Tham dự Phiên họp còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Nguyễn Thị Thanh; cùng đại diện lãnh đạo Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:
Quang cảnh Phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo Tiểu ban số 2 xây dựng chuyên đề “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Các đại biểu tham dự Phiên họp.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động, trách nhiệm của Thường trực Tiểu ban số 2, các thành viên của Tiểu ban, các thành viên Tổ Biên tập, dù trong thời gian ngắn nhưng đã hoàn thiện dự thảo Đề cương chuyên đề, tổ chức xin ý kiến các chuyên gia, các lãnh đạo Quốc hội, Văn phòng Quốc hội qua các thời kỳ để hoàn thiện Dự thảo chuyên đề; đã tổ chức họp bàn, xin ý kiến một cách bài bản, đến nay cơ bản đảm bảo tiến độ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị những vấn đề về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội cần phải thảo luận kỹ lưỡng để đề xuất cho Đảng đoàn Quốc hội, Ban Chỉ đạo Trung ương nhằm thực hiện mục tiêu phát triển của Quốc hội. Đồng thời đề nghị các đại biểu cho ý kiến toàn diện các nội dung của Chuyên đề, trong đó tập trung chủ yếu vào nhóm các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội và kiến nghị, đề xuất, tổ chức thực hiện.
Gợi mở nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, các đại biểu có thể nêu những vấn đề còn có những ý kiến khác nhau (của Tổ biên tập và của các nhà quản lý, nhà khoa học, người có kinh nghiệm công tác lâu năm tại Quốc hội). Điều quan trọng là nêu thực trạng thế nào? Đề xuất được những gì? Xem xét tính thống nhất, phù hợp với 3 chuyên đề kia hay chưa?... Tinh thần là những vấn đề rõ, chắc thì mới đề xuất, đã đề xuất phải có căn cứ, lý lẽ thuyết phục, chặt chẽ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tin tưởng, với trí tuệ, kinh nghiệm, tâm huyết, trách nhiệm, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến để Chuyên đề bảo đảm chất lượng.
Tại Phiên họp, thay mặt Thường trực Tiểu ban số 2, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh báo cáo về xây dựng Dự thảo chuyên đề “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, sau phiên họp thứ nhất của Tiểu ban, Thường trực Tiểu ban đã hoàn thiện dự thảo đề cương chuyên đề số 11 và gửi xin ý kiến Ban Chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội vào ngày 12/09/2021 theo đúng quy định về thời gian. Thường trực Tiểu ban đã tiếp thu ý kiến của Ban Chỉ đạo và trình đồng chí Trưởng Tiểu ban thông qua Đề cương.
Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về những nội dung cơ bản của Chuyên đề, đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo từng giai đoạn; vấn đề đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045; cho ý kiến về phương hướng, mục tiêu và giải pháp mà Dự thảo chuyên đề nêu ra.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đóng góp ý kiến tại Phiên họp.
Phát biểu kết luận nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, với tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương, hiệu quả, hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao công tác chuẩn bị của cơ quan thường trực. Trong thời gian rất ngắn, Thường trực Tiểu ban số 2 đã xây dựng đề cương chuyên đề, dự thảo chuyên đề, tổ chức hội thảo, tọa đàm và gửi xin ý kiến các thành viên Tiểu ban, ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban.
Cho rằng các ý kiến phát biểu khá sâu sắc, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng, bổ sung nhiều nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Tổ biên tập cũng như các thành viên Tiểu ban nghiên cứu, tiếp thu.