Cơ chế giám sát thực hiện quyền trẻ em hiệu quả- kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam

07/12/2015

Ngày 7/12, tại Bắc Giang, Viện nghiên cứu lập pháp phối hợp cùng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF tổ chức Hội thảo Cơ chế giám sát thực hiện quyền trẻ em hiệu quả- Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì hội thảo.

Hội thảo còn có sự tham dự của: Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh; Phó viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Hoàng Văn Tú; Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Thân Văn Khoa; Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam Youssouf Abdel-Jelil; Phó chủ nhiệm Ủy ban của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em Yasmeen Shariff cùng các đại biểu Quốc hội, đại diện các bộ, ngành và các chuyên gia quốc tế về quyền trẻ em và bảo vệ quyền trẻ em.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Hội thảo                                                     Ảnh: Bảo Yến

Phát biểu tại Hội thảo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết bảo vệ trẻ em hiện nay không chỉ còn là vấn đề riêng của mỗi quốc gia mà đã trở thành mối quan tâm chung của toàn nhân loại. Vấn đề này đã được Liên Hợp Quốc công nhận là một trong những Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và điều đó đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế dành cho trẻ em. Bởi vì trẻ em là tương lai của mỗi quốc gia, dân tộc và của toàn nhân loại.

Quốc hội Việt Nam, với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đã ban hành Hiến pháp mới và nhiều đạo luật quan trọng, xác định Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền của trẻ em. Cùng với đó, quyền trẻ em và các vấn đề liên quan đến trẻ em được quan tâm lồng ghép trong quá trình xây dựng pháp luật. Công tác giám sát của Quốc hội, của các cơ quan dân cử ở địa phương trong việc thực hiện pháp luật về quyền trẻ em ngày càng được quan tâm, chú trọng.

Phó chủ tịch Uông Chu Lưu khẳng định, là quốc gia đang phát triển, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam nhận thức rằng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để trẻ em Việt Nam có được thêm cơ hội thụ hưởng các quyền chính đáng và vốn có của mình một cách bình đẳng; được chăm sóc, bảo vệ toàn diện về thể chất và tinh thần. Phó chủ tịch Quốc hội mong muốn, nhận được sự hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực xây dựng chính sách, giám sát của các cơ quan dân cử, nghiên cứu cơ chế đối thoại với Quốc hội về các vấn đề trẻ em, nâng cao nhận thức về quyền trẻ em, hỗ trợ việc xây dựng pháp luật phù hợp với Công ước quyền trẻ em. 

Đánh giá cao sáng kiến của UNICEF trong việc phối hợp với các cơ quan của Quốc hội Việt Nam tổ chức Hội thảo, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, đây là cơ hội tốt để Việt Nam có thể nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm về các nội dung liên quan đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, mà cụ thể là về cơ quan giám sát thực hiện quyền trẻ em. Qua Hội thảo này sẽ rút ra được bài học kinh nghiệm hữu ích, góp phần xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến quyền của trẻ em, tìm ra cơ chế giám sát hiệu quả việc thực thi, bảo vệ quyền của trẻ em. Đồng thời, các đại biểu Việt Nam cũng sẽ chia sẻ kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn lập pháp và thi hành pháp luật của Việt Nam để chúng ta cùng trao đổi.

Cho biết, Việt nam là nước tiên phong về quyền trẻ em, là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế quyền trẻ em, Đại diện UNICEF tại Việt Nam Youssouf Abdel-Jelil nhận định, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện pháp luật phù hợp với Công ước Quốc tế về quyền trẻ em. Nguyên tắc về quyền trẻ em đã được đưa vào Hiến pháp 2013 và theo đó rất nhiều chính sách và chương trình được thực hiện. Điều này đã tạo động lực cho Việt Nam cải cách luật phù hợp với các quy chuẩn và tiêu chuẩn quốc tế và hơn hết là tái khẳng định cam kết trong việc thực hiện quyền trẻ em.

Tuy nhiên, Việt Nam chưa có một cơ chế giám sát quyền trẻ em độc lập- đây là cam kết mà các quốc gia phê chuẩn công ước quyền trẻ em cần thực hiện nhằm bảo đảm việc thực hiện và công nhận quyền trẻ em rộng khắp. Do đặc điểm dễ tổn thương của trẻ nhỏ hơn so với người lớn và cần bảo vệ các em khỏi bạo lực, bóc lột, phân biệt đối xử và xao nhãng, một cơ quan chuyên trách về trẻ em sẽ giúp tăng nhận thức về quyền trẻ em và tăng cường ưu tiên xã hội chính trị.

Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết UNICEF ủng hộ mạnh mẽ việc xây dựng một cơ quan độc lập được nhà nước phân bổ nguồn lực và chịu trách nhiệm giải trình về cơ chế giám sát quyền trẻ em độc lập. Dựa vào bối cảnh đặc biệt của mình và thông qua quá trình tham vấn, Việt Nam có thể tự quyết định xây dựng một mô hình phù hợp và đảm bảo tính chất độc lập của cơ quan giám sát. UNICEF cam kết hỗ trợ Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ này trong khuôn khổ Công ước quốc tế về Quyền trẻ em.

Các đại biểu tham dự Hội thảo Cơ chế giám sát thực hiện quyền trẻ em hiệu quả- kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam

Tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế đến từ Na Uy, Ấn Độ, Malaysia, Mông Cổ và UNICEF đã trình bày các tham luận chia sẻ kinh nghiệm trong thiết lập và vận hành cơ chế giám sát thực hiện quyền trẻ em. Theo đó, tại Na Uy hay Ấn Độ đều có cơ quan nhân quyền độc lập là Ủy ban nhân quyền quốc gia trong đó có cơ quan đại diện cho trẻ em hay Ủy ban về quyền trẻ em. Các cơ quan này thực hiện nhiệm vụ giám sát, thúc đẩy và bảo vệ các quyền của trẻ em; là người phát ngôn của trẻ em. Tại Ấn Độ, Ủy ban bảo vệ quyền trẻ em Quốc gia có nhiệm vụ bảo đảm tất cả luật pháp, chính sách, chương trình, cơ quan và các cơ chế hành chính của Ấn Độ phải phù hợp với các quyền của trẻ em được quy định trong Hiến pháp Ấn Độ và theo Công ước quyền trẻ em. Theo đó, cơ quan này xem xét và rà soát luật pháp, các chương trình và chính sách và đưa ra những khuyến nghị phù hợp để bảo đảm bảo vệ các quyền của trẻ em; tiến hành điều tra các vụ việc vi phạm quyền trẻ em; tiếp nhận những vụ việc vi phạm về quyền trẻ em và thúc đẩy nghiên cứu, nâng cao, năng lực và nhận thức về quyền trẻ em...

Dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 10 vừa qua xác định Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là cơ quan đại diện cho tiếng nói trẻ em. Ngoài ra, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Hội đồng nhân dân các cấp thẩm tra việc tuân thủ các quy định về quyền trẻ em và bảo đảm thực hiện quyền trẻ em của Luật; thực hiện tiếp xúc với trẻ em hoặc trẻ em đại diện, chuyển các kiến nghị của trẻ em tới các cơ quan, tổ chức và giám sát việc giải quyết các kiến nghị đó. Những vấn đề này sẽ tiếp tục được xem xét, nghiên cứu để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Bảo Yến