BỘ TRƯỞNG BỘ GD&ĐT PHÙNG XUÂN NHẠ: KIÊN QUYẾT NGĂN CHẶN BỆNH THÀNH TÍCH

03/07/2018

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, nhiều ĐBQH đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ giải trình rõ nguyên nhân và trách nhiệm của ngành về bệnh thành tích trong giáo dục.

Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Phùng Xuân Nhạ tại phiên chất vấn

Số lượng học sinh giỏi quá nhiều

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Thủy – tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay giấy khen ở các nhà trường, cơ sở giáo dục đang dần mất giá trị, bởi điểm số được cho quá dễ dàng, kéo theo đó là số lượng học sinh khá, giỏi quá nhiều. Đại biểu cho biết, qua khảo sát, tỉ lệ học sinh khá giỏi ở một số trường trung học phổ thông miền núi trong năm học 2017 - 2018 có tới khoảng 55 đến 60%, tỉ lệ này ở lớp 12 còn cao hơn nhiều, khoảng 65 - 70%. Đại biểu cho rằng, đây là một biểu hiện rõ nhất của bệnh thành tích trong giáo dục.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Thủy – tỉnh Thanh Hóa chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Thủy đề nghị Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết nguyên nhân gốc rễ của căn bệnh này và giải pháp cụ thể để khắc phục dứt điểm trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục một cách hiệu quả và thực chất?

Kiên quyết ngăn chặn bệnh thành tích

Trả lời chất vấn của đại biểu về bệnh thành tích trong giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu rõ: bệnh thành tích không phải mới bây giờ mà đã có từ lâu rồi. Ngành giáo dục cũng đang rất cố gắng nói không với bệnh thành tích. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây là vấn đề không chỉ dừng lại ở quy định mà còn phụ thuộc vào những yếu tố về văn hóa và thói quen.  

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD & ĐT đang rất tích cực để làm sao có thể hạn chế được vấn đề này. Bộ GD & ĐT cũng đã có văn bản hướng dẫn các Sở không tính các điểm vào trong thi đua. Đặc biệt, Bộ GD & ĐT đã đưa vấn đề này vào Luật Giáo dục nhằm đảm bảo kết quả phải phản ánh thực chất.

Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, thời gian tới, những thầy, cô nào thực hiện tốt đổi mới, sáng tạo, có sản phẩm đích thực thì cơ sở, Sở, Bộ mới ghi nhận biểu dương. Bên cạnh đó, thực hiện hạn chế đăng ký thi đua, bởi chính đăng ký thi đua mới là gốc gác của những thành tích ảo.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, bệnh thành tích hiện nay mặc dù có dấu hiệu giảm nhưng vẫn còn đang phổ biến. Bộ trưởng cho biết, sắp tới, Bộ GD & ĐT sẽ làm kiên quyết để khắc phục tình trạng này. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất rõ, thi đua phải thiết thực và ngành giáo dục phải đi tiên phong. Bởi vậy, Bộ GD & ĐT rất ý thức điều này và đang chỉ đạo quyết liệt để thực hiện.

Dần khắc phục được tình trạng chạy theo bảng điểm

Cũng quan tâm đến bệnh thành tích trong giáo dục, đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng – tỉnh Quảng Trị khẳng định của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về việc đăng kí thi đua của các thầy cô giáo gây nên bệnh thành tích là không thỏa đáng. Bởi nói như vậy sẽ mâu thuẫn với các quy định về tổ chức thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng.

 Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng – tỉnh Quảng Trị tranh luận với Bộ trưởng

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, việc đăng ký thi đua của các thầy cô giáo là cần thiết, bởi qua đó, các thầy cô giáo công khai mục tiêu phấn đấu của mình, cũng để cho Hội đồng thi đua của các nhà trường biết, quan tâm, tạo điều kiện và đồng thời giám sát quá trình thực hiện danh hiệu thi đua của các thầy cô giáo. Đại biểu cho rằng, đây chính là cơ sở để xem xét, đánh giá danh hiệu thi đua. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng xem lại và giải trình nguyên căn của bệnh thành tích cho hợp lý, chứ không thể đổi lỗi cho vấn đề đăng ký thi đua được?

Các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Phùng Xuân Nhạ  thừa nhận, đăng ký thi đua là tốt và trong ngành giáo dục có thi đua dạy tốt, học tốt. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, thi đua mà không thực chất mới là không tốt, nó sẽ khiến các thầy cô bị áp lực trong vấn đề thi đua.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, căn cốt của vấn đề thi đua có nhiều, trong đó có việc chạy theo bảng điểm, thành tích; phụ huỵnh muốn cho con cái được bảng điểm tốt để các cháu vào được lớp chuyên, trường chọn. Vấn đề này, Bộ GD & ĐT chỉ đạo rất nghiêm túc và đã dần dần khắc phục được.

Thu Phương

Các bài viết khác