Đại biểu Vương Văn Sáng đưa ra quan điểm
Đại biểu Vương Văn Sáng phân tích, Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016, sau 03 năm triển khai thực hiện đã khẳng định tính ưu việt, hiệu lực, hiệu quả so với Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trước đó. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có nhiều vấn đề. Thực tế, Luật Tổ chức chính quyền địa phương chưa đề cập đến các vấn đề mới phát sinh, sau khi được thông qua đòi hỏi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan chức năng phải ban hành 40 văn bản hướng dẫn về hoạt động của chính quyền địa phương mà chủ yếu là hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp. Sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương để luật hóa nội dung dưới luật, đồng thời triển khai Nghị quyết của Đảng và tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ngày càng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đối với chính quyền địa phương các cấp là rất cần thiết. Đi vào các nội dung cụ thể, đại biểu chỉ ra như sau:
Thứ nhất, về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, hiện nay thực hiện theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân do Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn, mỗi đơn vị bầu cử không quá 05 đại biểu, nếu giảm số lượng phải sửa Luật Bầu cử chứ không phải sửa luật này. Hơn nữa, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định hiện hành chỉ đủ để đại diện địa bàn, thành phần cơ cấu ở mức độ tối thiểu và nhiều hay ít đại biểu không ảnh hưởng nhiều đến kinh phí hoạt động và mô hình tổ chức bộ máy của Hội đồng nhân dân. Đề nghị không đặt vấn đề giảm số đại biểu Hội đồng nhân dân trong dự thảo.
Thứ hai, về số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Trưởng ban Hội đồng nhân dân chuyên trách. Khác với Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách được quy định tối thiểu trên 35% tổng số đại biểu, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách được quy định bởi các chức danh theo luật hiện hành, cấp tỉnh thường dưới 11 người, cấp huyện dưới 5 người, cấp xã 1 người. Với số lượng như vậy hoạt động của các cơ quan Hội đồng nhân dân các cấp hết sức khó khăn. Do vậy, kiến nghị thay vì quy định các vị trí lãnh đạo chuyên trách bằng quy định số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách cho từng cấp Hội đồng nhân dân. Phó Chủ tịch, Phó ban có thể giảm nhưng đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách cần tăng hơn luật hiện hành.
Thứ ba, về Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã. Cần thiết bổ sung các Trưởng ban là thành viên thường trực tương tự như cấp huyện, cấp tỉnh, để bảo đảm tính tập thể của thường trực. Tuy nhiên, cần giao cho Chính phủ quy định trưởng ban không phải là cán bộ, công chức kiêm nhiệm thì được công nhận là người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Có như vậy mới xác định được trách nhiệm và quyền lợi của Trưởng ban Hội đồng nhân dân cấp xã.
Thứ tư, về nhiệm vụ của Thường trực Hội đồng nhân dân giữa 2 kỳ họp. Trên thực tế, để đảm bảo tính kịp thời giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội thường xuyên phát sinh của chính quyền địa phương thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân, việc triệu tập, tổ chức phiên họp bất thường không hề đơn giản. Hơn nữa, Thường trực Hội đồng nhân dân theo luật hiện hành bao gồm các Trưởng các Ban Hội đồng nhân dân, bảo đảm tính tập thể, tính đại diện hơn Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Do vậy, luật sửa đổi cần quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân giữa 2 kỳ họp như quy định thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và bổ sung quy định thẩm quyền trao đổi về quyết định các vấn đề cần thiết, cấp bách về kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, sau đó báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất.
Thứ năm, về tổ chức bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương hiện nay đang thí điểm hợp nhất các văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, kể cả Văn phòng cấp ủy cấp huyện, đến nay chưa có tổng kết đánh giá. Theo quy định hiện hành, văn phòng không phải là cơ quan chuyên môn, chỉ là cơ quan tham mưu, giúp việc. Do vậy, Chánh văn phòng không nhất thiết là thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân hay thành viên Ủy ban nhân dân. Chính vì vậy, không nên quy định bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương trong luật, nên giao cho Chính phủ quy định, đề nghị chỉ quy định Thư ký Hội đồng nhân dân là đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, Chánh văn phòng, tức lãnh đạo bộ máy giúp việc không nhất thiết phải là thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân cũng không phải là thành viên của Ủy ban nhân dân./.