BỘ TRƯỞNG BỘ TN&MT TRẦN HỒNG HÀ: SẼ PHẢI ĐỊNH GIÁ ĐẤT CHO PHÙ HỢP VÀ ĐÚNG VỚI CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG

04/07/2018

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng chậm giải phóng mặt bằng, sử dụng sai mục đích của quỹ đất và thất thoát lãng phí đất trong việc cổ phần hóa các DNNN.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn

Thực chất có những doanh nghiệp giải phóng mặt bằng mất 10, 15 năm

Đưa ra vấn đề chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đại biểu Quốc hội Phan Anh Khoa - Phú Yên nêu rõ, hiện nay vấn đề giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, kéo dài dẫn đến chậm tiến độ các dự án đầu tư, nhất là các dự án lớn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình trong quản lý ngành về vấn đề này như thế nào để tạo điều kiện cho địa phương triển khai tốt nhiệm vụ này?

Đại biểu Quốc hội Phan Anh Khoa chất vấn Bộ trưởng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng thường kéo dài, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận, thực chất có những doanh nghiệp đã giải phóng mặt bằng mất 10, 15 năm. Giải thích tại sao còn tồn tại tình trạng này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ ra các nguyên nhân: Thứ nhất, chúng ta không chủ động được quỹ đất sạch nên việc tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp chưa được nhanh. Thứ hai, liên quan đến quá trình giải phóng mặt bằng, trên thực tế phương pháp xác định giá đất để đền bù thường thấp hơn rất nhiều so với giá đất thị trường, do đó khiếu kiện về giá đất đai, quyền lợi của người dân chiếm khoảng 70% các khiếu kiện. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng các thủ tục hành chính cũng là một nguyên nhân gây nên sự chậm chễ này.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định, hiện nay chúng ta chưa phối hợp đồng bộ khâu kiểm kê, trao đổi để thống nhất về giá, giải phóng mặt bằng cho đến khâu tái định cư; nhiều dự án khu chuẩn bị tái định cư chưa chuẩn bị tốt về hạ tầng đúng như chủ trương, chính sách. Đây là những bất cập dẫn đến vấn đề phát sinh các khiếu kiện cũng như làm quá trình giải phóng mặt bằng của chúng ta chậm lại. Về biện pháp trong thời gian sắp tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, sẽ phải xem lại phương pháp để định giá đất đai cho phù hợp và đúng với cơ chế thị trường; phát triển quỹ đất để chuẩn bị trước đất sạch; chuẩn bị trước cơ sở hạ tầng, đáp ứng được yêu cầu người dân, có sự trao đổi một cách dân chủ, minh bạch với người dân để khi người dân thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để đạt được sự đồng thuận.

Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng đặt câu hỏi

Rà soát lại quỹ đất, thực trạng sử dụng đất

Cho rằng  việc quản lý sử dụng đất đai hiện nay còn nhiều hạn chế, đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng - Bình Phước đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và sẽ làm gì để góp phần khắc phục những hành vi vi phạm quản lý đất trong thời gian qua như chậm đưa đất vào sản xuất, sử đụng đất sai mục đích để đất bị lấn chiếm, thất thoát lãng phí?

Trả lời vấn đề đại biểu đặt ra về quản lý đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận vấn đề về quản lý đất đai hiện nay còn nhiều yếu kém, nhất là việc quản lý theo quy hoạch hoặc đất công giao cho các đối tượng, như đất chưa sử dụng hoặc đất giao cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, đất giao cho các phường, xã, đất đai giao cho các doanh nghiệp nhà nước. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết thêm, trước đây khâu quản lý sử dụng hiệu quả đối với loại hình này rất được ưu tiên, nhưng hiện nay quá trình quản lý chúng ta cũng chưa làm một cách hết sức quyết liệt nên chưa đánh giá được toàn bộ nguồn lực này. Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng cần tăng cường biện pháp quản lý, cơ quan quản lý nhà nước về đất đai; Trung ương và địa phương cần sớm xem xét, rà soát lại quỹ đất, sử dụng đất, các quy định hiện hành đối với các đối tượng đã nêu; xác định các tiêu chí, năng lực của các nhà đầu tư, đảm bảo các tiến độ đầu tư hoặc các cơ chế, tài chính đất đai để đảm bảo nhà đầu tư phải thực hiện.

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Nguyệt đưa ra vấn đề

 Quản lý sử dụng đất đai ở các doanh nghiệp nhà nước còn buông lỏng, tùy tiện

Quan tâm về vấn đề thất thoát đất đai trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Nguyệt - Hưng Yên chỉ ra rằng, theo Báo cáo của Kiểm toán nhà nước có việc thất thoát trong  một số dự án đổi đất lấy hạ tầng, chuyển quyền sử dụng đất đai đối với các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa. Đaị biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm và giải pháp của Bộ để giải quyết vấn đề này như thế nào?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề quản lý sử dụng đất đai ở các doanh nghiệp buông lỏng, tùy tiện, do đó việc thất thoát cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là vẫn còn tồn tại. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chỉ rõ, khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chúng ta phải làm tốt khâu thẩm định. Do đó trách nhiệm của Ban tư vấn và Hội đồng thẩm định làm sao đảm bảo được mức giá đó thực sự là giá thị trường. Bên cạnh đó, vấn đề các quỹ đất đất cần phải được rà soát đánh giá, nếu đất không sử dụng, không có nhu cầu phù hợp thì nên thu; đất có thể đáp ứng thị trường và phù hợp với quy hoạch về sử dụng đất đai, quy hoạch về xây dựng, trong trường hợp này thì đưa vào quỹ đất để phục vụ lợi ích công cộng, phát triển thương mại, thu nguồn lực lại cho nhà nước. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, vấn đề vấn đề quản lý sử dụng đất đai trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được quy định tại Nghị định 126/2017/NĐ-CP và Nghị định 01/2017/NĐ-CP. Áp dụng đúng hai Nghị định này là chúng ta đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra./.

Hồ Hương