7 NỘI DUNG TRỌNG TÂM CẦN NGHIÊN CỨU, XEM XÉT ĐIỀU CHỈNH ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)

22/08/2023

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đã đưa ra 7 nội dung trọng tâm cần nghiên cứu, xem xét điều chỉnh như: các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, điều kiện hưởng lương hưu, xử lý vi phạm về trốn đóng bảo hiểm xã hội...

ĐỀ XUẤT ĐIỀU CHỈNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM XÃ HỘI LIÊN QUAN ĐẾN CHẾ ĐỘ THAI SẢN

ĐỀ XUẤT NGHIÊN CỨU, ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG VỀ VIỆC BỔ SUNG MỘT SỐ NHÓM ĐỐI TƯỢNG THAM GIA BHXH BẮT BUỘC

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 6 tới. Để chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc trình Quốc hội xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tiến hành cho ý kiến vào dự thảo Luật này.

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định: Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ lưu ý Luật Bảo hiểm xã hội phải phản ánh được tính lịch sử, tâm lý xã hội, dân số, sức khỏe nhân dân, dựa trên những căn cứ khoa học, tính thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng, tính toán cụ thể, tính dự báo cao và pháp điển hóa những quy định về chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 25.

Các chính sách và tác động hướng đến các mục tiêu của Nghị quyết số 28 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (Nghị quyết số 28) đã đặt ra, phù hợp với thực tiễn phát triển của quan hệ lao động, thị trường lao động ở nước ta, khả năng bảo đảm của ngân sách nhà nước, khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn.

Cần có những đổi mới căn bản để xử lý những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn; phân tích rõ tính ưu việt của các chính sách sửa đổi, bổ sung và tính đến những tình huống phản ứng chính sách của người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng chịu sự điều chỉnh của dự án Luật, các tác động đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, dư luận xã hội.

Dự án Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định và tinh thần của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ: Đánh giá cụ thể, đầy đủ về mối quan hệ giữa Luật Bảo hiểm xã hội và các luật có điều chỉnh về các chính sách vể bảo hiểm xã hội (Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Người cao tuổi…) và cập nhật tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. Ngoài ra, Chính phủ cần tiải trình rõ hơn sự tương thích với Công ước 102 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về an sinh xã hội dự kiến sẽ trình Quốc hội phê chuẩn trong thời gian tới, tương thích với các quy định có liên quan trong các hiệp định song phương, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Cơ quan soạn thảo đã tuân thủ thủ tục, quy trình xây dựng pháp luật, đã tiến hành lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, thể hiện nguyên tắc bình đẳng giới. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo đánh giá cụ thể hơn đối với từng chính sách để bảo đảm tính khả thi của việc giải quyết vấn đề giới trong dự thảo Luật, đồng thời bổ sung giải trình về việc bảo đảm chính sách dân tộc trong dự án Luật và quy định các nguyên tắc, nội dung liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số về các chính sách bảo hiểm xã hội đặc thù.

Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, thời hạn gửi Hồ sơ chưa bảo đảm theo đúng quy định. Báo cáo tổng kết thi hành Luật, Báo cáo đánh giá tác động chính sách, Báo cáo việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án Luật còn chưa đầy đủ, chưa toàn diện, chưa bảo đảm bao quát, đầy đủ, thuyết phục đối với những quy định có liên quan trong dự thảo Luật. Chưa có giải trình, thuyết minh, thông tin dữ liệu liên quan đến các chính sách, nhất là các chính sách mới, quy định phát sinh so với đề xuất xây dựng dự án Luật. Chưa đánh giá cụ thể về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực và phương thức bảo đảm thực hiện cũng như dự kiến nguồn lực mà ngân sách Nhà nước phải bảo đảm để thực hiện chính sách làm cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định. Tờ trình chưa giải trình việc thay đổi bố cục dự thảo Luật. Dự thảo các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành chưa được rà soát, cập nhật theo dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cần nghiên cứu mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rất công phu, nghiêm túc trong chuẩn bị dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội gồm 136 điều và cũng đánh giá cao Ủy ban Xã hội đã thẩm tra sơ bộ, mặc dù sơ bộ nhưng rất chi tiết.

Theo Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, đây là một dự án Luật không chỉ khó mà còn có tính nhạy cảm liên quan đến hàng triệu người trên phạm vi cả nước. Để góp phần tiếp tục cho ý kiến vào những nội dung của dự án luật mà gợi ý của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh tham gia vào một số nội dung:

Nội dung thứ nhất là về các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc ở Điều 3 dự án Luật. Tại khoản 6 giao cho Chính phủ quy định các đối tượng khác tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Tức là ngoài các đối tượng đã được liệt kê tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 ở điều này thì việc quy định các đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là vấn đề rất quan trọng và là một trong những nội dung chính của dự án Luật liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, vì vậy phải do Quốc hội quy định trong luật mới đảm bảo đúng tinh thần của Hiến pháp.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị trong trường hợp cơ quan soạn thảo không đề xuất thêm được đối tượng nào mà quy định là đối tượng khác thì ngoài các đối tượng đã được liệt kê tại các khoản 1, 2, 3, 5 ở điều này có thể bỏ khoản 6. Mặt khác, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta thấy có thêm những đối tượng được ghi ở khoản 6 là đối tượng khác thì có thể tiếp tục bổ sung vào dự án luật.

Nội dung thứ hai là về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ, dân phố. Ở Điều 3 dự thảo Luật có ghi là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với 4 nhóm đối tượng, trong đó có người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ, dân phố. Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhận thấy dự thảo luật đã quán triệt và thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết 28, đó là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác, trên cơ sở đó thì bổ sung đối tượng này.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, chỉ có người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong khi chế độ và chính sách được hưởng của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố là giống nhau, nhất là gần đây chúng ta triển khai Nghị định số 33 ngày 10/6/2023 quy định về các chế độ, chính sách đối với cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố. Do đó, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh tán thành với dự thảo luật về việc bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Tuy nhiên, để luật vận hành trôi chảy, đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình thêm trường hợp nhóm đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố khi bị ốm đau, cần thanh toán chế độ ốm đau thì ai sẽ là người xác nhận việc này. Việc kiểm tra, giám sát sẽ được thực hiện như thế nào.

Tại Điều 3 quy định mở rộng thêm một số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, như chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý, điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương. Ở Điều 3 dự thảo luật đã quy định “bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia”. Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhận thấy các tài liệu của dự thảo luật chưa luận giải được cơ sở lý luận và thực tiễn nào để chúng ta bắt buộc các đối tượng này phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Báo cáo đánh giá tác động chính sách cũng chưa rõ được tác động tới kinh tế - xã hội khi bắt buộc các đối tượng này phải tham gia bảo hiểm. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn các đối tượng là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, vì các đối tượng này không phải là người không hưởng tiền lương mà bắt buộc phải tham gia bảo hiểm thì cần phải làm rõ hơn cơ sở lý luận, thực tiễn và đánh giá tác động đối với các đối tượng mà chúng ta mở rộng.

Nội dung thứ ba, về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8, dự thảo Luật có bổ sung hành vi bị nghiêm cấm, đó là không thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về bảo hiểm xã hội. Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị không nên bổ sung 2 hành vi nêu trên vào Điều 8 là các hành vi bị nghiêm cấm. Luật hiện hành đều không đưa các hành vi này vào các hành vi bị nghiêm cấm với các lý do người bị xử phạt vi phạm hành chính mà không thực hiện quyết định xử phạt thì luật có trách nhiệm quy định các biện pháp bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.

Hiện nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định cơ bản đầy đủ các biện pháp bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính. Do vậy, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo cũng cân nhắc việc có quy định 2 hành vi trên vào Điều 8 về các hành vi bị nghiêm cấm hay không.

Nội dung thứ tư là xử lý vi phạm về trốn đóng bảo hiểm xã hội ở Điều 44. Ở khoản 2 Điều 44 dự thảo luật có ghi bổ sung chế tài cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên. Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc về việc bổ sung chế tài này vì biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn không chỉ liên quan đến toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể phải ngừng hoạt động nếu như phải ngừng sử dụng hóa đơn còn ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn, việc làm của người lao động, đến đời sống của người lao động. Đồng thời, tham khảo Điều 125 của Luật Quản lý thuế có quy định biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn nhưng chỉ áp dụng là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính và quản lý thuế. Khoản 3 Điều 44 dự thảo bổ sung chế tài cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc bổ sung biện pháp này để bảo đảm đồng bộ với các chế tài xử lý vi phạm trong hệ thống pháp luật. Ví dụ như là Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với người đại diện trong trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó bỏ trốn. Tức là có hành vi vi phạm hành chính và đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Việc dự thảo luật quy định biện pháp hoãn xuất cảnh là biện pháp độc lập không gắn với biện pháp hành chính cũng không gắn với hình sự. Cho nên cần phải cân nhắc thêm việc quy định này.

Nội dung thứ năm là về điều kiện hưởng lương hưu ở Điều 71 dự thảo luật quy định giảm số năm bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Vấn đề này đang còn có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến tán thành giảm xuống 15 năm và loại ý kiến đề nghị giữ 20 năm như luật hiện hành. Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh tán thành với dự thảo của Chính phủ trình với những lý do như sau:

Thứ nhất là việc quy định giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm là phù hợp với Nghị quyết 28 của Trung ương, đó là sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm và hướng tới là còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp hơn được tiếp cận và thụ hưởng với quyền lợi bảo hiểm xã hội.

Thứ hai là tạo cơ hội cho những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn như 45 đến 47 tuổi mới tham gia lần đầu, mới bắt đầu tham gia hoặc là những người tham gia liên tục, không liên tục dẫn đến nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ vẫn được hưởng lương hưu hàng tháng thay vì phải nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 7 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, nếu tiếp tục giữ quy định thời gian đóng bảo hiểm tối thiểu là 20 năm để được hưởng lương hưu như hiện hành thì sẽ có khoảng 476.000 người đã tham gia bảo hiểm xã hội khó có cơ hội nhận được lương hưu. Lý do tiếp theo nữa là mặc dù mức lương hưu tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu sẽ khiêm tốn hơn. Tuy nhiên, người có thời gian đóng dài và đầy đủ nhưng với mức lương hưu hàng tháng ổn định và trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế thì sẽ góp phần đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho người lao động khi về già. Đó là những lý do Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng tình với dự thảo của Chính phủ trong việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống còn 15 năm.

Nội dung thứ sáu, về mức hưởng trợ cấp thai sản đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ở Điều 101 dự thảo Luật quy định: "Lao động nữ khi sinh con thì lao động nam có vợ sinh con được hưởng 2 triệu đồng cho một con mới sinh". Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhận thấy việc bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện là phù hợp với Nghị quyết 28 yêu cầu mở rộng các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Việc bổ sung này góp phần tăng tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội tự nguyện và thu hút người dân, đặc biệt là nhóm lao động trẻ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tuy nhiên, việc quy định mức tiền cụ thể là 2 triệu đồng vào trong dự thảo luật thì cần cân nhắc để đảm bảo tính ổn định lâu dài của dự án luật. Tham khảo nhiều điều khác trong dự thảo luật lấy tiêu chí thì nên cân nhắc việc quy định cụ thể mức 2 triệu đồng thay bằng việc ta quy định bằng bao nhiêu lần mức lương cơ sở thì sẽ phù hợp hơn. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm nội dung này.

Nội dung thứ bảy, về thời hạn và chu kỳ báo cáo quyết định mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội. Ở Điều 125 dự thảo Luật có ghi sửa theo hướng nâng thời gian Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội từ 3 năm. Theo luật hiện hành hiện nay đang là 5 năm, theo dự thảo của Chính phủ đang đề nghị quy định là 3 năm. Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhận thấy vấn đề này đã được đặt ra trong quá trình xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và đã được Quốc hội thảo luận, cân nhắc và quyết định thời hạn báo cáo là 3 năm. Việc quy định thời hạn báo cáo là 3 năm mà không phải là 5 năm nhằm mục đích cảnh báo sớm các xu hướng tác động đối với việc bảo toàn và cân đối, cân bằng của quỹ, kịp thời điều chỉnh các bất cập trong tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, do Quỹ bảo hiểm xã hội là quỹ tài chính ngoài ngân sách lớn nhất nên cần phải có sự giám sát thường xuyên nhằm bảo đảm tính an toàn tuyệt đối với trụ cột lớn nhất của hệ thống an sinh xã hội.

Thực tế hiện nay, mặc dù được giám sát bởi nhiều cơ chế khác nhau, song vẫn xảy ra tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội và nhiều vi phạm khác, gây bức xúc cho người lao động. Theo Tờ trình của Chính phủ, số chậm đóng bảo hiểm xã hội, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016-2021 bình quân trên 10.000 tỷ/1 năm. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc điều chỉnh thời gian báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức chi phí bảo hiểm xã hội từ 5 năm xuống 3 năm./.

Bích Lan