Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trả lời chất vấn
Công trình đường 12B tỉnh Hòa Bình nợ trên 57 tỷ đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng
Quan tâm về một số tồn tại trong giải phóng mặt bằng, đại biểu Quốc hội Bạch Thị Hương Thủy - Hoà Bình nêu vấn đề: hiện nay có tình trạng công trình đầu tư công đã hoàn thành nhưng chậm thanh toán và quyết toán vốn đầu tư gây khó khăn cho các nhà thầu trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng. Cụ thể là công trình đường 12B tỉnh Hòa Bình được khởi công từ năm 2010 và hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2013 nhưng vẫn còn nợ trên 57 tỷ đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng của người dân, dẫn đến những bức xúc và khiếu kiện kéo dài.
Đại biểu cũng cho biết thêm, tại kỳ họp Quốc hội thứ 4, đại biểu đã đã gửi phiếu chất vấn nội dung này đến Thủ tướng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Do đó, đề nghị Phó Thủ tướng cho biết trách nhiệm của Chính phủ về sự chậm trễ này? Khi nào người dân mới nhận được tiền đền bù giải phóng mặt bằng trên đoạn đường 12B?
Đại biểu Quốc hội Bạch Thị Hương Thủy chất vấn
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tất cả những công trình từ trước 2015 mà sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, nếu như đang còn dở dang hoặc chưa thanh toán, trong đó có quốc lộ 12B thì dứt khoát phải giữ nghiêm kỷ luật về tài chính và trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Còn những vốn dư của trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 thì Thủ tướng đã có chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp để tìm kiếm các nguồn vốn thích hợp khác thanh toán cho những dự án tương tự như dự án của đường Quốc lộ 12B này. Nội dung cụ thể, Chính phủ sẽ cùng với các bộ rà soát lại kỹ và báo cáo kết quả với đại biểu Bạch Hương Thủy cũng như đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình.
Đến khi nào bảo đảm được hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân?
Gửi đến Phó Thủ tướng nội dung chất vấn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thủy - Hậu Giang cho biết, cử tri và nhân dân cả nước đang rất bức xúc đối với nhiều vấn đề tồn tại về đất đai. Đại biểu chỉ ra rằng, công tác quy hoạch, chính sách thu hồi đất, công tác tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư vẫn còn nhiều bất cập. Từ đó dẫn đến khiếu kiện về đất đai vẫn chiếm tới tỷ lệ 70%. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết giải pháp khắc phục tình trạng trên và khẳng định rõ đến khi nào mới bảo đảm được hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân như chủ trương của Đảng, Nhà nước đã đề ra?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thủy đưa ra vấn đề
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Thủy liên quan đến vấn đề khiếu nại, tố cáo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, hiện nay tình hình khiếu nại, tố cáo đang diễn biến phức tạp và trong đó khoảng 70% liên quan đến đất đai. Cũng theo Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp với 27 tỉnh có nhiều khiếu kiện; đồng thời giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thống kê, tổng hợp lại và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để có lộ trình giải quyết dứt điểm những hồ sơ tồn đọng này.
Để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên khi đền bù giải phóng mặt bằng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng cần bám sát vào quy định pháp luật và làm tốt khâu tổ chức thực hiện. Về mặt quy định pháp luật, chúng ta đang sơ kết, tổng kết, đánh giá những bất cập, những thực trạng liên quan đến việc thu hồi đất và việc đền bù, giải tỏa mặt bằng; chuẩn bị sửa đổi một cách cơ bản Luật Đất đai, đảm bảo lợi ích cân bằng giữa nhà nước, người dân và chủ đầu tư. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, trước mắt, Chính phủ đang tăng cường công tác quản lý chỉ đạo vấn đề về đất đai, tránh tình trạng địa tô chênh lệch nhà nước cũng không thu được bao nhiêu, người dân không được hưởng lợi và cuối cùng lại chạy vào túi của nhà đầu tư.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực đầu tư công
Đưa ra nội dung chất vấn với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đại biểu Quốc hội Quách Thế Tản - Hoà Bình chỉ ra rằng, thời gian qua Tổng kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán 30 dự án, Báo cáo kết quả kiểm toán thấy có nhiều vi phạm và đã kiến nghị xử lý tài chính 4.500 tỷ đồng, đồng thời lưu ý các dự án sử dụng hình thức chỉ định thầu. Hình thức này dẫn đến tiềm ẩn rủi ro trong vấn đề quản lý tài chính, thất thu ngân sách, quản lý nguồn lực và dẫn đến cả vấn đề tham nhũng, lợi ích nhóm. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ xử lý vấn đề này như thế nào? Từ năm 2018 trở đi khắc phục tình trạng này ra sao?
Đại biểu Quốc hội Quách Thế Tản chất vấn Phó Thủ tướng
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quách Thế Tản, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thưa nhận đại biểu đã nêu lên một thực trạng rất đúng. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết thêm, các dự án đầu tư công của chúng ta có nhiều dự án được thực hiện rất tốt nhưng cũng không ít các dự án có những yếu kém, sai sót và kể cả những sai phạm từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư cho đến đưa công trình vào sử dụng. Phó Thủ tướng cho biết, trước tình hình này, Chính phủ và Thủ tướng cũng đang yêu cầu phải thực hiện nghiêm theo Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực chi tiêu ngân sách, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công; trình Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư công.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong phạm vi của mình, Chính phủ sẽ sửa đổi các Nghị định liên quan đến Luật Đầu tư công, bao gồm Nghị định 77/2015/NĐ-CP, Nghị định 161/2016/NĐ-CP và Nghị định 136/2015/NĐ-CP. Nghị định sửa đổi ba nghị định này khả năng sẽ được ban hành vào tháng 6. Còn lại tất cả những vấn đề có liên quan đến đầu tư công sẽ trình Quốc hội, nếu Quốc hội chấp nhận sẽ cho đưa vào xin ý kiến tại kỳ họp cuối năm. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng khẳng định, về những vấn đề sai phạm, quan điểm của Thủ tướng và Chính phủ xử lý nghiêm, không có bất kỳ ngoại lệ nào, không có vùng cấm./.