Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận về việc ban hành cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với tổ chức thuế, tổ chức hải quan giai đoạn 2016-2020

10/12/2015

Sáng 10/12, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ về việc ban hành cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với tổ chức thuế, tổ chức hải quan giai đoạn 2016- 2020.

Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Phiên họp                                             Ảnh: Đình Nam

Trình bày tờ trình của Chính phủ về việc ban hành cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với tổ chức thuế, tổ chức hải quan giai đoạn 2016- 2020, Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thực hiện Cơ chế quản lý tài chính và biên chế giai đoạn 2011- 2015, Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tổ chức thực hiện bám sát các mục tiêu, yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Qua 5 năm thực hiện Chính phủ đã tổng kết đánh giá lại cơ chế chính sách, xác định rõ những việc đã làm được, những khó khăn hạn chế. Mặc dù giai đoạn 2011-2015 là giai đoạn rất khó khăn trong công tác thu ngân sách nhà nước, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và sự nỗ lực của cán bộ, công chức, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành vượt chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước được giao, với tổng số thu cả giai đoạn 2011- 2015 ước đạt 4.428.271 tỷ đồng, vượt 6,46% so với nhiệm vụ Nhà nước giao. Trong đó, tổng thu nội địa ước đạt 3.267.615 tỷ đồng, vượt 234.416 tỷ đồng, tăng 7,72% so với dự toán pháp lệnh và tăng 2,03 lần so với giai đoạn 2005-2010; Thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 1.160.656 tỷ đồng, vượt 34.556 tỷ đồng, tăng 3,06% so với dự toán pháp lệnh và tăng 1,78 lần so với giai đoạn 2005-2010.

Ủy ban Tài chính ngân sách cơ bản thống nhất với báo cáo đánh giá của Chính phủ về kết quả đạt được trong thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan giai đoạn 2011- 2015 và cho rằng, việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã góp phần trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao hiệu quả quản lý và chủ động trong sử dụng nguồn kinh phí; công tác quản lý thuế ngày càng đi vào chiều sâu, tính chuyên môn hóa cao đã góp phần giảm chi phí cho công tác quản lý hành thu, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Thực hiện tốt chủ trương tinh giản biên chế, nâng cao thu nhập cho cán bộ ngành thuế, hải quan.

Theo Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, cơ chế quản lý về biên chế giai đoạn 2016- 2020, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan được xác định trong phạm vi tổng số biên chế Nhà nước giao cho Bộ Tài chính, cụ thể: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tiếp tục duy trì biên chế từ năm 2016 trở đi theo chỉ tiêu biên chế được Bộ Tài chính giao đến tháng 3/2015: Tổng cục Thuế 43.438 biên chế, gồm: 43.323 công chức và 115 viên chức; Tổng cục Hải quan 10.949 biên chế, gồm: 10.667 công chức và 282 viên chức.

Về cơ chế quản lý tài chính, Chính phủ đề xuất dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổng cục Thuế, bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, hiện đại hóa ngành được ổn định là 1,8% trên dự toán thu ngân sách nhà nước hàng năm do Quốc hội, Chính phủ giao Tổng cục Thuế thực hiện; Dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổng cục Hải quan bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, hiện đại hóa ngành được ổn định là 2,1% trên dự toán thu ngân sách nhà nước..

Về quản lý, sử dụng kinh phí, Chính phủ đề nghị tiếp tục thực hiện theo cơ cấu chi đã được phê duyệt và triển khai trong giai đoạn 2011-2015, cụ thể: Chi đầu tư phát triển tối thiểu 35% (gồm: chi đầu tư xây dựng tối thiểu 10%, chi hiện đại hóa trang thiết bị tối thiểu 25%) và chi thường xuyên tối đa 65% trên tổng dự toán được giao.

Ngoài ra, về tiêu chuẩn, chế độ chi, mức chi: Thực hiện theo tiêu chuẩn, chế độ, mức chi do Nhà nước quy định. Riêng về mức chi tiền lương, tiền công đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bình quân toàn Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan áp dụng không vượt quá 1,8 lần và chi bổ sung thu nhập từ kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên không vượt quá 0,2 lần so với mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định, không bao gồm phụ cấp công vụ, phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo thẩm tra

Theo báo cáo thẩm tra về việc ban hành cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với tổ chức thuế, tổ chức hải quan giai đoạn 2016- 2020, do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày, trên cơ sở kết quả rà soát, cắt giảm các khoản chi nêu trên, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị: Kinh phí đảm bảo hoạt động cho Tổng cục thuế là 1,7% trên dự toán thu Ngân sách nhà nước hàng năm do Quốc hội, Chính phủ giao cho tổng cục thuế thực hiện trên cơ sở xác định tổng số thu trong giai đoạn 2016- 2020 của ngành thuế là 4.610,560 nghìn tỷ đồng; Kinh phí đảm bảo hoạt động cho Tổng cục Hải quan là 2% trên dự toán thu Ngân sách nhà nước do Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành hải quan thực hiện, trên cơ sở xác định tổng số thu trong giai đoạn 2016-2020 của ngành hải quan là 1.448,400 nghìn tỷ đồng.

Trên cơ sở số thu ngân sách của ngành thuế và hải quan nêu trên, Chính phủ rà soát sắp xếp các khoản chi hợp lý đảm bảo theo tỷ lệ % chi theo từng lĩnh vực như Tờ trình của Chính phủ, theo đó chi đầu tư xây dựng cơ bản tối thiểu 10%, chi mua sắm trang thiết bị hiện đại hóa ngành tối thiếu 25% và chi thường xuyên tối đa 65% tổng số kinh phí được giao cho ngành thuế và hải quan.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân nhất trí với Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, để thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đề nghị trong giai đoạn 2016- 2020 giảm dần biên chế, hạn chế tối đa việc bổ sung biên chế mới và thực hiện rà soát, luân chuyển, sắp xếp lại cán bộ, công chức đảm bảo hợp lý trong từng ngành, trong từng địa phương và giữa các địa phương.

Qua thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu đồng tình với tờ trình của Chính phủ về kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổng cục Thuế được ổn định là 1,8% và Tổng cục Hải quan là 2,1% trên dự toán thu ngân sách nhà nước hàng năm.

Còn một số ý kiến cho rằng việc tổ chức biên chế của hải quan và tổng cục thuế cần phải phụ thuộc vào tình hình,  hiện nay nước ta đang xây dựng nhiều cầu cảng sân bay, cảng biển, cảng sông, cảng biển quốc tế,… cũng như việc thành lập các đơn vị hành chính về thuế mới, số lượng biên chế cần phải đáp ứng được tình hình thực tiễn để đảm bảo được hoạt động chung của ngành.

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị đối với lực lượng thuế và hải quan cần phải nâng cao kiến thức tổ chức, kỹ năng làm việc của các cán bộ công nhân viên chức. Cùng đó là tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, hiện đại hóa ngành thuế và ngành hải quan. Phấn đấu rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp bằng nhóm ASEAN 6 sắp tới và hướng tới ASEAN 4.

An Vy