Tham dự Hội thảo còn có: Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu; Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên; Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và nguyên đại biểu Quốc hội, cùng nhiều nhà khoa học và đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương
Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu phát biểu khai mạc Hội thảo Ảnh: Đình Nam
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: 70 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã trải qua một chặng đường vẻ vang, xây dựng một chỗ đứng vững chắc trong lòng dân, không ngừng lớn mạnh và phát triển, ngày càng khẳng định vững chắc, vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao; cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bên cạnh những đổi mới, cải tiến nhằm tăng số lượng văn bản luật được thông qua tại mỗi kỳ họp, Quốc hội cũng không ngừng nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng công tác lập pháp của mình. Tiếng nói, ý nguyện của cử tri đã được phản ánh ngày càng rõ nét hơn trong các văn bản luật được thông qua tại Quốc hội, thông qua hoạt động tham vấn để không chỉ đưa luật vào cuộc sống mà còn bắt kịp những thay đổi của cuộc sống vào trong văn bản luật.
Hoạt động giám sát không ngừng được tăng cường và đổi mới; nội dung tập trung vào những vấn đề lớn, những vấn đề bức xúc của cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; quy trình, thủ tục, cách thức giám sát có nhiều cải tiến, nhất là hoạt động chất vấn, giám sát theo chuyên đề, lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm.
Kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên cũng là dịp Quốc hội nước ta đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 dự kiến vào ngày 22/5/2016. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức Hội thảo khoa học “Quốc hội Việt Nam: 70 năm hình thành và phát triển” là cơ hội quý để các vị khách quý, các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, đại diện các bộ, ban, ngành hữu quan thảo luận, trao đổi, đánh giá những kết quả đạt được, những đóng góp to lớn của Quốc hội vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhìn nhận thẳng thắng những hạn chế, bất cập cũng như những thách thức đối với hoạt động của Quốc hội trước đòi hỏi ngày càng cao của Nhân dân và trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp 2013, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu mong muốn, từ những bài học kinh nghiệm lịch sử của 70 năm, đề xuất phương hướng, giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong những nhiệm kỳ tiếp theo, để Quốc hội luôn xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu đề dẫn tại Hội thảo
Trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, Hội thảo khoa học về 70 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam là hết sức có ý nghĩa, thể hiện sự nhận thức một cách sâu sắc về sự kết nối chặt chẽ giữa việc kế thừa những bài học lịch sử với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong tương lai.
Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, nhìn lại lịch sử là để hướng tới tương lai. Trong thời gian tới đây, cùng với nhân dân cả nước, Quốc hội nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn tiếp tục đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế một cách sâu rộng. Trong bối cảnh đó, Quốc hội cần phải tiếp tục đổi mới để bảo đảm thực thi có hiệu quả Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để đáp ứng những đòi hỏi của việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đưa đất nước ta trở thành một nước công nghiệp, hiện đại.
Trong dịp Hội thảo quan trọng này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc mong muốn, các thành viên tham gia Hội thảo có những phân tích, trao đổi một cách thẳng thắn và sâu sắc để nhìn lại chặng đường lịch sử trong 70 năm vừa qua của Quốc hội Việt Nam. Qua đó chỉ ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục kế thừa, phát huy trong công cuộc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong thời gian sắp tới.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 10 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học và các ý kiến phát biểu thảo luận.
Thảo luận về chủ đề nhìn lại 70 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam, các đại biểu Dương Trung Quốc, GS.TS Trần Ngọc Đường, PGS.TS Bùi Xuân Đức, GS.TS Lê Minh Thông, TS. Trần Du Lịch đã có những bài tham luận tiêu biểu, xuất sắc, đưa đến cái nhìn toàn diện về quá trình phát triển và những thành tựu của Quốc hội từ năm 1946 đến nay và việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam đảm bảo theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Thảo luận về chủ đề Phát huy vai trò của Quốc hội trong quá trình đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ngô Anh Dũng đã có bài tham luận về Ngoại giao nghị viện và việc thực hiện đường lối đối ngoại của đất nước. Nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu; Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão đã nhìn lại những đổi mới và hoàn thiện bộ máy giúp việc của Quốc hội trong bối cảnh mới.
Qua thảo luận, các đại biểu đã tập trung làm rõ 5 nhóm vấn đề: ý nghĩa lịch sử của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Khóa I; những thành tựu mà Quốc hội đã đạt được trong 70 năm đồng hành cùng dân tộc; những bài học thành công; một số tồn tại, hạn chế; những thách thức trong bối cảnh mới.
Các đại biểu cũng tập trung đưa ra các giải pháp để tăng cường vai trò đại diện của Quốc hội; tiếp tục đổi mới việc thực hiện chức năng lập pháp của Quốc hội, nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện quy trình, thủ tục hoạt động của Quốc hội.
Các đại biểu tham dự Hội thảo "Quốc hội Việt Nam: 70 năm hình thành và phát triển"
Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, sau một ngày làm việc hiệu quả, nghiêm túc, Hội thảo đã khẳng định, sự ra đời của Quốc hội với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào năm 1946 là một sự đấu tranh cách mạng của nhân dân, là hiện thân của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, của dân, do dân và vì dân. Với 17 ý kiến phát biểu, các đại biểu đã đánh giá cao các hoạt động của Quốc hội trong suốt 70 năm qua, đặc biệt là việc cho ra đời 5 bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và mới nhất là Hiến pháp 2013 nhằm khẳng định địa vị chính trị pháp lý quan trọng, góp phần bảo vệ, xây dựng đất nước qua từng giai đoạn.
Để hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới tiếp tục đạt được hiệu quả cao, các đại biểu cũng đề nghị công tác xây dựng pháp luật cần khắc phục tình trạng chồng chéo và phải sát với cuộc sống; công tác giám sát tối cao phải thực hiện hiệu quả trên cả bề rộng và chiều sâu, giám sát theo chuyên đề, bức xúc mà cử tri quan tâm. Trong hoạt động nghị trường, Quốc hội cần tiếp tục thực hiện theo tinh thần dân chủ, minh bạch, công khai bằng việc tăng cường thông tin truyền thông để nhân dân, cử tri dễ dàng theo dõi…
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, các đại biểu tham dự Hội thảo mong muốn, với lịch sử trong suốt 70 năm qua, Quốc hội cần tiếp tục vận dụng các bài học kinh nghiệm để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng được nguyện vọng mong mỏi của nhân dân, cử tri cả nước; xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nhà nước ta.