Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn
Tình trạng xói lở bờ sông diễn biến phức tạp, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long
Đặt vấn đề chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đại biểu Quốc hội Lê Công Đỉnh - Long An nêu rõ, tình trạng xói lở bờ sông, bờ biển thời gian qua diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đại biểu cũng cho biết cử tri rất bất an và lo lắng về vấn đề này, đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân? Giải pháp phòng ngừa? Và khắc phục ?
Đại biểu Quốc hội Lê Công Đỉnh chất vấn Bộ trưởng
Trả lời mối quan tâm của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường chỉ ra rằng vấn đề xói, lở bờ sông có 3 nguyên nhân: Thứ nhất, Bộ Chính trị, Chính phủ đã có đánh giá về tác động ở thượng nguồn đồng bằng sông Cửu Long, trong đó lượng cát và phù sa có thể có khoảng 60% bị giữ lại ở nước thượng nguồn qua các hồ đập thủy điện; việc đưa phù sa về xuống dưới hạ nguồn là vấn đề không đơn giản. Thứ hai, hiện nay vấn đề quản lý khai thác cát rất lỏng lẻo, cát tặc đang lộng hành gây ra vấn đề xói lở. Thứ ba, chúng ta cũng có những quy hoạch về thủy lợi, các quy hoạch về giao thông, trong đó sự tham gia giao thông mật độ như thế nào, hoặc những công trình thủy lợi như ra sao để giải quyết được trên một bình diện tổng thể, những nơi xói lở nhiều thì phải mở rộng dòng chảy của dòng sông.
Trên cơ sở chỉ ra 3 nguyên nhân, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đưa ra 3 giải pháp: Giải pháp thứ nhất, ở góc độ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ sẽ làm tốt khâu chuẩn bị để trình Chính phủ sớm ban hành nghị định về quản lý, kiểm soát khai thác cát bờ sông, tiếp cận trên vấn đề lưu vực và xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt Ủy ban nhân dân các cấp. Giải pháp thứ hai, chúng ta sẽ có một quy hoạch tổng thể xem xét, đánh giá mối quan hệ giữa các công trình và đặc biệt là khi khai thác thì tác động thế nào đến dòng chảy và sạt lở. Giải pháp thứ ba, chúng ta sẽ khoanh những khu vực cấm, bởi theo Luật Tài nguyên nước thì phải có hành lang bảo vệ hai bên bờ sông, hành lang an toàn, đánh giá được những khu vực đó để có thể di dân, có kế hoạch tránh xa những vùng có khả năng xảy ra sự cố.
Bộ trưởng Trần Hồng hà cũng cho biết, trong tương lai, đê thực hiện những công việc này, đòi hỏi không chỉ Bộ Tài nguyên và Môi trường mà cần có sự phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ trưởng chia sẻ, hiện với sự vận động của chúng ta thì ngân hàng thế giới và các quốc gia đều có thể hoàn toàn cho chúng ta vay với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, trần nợ công ảnh hưởng đến dự án đầu tư, bởi vậy chúng ta cần phải xác định khi tiến hành việc quy hoạch tổng thể, tích hợp đồng bằng sông Cửu Long, xác định dự án không nối tiếp giữa các địa phương phải báo cáo với Quốc hội để xem xét với điều kiện kinh tế. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chỉ rõ đây là dự án cấp bách ưu tiên và không nối tiếp, nếu cần thiết chúng ta cũng có thể vay để thực hiện ngay các dự án. Bộ trưởng chỉ ra rằng, hiện nay chúng ta chưa quan tâm đến xã hội hóa trong đầu tư các hạ tầng kỹ thuật, mặc dù khối tư nhân có thể vay vốn và đầu tư, trong đó có những dự án hạ tầng, những dự án chuyển nước từ thượng nguồn xuống hạ nguồn, những nguồn thiếu nước v.v... Những dự án này hoàn toàn có thể xã hội hóa để khối tư nhân có thể tham gia nếu chúng ta có những cơ chế phù hợp và khối tư nhân có thể tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức tài chính quốc tế mà không cần có sự bảo lãnh của Nhà nước.
Đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang đưa ra quan điểm
Không thể quy định cấm toàn bộ đối tượng khai thác cát
Đưa ra quan điểm chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang - Cà Mau cho rằng, nếu biện pháp đàm phán với các quốc gia láng giềng để đưa phù sa về đồng bằng là một biện pháp khó khăn trong việc khắc phục sói, lở bờ sông thì việc quản lý khai thác cát, sỏi trái phép là một biện pháp dễ dàng, trong tầm tay của chúng ta, chúng ta có thể giảm dần cấp phép khai thác cát, thậm chí cấm tuyệt đối khai thác cát. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này như thế nào?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Thái Trường Giang, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ sự đồng tình cao với quan điểm của đại biểu. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết thêm, thực tế hiện nay chúng ta đã làm nhiều và các nước đã áp dụng công nghệ, cụ thể là tạo luồng để phù sa nhiều hơn, nhưng thực tế chưa đáp ứng được như mong muốn tức là giữa thủy điện với phù sa vẫn có những thất thoát. Khẳng định khai thác cát là vấn đề nghiêm trọng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ về vấn đề này Chính phủ đang chuẩn bị một Nghị định quy định toàn diện, trong đó có quy định quản lý tổng hợp theo lưu vực, phân định rõ trách nhiệm khoanh vùng cấp khai thác. Nhưng chúng ta không thể quy định cấm toàn bộ đối tượng khai thác cát vì nhu cầu nạo vét lòng sông cho tàu di chuyển là nhu cầu vẫn cần phải thực hiện. Không kể đến các mỏ cát không khai thác thì nó cũng trôi đi ảnh hưởng đến giao thông, do đó chúng ta cần phải tính một cách hài hòa nhất để xử lý vấn đề này.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến chất vấn
Tháo gỡ vướng mắc liên quan giao quyền nạo vét lòng sông
Đề cập đến việc giao khu vực biển để nhận quyền nạo vét lòng sông, các cảng biển đang gặp khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến môi trường, đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quản lý nhà nước ở địa phương, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến - Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này như thế nào? giải pháp để xử lý và tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc giao khu vực nạo vét lòng sông, cảng biển, Bộ trưởng Trần Hồng hà cho biết không chỉ Bà Rịa –Vũng Tàu mà các cảng biển hiện nay đang vướng mắc trước tình trạng nạo vét lòng sông.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trước khi có Luật Tài nguyên môi trường biển thì việc nạo vét, nhận chìm xuống biển là công việc bình thường, chỉ cần đánh giá tác động môi trường, địa phương giới thiệu chỗ nhận chìm và tiến hành công việc. Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng, trên thế giới việc nhận chìm vẫn là bình thường nếu chúng ta chọn đúng địa điểm để nhận chìm; chất nạo vét trên các luồng, lạch của sông, biển là các vật liệu tự nhiên không gây ra nguy cơ ô nhiễm cao. Tuy nhiên ở Việt Nam, việc làm này còn đang lúng túng.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chỉ ra rằng, hiện nay chúng ta làm chưa tốt khâu quy hoạch không gian biển. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt quy hoạch sử dụng biển. Trên cơ sở đó, địa phương và Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể biết phân vùng ở đâu chúng ta có thể nhận chìm để đánh giá tác động; tránh các khu vực bảo tồn; tránh xung đột với nuôi trồng thủy sản.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thêm, trước tình hình này Bộ đã báo cáo với Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ cho phép trong khi chưa có quy hoạch sử dụng biển thì chúng ta thực hiện theo quy định trước đây. Cụ thể, địa phương sẽ giới thiệu khu vực nhận chìm, việc giới thiệu đó cần phải đánh giá rất cụ thể khu vực, vị trí, quy mô; trong mối quan hệ giữa khu vực đó với bảo tồn, nuôi trồng thủy sản v.v; đánh giá toàn bộ từ khâu nạo vét đến khâu nhận chìm xem tác động như thế nào. Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà đây là công việc phải tiến hành hằng năm vì thông thường tại các khu vực này, quy hoạch lựa chọn địa điểm rất kém nên bồi lắng rất nhanh. Liên quan đến việc này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề nghị ngành Giao thông vận tải phải xem lại vấn đề quy hoạch các cảng, luồng, lạch hiện nay. Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, Bộ sẽ xem xét, đánh giá nhu cầu nhận chìm dự án một cách thật kỹ lưỡng, đầy đủ cơ sở khoa học; thay đổi cách làm như trước đây, chỉ mang tính hình thức, không được kiểm chứng khoa học và không thu hút được đơn vị có năng lực thực hiện./.