ĐBQH TRẦN HỒNG HÀ – VĨNH PHÚC: ĐỀ NGHỊ KHÔNG QUY ĐỊNH CỤC ĐẶC BIỆT THUỘC BỘ CÔNG AN

15/06/2018

Sáng 14/6, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Trần Hồng Hà - Vĩnh Phúc đề nghị không quy định Cục đặc biệt trong cơ cấu, tổ chức của Bộ Công an trong dự thảo luật.

Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Hà - Vĩnh Phúc phát biểu tại Hội trường

Đại biểu tham gia một số ý kiến về dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) như sau:

Thứ nhất, về giám sát hoạt động của công an nhân dân, khoản 1 Điều 10 của dự thảo luật quy định: "Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện giám sát hoạt động của công an nhân dân”. Nhưng tại khoản 6 Điều 2 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định: giám sát của Hội đồng nhân dân bao gồm giám sát của Hội đồng nhân dân tại kỳ họp, giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân, tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân. Như vậy, quy định của dự thảo luật còn thiếu chủ thể giám sát là Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân, tổ đại biểu Hội đồng nhân dân. Đề nghị bổ sung chủ thể giám sát cho đầy đủ theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Thứ hai, về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp đối với hoạt động bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng công an nhân dân. Đại biểu nhận thấy nhiều quy định tại Điều 14 của dự thảo luật được xây dựng trên cơ sở thu hút các quy định từ nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, luật ban hành quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, cách làm này còn chưa phù hợp. Việc quy định lại có khi không đúng, không chính xác như quy định của luật đã ban hành.

Cụ thể, điểm a khoản 1 dự thảo luật quy định trách nhiệm của Hội đồng nhân dân các cấp là quyết định chủ trương, phương hướng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân về thi hành Hiến pháp và pháp luật nói chung cũng như về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội nói riêng đều quy định Hội đồng nhân dân các cấp có nhiệm vụ quyết định biện pháp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật. Cụ thể được thể hiện tại các Điều 19, 26, 33 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Quyết định biện pháp thực hiện khác với quyết định chủ trương, phương hướng. Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm quyết định biện pháp thực hiện là đúng thì đó là việc Hội đồng nhân dân các cấp phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, chỉ có thể đưa ra biện pháp để thực hiện quy định của Hiếp pháp và pháp luật mà không thể đưa ra chủ trương, phương hướng của riêng địa phương mình. Điểm d khoản 1 dự thảo luật quy định Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm quyết định dự toán ngân sách an ninh, đáp ứng yêu cầu an ninh trật tự, an toàn xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, theo quy định tại các Điều 19, 26, 33 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 đã quy định khá đầy đủ về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp đối với ngân sách địa phương. Dự thảo luật quy định Hội đồng nhân dân các cấp quyết định dự toán ngân sách phải đáp ứng yêu cầu về an ninh, trật tư, an toàn xã hội của địa phương thì không rõ như thế nào là đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, sẽ không đảm bảo tính minh bạch trong quá trình thực hiện.

Để đảm bảo sự thuận lợi trong quá trình áp dụng luật, đại biểu đề nghị trong dự thảo luật này chỉ quy định về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân mà các luật khác chưa có quy định. Còn những quy định đã có trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản pháp luật khác thì không nên quy định lại, nếu vẫn tiếp tục quy định như quy định của dự thảo luật, đại biểu đề nghị sửa lại các quy định về trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trong dự thảo luật cho thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản pháp luật khác.

Thứ ba, về cơ cấu phân loại lực lượng trong công an nhân dân tại Điều 21, qua nghiên cứu tôi đề nghị cân nhắc giữ nguyên quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Công an nhân dân hiện hành, theo đó phân loại theo lực lượng trong công an nhân dân, có lực lượng an ninh nhân dân và lực lượng cảnh sát nhân dân. Quy định này đã tồn tại và thực hiện ổn định từ khi thành lập công an nhân dân. Lực lượng an ninh nhân dân và lực lượng cảnh sát nhân dân có chức năng, nhiệm vụ riêng biệt trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Việc quy định của Luật Công an nhân dân hiện hành sẽ đảm bảo phù hợp và thống nhất với các quy định của các văn bản pháp luật có liên quan.

Việc không phân loại sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân theo lực lượng an ninh nhân dân và lực lượng cảnh sát nhân dân với lý do cơ cấu giữa lực lượng chiến đấu với lực lượng bảo đảm ở một số nơi chưa hợp lý của tờ trình và báo cáo thẩm tra là không phù hợp với tính chất, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng an ninh nhân dân và cảnh sát nhân dân. Hơn nữa, nếu không phân loại lực lượng thì công an nhân dân sẽ sử dụng trang phục nào, trang phục của lực lượng an ninh nhân dân hay trang phục của lực lượng cảnh sát nhân dân theo quy định hiện hành hay sử dụng trang phục khác. Điều này sẽ làm phát sinh kinh phí, gây lãng phí khi trang bị trang phục cho cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân.

Thứ tư, về công an xã, thị trấn trong hệ thống tổ chức của công an nhân dân, đại biểu nhất trí với quy định của dự thảo luật về công an xã, thị trấn chính quy với vị trí là lực lượng công an cấp cơ sở thực hiện nhiệm vụ nắm tình hình, tiếp nhận, giải quyết ban đầu tại chỗ các vấn đề về an ninh trật tự của cơ sở, trực tiếp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, hướng dẫn các tổ chức quần chúng trong công tác an ninh trật tự. Tuy nhiên, dự thảo luật cần thể hiện rõ các quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an xã, mối quan hệ giữa công an xã với cấp ủy, chính quyền địa phương và với lực lượng quân sự cùng cấp. Việc bảo đảm cơ sở vật chất cho lực lượng này cũng như hiệu lực của Pháp lệnh Công an xã, sau khi Luật Công an nhân dân (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.

Thứ năm, về quy định Cục đặc biệt thuộc Bộ Công an. Tại khoản 1 Điều 19 của dự thảo luật quy định: "Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an và quy định Cục đặc biệt thuộc Bộ Công an". Khoản 2 Điều 27 của dự thảo luật quy định Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an, Cục trưởng Cục đặc biệt và tại điểm c khoản 1 Điều 26 của dự thảo luật thì Cục trưởng Cục đặc biệt có trần quân hàm trung tướng. Đại biểu đề nghị không quy định Cục đặc biệt trong cơ cấu, tổ chức của Bộ Công an trong dự thảo luật. Vì theo quy định tại Điều 16 của dự thảo luật về chức năng của công an nhân dân và Điều 17 của dự thảo luật quy định 20 nhiệm vụ của công an nhân dân thì Bộ Công an nói chung và các đơn vị thuộc Bộ Công an nói riêng có chức năng, nhiệm vụ rất đặc biệt là bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đấu tranh, phòng chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch để bảo vệ chế độ.

Nếu tổ chức Cục đặc biệt thuộc Bộ Công an và thẩm quyền bổ nhiệm Cục trưởng Cục đặc biệt như quy định của dự thảo luật sẽ dẫn đến tình trạng cùng là đơn vị cấp cục nhưng có cục trưởng do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, có cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm.

Vân Ngọc

Các bài viết khác