Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu Hội thảo về phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững
Phát biểu khai mạc, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong bối cảnh tái cơ cấu mạnh mẽ nền nông nghiệp, để chuyển dịch lên nền sản xuất hiện đại, an toàn, bền vững và hiệu quả thì việc xây dựng và phát huy các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi đúng đắn. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh rất ít khi một đơn vị kinh tế có thể đảm nhận tất cả các khâu từ đầu vào đến đầu ra cho một sản phẩm, nhất là trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay thì sự liên kết giữa các tổ chức kinh tế với nhau hay giữa các tổ chức kinh tế với các cơ sở sản xuất, các hộ nông dân để phát huy thế mạnh của mỗi bên nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh, thương hiệu, uy tín thị trường là một xu thế tất yếu.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững” là cuộc đối thoại thực sự giữa các nhà hoạch định chính sách Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số bộ, ngành liên quan với các nhà nghiên cứu, với người tổ chức thực thi tại địa phương và đặc biệt với doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân… Do đó, tại Hội thảo, các đại biểu cần thẳng thắn lắng nghe ý kiến trực tiếp của các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân để tìm ra những giải pháp, những mô hình liên kết hiệu quả nhất, đồng thời tìm ra những chính sách hỗ trợ hiệu quả cho việc phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Theo Báo cáo đề dẫn, nông nghiệp Việt Nam tiếp tục thu được nhiều thành tựu đáng khích lệ trong chặng đường đầu thực hiện Nghị quyết 26/NQTW. Các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp đã đạt được tốc độ tăng trưởng hằng năm tương đối cao, đến năm 2014, bình quân toàn ngành là 5,4% về giá trị sản xuất và 3,7% về giá trị gia tăng. Sản lượng lúa tăng từ 39 triệu tấn năm 2006 lên mức 45 triệu tấn năm 2014. Việt Nam vẫn duy trì vị trí là cường quốc về xuất khẩu nông sản như lúa gạo, cà phê, tiêu, điều và thủy sản, đạt giá trị xuất khẩu gần 31 tỉ USD. Sản xuất ngày càng đa dạng về cơ cấu sản phẩm và loại hình tổ chức. Hệ thống sản xuất quy mô vừa và lớn đang được hình thành, đặc biệt là trong sản xuất chăn nuôi, lúa gạo, nuôi trồng thuỷ sản, trồng cây lâu năm. Xu thế đa dạng hóa tổ chức sản xuất đang được phát triển song song với các hình thức truyền thống như hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết tự nguyện giữa các nông hộ đã trở nên phổ biến hơn. Nổi bật trong những năm gần đây là sản xuất theo chuỗi với hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với các doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ rõ những diễn biến mới nhất cho thấy nền nông nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn như tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại, chất lượng nông sản thấp ảnh hưởng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời cũng nêu nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều cơ chế, chính sách trước đây mang lại những thành công nhưng nay lại trở thành rào cản cho sự phát triển; lực lượng sản xuất liên tục phát triển trong khi quan hệ sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp chưa có sự đổi mới thích ứng; tình trạng sản xuất còn manh mún chưa được khắc phục, các mối liên kết dọc và ngang phát triển khó khăn, những mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để tạo ra các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa lớn chậm phát triển…
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Hội thảo về phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững như: khuyến khích người nông dân tham gia vào các chuỗi giá trị nông nghiệp, vai trò của Hợp tác xã trong các chuỗi giá trị nông nghiệp; Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị thủy sản; Phát triển chính sách nông nghiệp, nông dân và nông thôn qua liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long; Tái cơ cấu nông nghiệp trước bối cảnh hội nhập- góc nhìn từ vùng đồng bằng sông Cửu Long…; Các đại biểu cũng chia sẻ nhiều thực trạng, kinh nghiệm và giải pháp phát triển một số sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của Việt Nam như lúa gạo, thuỷ sản, rau củ quả, chăn nuôi…
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Phát triển và Nông thôn Lê Quốc Doanh, những năm qua, sản xuất theo chuỗi với hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với các doanh nghiệp ngày càng phát triển. Tuy nhiên, gần đây nền nông nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn như tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại, chất lượng nông sản thấp ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nhiều cơ chế, chính sách trước đây mang lại thành công nhưng nay trở thành rào cản cho sự phát triển. Lực lượng sản xuất liên tục phát triển nhưng các quan hệ sản xuất trong nông nghiệp lại chưa có sự đổi mới tương thích. Tình trạng sản xuất manh mún chưa được khắc phục, các mối liên kết dọc và ngang phát triển còn gặp nhiều khó khăn. Những mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để tạo ra các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa lớn chậm phát triển. Trong khi đó, chuỗi giá trị đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, sản phẩm nông sản chủ yếu là xuất khẩu, do đó từng người nông dân hoặc các tổ hợp tác, hợp tác xã nhỏ lẻ không thể tự thực hiện
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị, cần phải thực hiện liên kết giữa các nông hộ- tổ chức của nông dân- các doanh nghiệp nhằm góp phần đưa sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế, gia tăng giá trị trong chuỗi sản xuất nông nghiệp.
Đồng tình với ý kiến trên, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cho rằng, muốn phát triển được chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững thì việc liên kết với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất là rất quan trọng. Đồng thời đề nghị nhà nước cần mạnh dạn điều chỉnh lại một số chính sách liên quan đến tích tụ ruộng đất, chính sách cho doanh nghiệp… để thực hiện thành công chuỗi giá trị này.