Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn
Chính sách tiền tệ và tài khóa được thực hiện tốt
Đặt ra câu hỏi chất vấn đối với Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng - Quảng Trị chỉ ra rằng, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề dòng vốn vào mạnh, chứ chưa phải dòng ra. Theo đó Ngân hàng Nhà nước đã và đang phải can thiệp, mua ngoại tệ và chịu sức ép rất cao trong việc trung hòa tiền tệ nhằm tránh nguy cơ tạo áp lực lạm phát sau một độ trễ nhất định. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết, với vai trò quản lý và điều phối các chính sách kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ vấn đề trên như thế nào?
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng đặt câu hỏi chất vấn
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng vấn đề đại biểu đưa ra là sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, trong mấy năm gần đây nhờ sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, kinh tế vĩ mô của chúng ta cơ bản ổn định; chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa được thực hiện tốt, đồng thời có sự phối hợp rất nhịp nhàng giữa hai chính sách này.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, theo nguyên tắc, Kho bạc nhà nước có quyền gửi tiền ở Ngân hàng thương mại, nếu tại địa điểm đó không có Chi nhánh Ngân hàng nhà nước. Cũng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, với vai trò quản lý và điều phối của Chính phủ, hiện tại số dư tài khoản của ngân sách và kho bạc trên hệ thống Ngân hàng nhà nước đến nay đã tăng lên 90 tỷ và gần đây nhất đã tăng lên được 150 nghìn tỷ có lẻ. Điều này khẳng định chúng ta có thể đảm bảo cho thị trường tiền tệ và tài khóa lành mạnh, tránh được lạm phát.
Đại biểu Quốc hội Giàng Thị Bình chất vấn Phó Thủ tướng
Coi củng cố nền tảng vững chắc của kinh tế vĩ mô là vấn đề số 1
Chất vấn Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, đại biểu Quốc hội Giàng Thị Bình - Lào Cai phân tích, nước ta là một nước nước áp dụng chế độ bảo hộ mậu dịch, quy mô nền kinh tế nước ta còn nhỏ nhưng mức độ mở cửa lại lớn, cuối năm 2017 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 193% GDP. Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết trách nhiệm của Chính phủ như thế nào để bảo đảm phát triển bền vững trong điều kiện kinh tế như trên?
Trả lời vấn đề mà đại biểu Giàng Thị Bình quan tâm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay ở nhiều nước độ mở kinh tế của họ lớn nhưng quy mô nên kinh tế của họ cũng rất lớn. Còn ở Việt Nam, độ mở kinh tế cuối năm 2017 đã đến 193% GDP, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 425 tỷ đôla, GDP có 225 tỷ. Theo Phó Thủ tướng đánh giá, trong một thế giới đang có biến động về địa chính trị và kinh tế rất khó lường, thì bất cứ một tác động nào dù là nhỏ nhất thế giới và khu vực đều tác động trực tiếp đến nước ta.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng cho biết, nhận định được tình hình trên, Chính phủ đã đưa ra quan điểm chỉ đạo coi củng cố nền tảng vững chắc của kinh tế vĩ mô và gia tăng khả năng chống chịu của hệ thống tài chính và ngân hàng là vấn đề số 1 vì nó có tác động đầu tiên đến chứng khoán, đến tỷ giá và thanh khoản của hệ thống ngân hàng; đồng thời chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Ủy ban Tài chính và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đang xây dựng đề án đánh giá những rủi ro và giải pháp để đảm bảo phát triển bền vững không chỉ cho năm 2018 mà cho đến năm 2020.
Đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà đưa ra quan điểm
Có thể kiểm soát được lạm phát trong mức giới hạn an toàn 3,72% đến 3,94%
Quan tâm đến chỉ số CPI của nền kinh tế, đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà - Lào Cai chỉ ra rằng, năm 2017 chỉ số CPI có xu hướng thấp dần về cuối năm nhưng đến năm 2018 thì bình quân 5 tháng CPI đã tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước. Trước sức ép giá dầu thô thế giới diễn biến phức tạp với chiều hướng dự báo có thể vượt 70USD/thùng, cộng với việc tăng giá các dịch vụ y tế, giá thực phẩm, xăng dầu, giá điện và tăng thêm 6,5% lương tối thiểu vùng từ 1/1/2018, cử tri rất lo lắng khả năng nguy cơ lạm phát tăng cao trong những tháng cuối năm 2018. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã khẳng định quyết tâm của mình là sẽ duy trì chỉ số CPI trong ngưỡng 4%. Trên cơ sở lập luận trên, đại biểu đặt ra câu hỏi theo Phó Thủ tướng, khẳng định trên là có khả thi hay không? Ngoài giải pháp sử dụng quỹ bình ổn giá thì Chính phủ sẽ có những giải pháp hữu hiệu gì để kiểm soát chỉ số giá trong bối cảnh hiện nay để cử tri thực sự yên tâm?
Trả lời mối quan tâm của đại biểu Quốc hội về việc kiểm soát chỉ số CPI, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trong tháng 5 CPI tăng 0,55%, đây là mức tăng cao nhất của tháng 5 trong 6 năm liên tiếp. Lý giải nguyên nhân của mức tăng này, Phó Thủ tướng chỉ ra 2 nguyên nhân chính tích hợp cùng thời điểm: giá dầu thế giới thành phẩm thị trường Singapore lên đến 88 đô la Mỹ/1 thùng, tăng 25 đến 30%, trong khi đó giá thịt lợn hơi từ khoảng 40.000đ đến 50.000đ xuống đến 20.000đ. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ, riêng nhóm thịt lợn hơi và thực phẩm đã làm cho CPI tăng lên khoảng 0,25%, và việc phải điều chỉnh giá xăng dầu theo giá thế giới 2 lần tăng 0,16%, do đó tính tổng 2 nhóm này thì mức tăng đã là 0,4%.
Về giải pháp để đảm bảo kiểm soát CPI, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết, hiện Chính phủ đang chỉ đạo sử dụng quỹ bình ổn giá để điều tiết bớt phần xăng dầu; đồng thời chỉ đạo tính toán lại lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công. Cụ thể, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo trước Quốc hội và cử tri cả nước việc không tăng giá điện trong năm nay; chỉ đạo sửa đổi Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BYT-BTC để giảm khoảng 80 loại dịch vụ y tế; tăng cường đấu thầu, đấu giá về thuốc để giảm được giá thuốc…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định, với việc kết hợp nhiều giải pháp, Chính phủ tin rằng có thể kiểm soát được lạm phát trong mức giới hạn an toàn mà Quốc hội đã cho phép là 3,72% đến 3,94%, nếu không có gì đột xuất xảy ra./.