi, những cái đó rất quan trong phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh của người dân. Do đó, thứ tự ưu tiên cũng phải phân bổ làm sao để những nguồn này phù hợp, đáp ứng được yêu cầu không chỉ của đồng bằng sông Cửu Long mà của cả các tỉnh duyên hải miền trung và những tỉnh hàng năm thiên tai xảy ra nhiều, vừa hạn hán vừa lũ lụt rồi sạt lở sông, suối, các cửa biển. Chính vì vậy, nên giảm tỷ lệ mà chúng ta giải quyết cho các dự án về giao thông để tập trung cho các dự án phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân./.

 

Hồ Hương

Các bài viết khác