Miền Trung: Lũ lụt làm 19 người chết, mất tích

14/11/2007

Tính đến chiều 12/11, thông tin cho biết đã có tới 19 người chết và mất tích do đợt lũ lụt thứ 4 lên tiếp tại các tỉnh miền Trung; nhiều địa phương bị cô lập trong lũ...

(VOV)_ Quảng Nam là địa phương bị ảnh hưởng lũ lụt nặng nề nhất. Mưa lớn kết hợp nước thượng nguồn đổ về từ đêm 11/11 đến sáng 11/12 làm nước lũ vượt đỉnh lũ năm 1999. Thống kê ban đầu, toàn tỉnh có 3 người chết và mất tích. 9/13 xã phường tại Hội An ngập chìm trong lũ sâu từ 1m-4,7m, có nơi ngập 5m như xã Cẩm Kim, khối Ngọc Thành phường Cẩm Phô, Khối Đồng Hiệp, An Hội, khu phố cổ phường Minh An, phường Cẩm Châu..., thị xã Hội An. Khoảng 50.000 nhà dân bị ngập; 50 khách sạn các loại đã chìm sâu trong lũ, hàng ngàn du khách phải sơ tán gấp. 

Thị xã Hội An huy động các lực lượng vũ trang như cơ quan quân sự thị xã, Đồn biên phòng 260, công an cùng thanh niên xung kích tại chỗ sử dụng hàng chục ca nô, thuyền máy… di chuyển gần 2.000 hộ dân vùng bị cô lập đến nơi an toàn. Tuy nhiên, sự cố gắng nỗ lực của chính quyền vẫn không giải quyết kịp số người đang còn mắt kẹt tại các vùng nguy hiểm, bởi do sự chủ quan của người dân.

Hiện nay, nước lũ vẫn đổ về. Lãnh đạo Thị ủy, UBND thị xã Hội An yêu cầu các lực lượng bằng mọi cách, mọi phương tiện thực hiện việc di dời tất cả người dân đang còn kẹt tại vùng bị mưa lũ đe dọa. Riêng xã Cẩm Kim bị cô lập hoàn toàn, không có một phương tiện nào tiếp ứng được, hiện tại khoảng 6.000 người đang gặp nguy hiểm giữa biển nước. Trong chiều 12/11, thị xã phải xin máy bay trực thăng Quân khu 5 để sơ tán dân và cứu trợ thức ăn, nước uống cho dân.

Trước tình mưa lũ diễn biến phức tạp, chiều 12/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã đến tỉnh Quảng Nam để kiểm tra, chỉ đạo việc khắc phục tình hình mưa lũ. Bộ trưởng đã chỉ đạo các biện pháp cụ thể để tránh đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, đồng thời yêu cầu tỉnh Quảng Nam thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng chính phủ: Không để cho một người dân nào bị đói, thiếu ăn trong lũ.

** Tại thành phố Đà Nẵng, lũ lên nhanh và bất ngờ về trong đêm khuya khiến chính quyền và nhân dân không kịp trở tay. Tính đến 17 giờ chiều 12/11, thành phố có 19.000 nhà dân và hàng trăm công sở, trường học bị ngập chìm trong nước lũ, một người dân  bị nước cuốn trôi. Tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang có tới 3.000 nhà dân bị ngập, trong đó có nhiều nhà nước đã chấm mái. Chính quyền địa phương huy động lực lượng sơ tán 2.100 người dân, chủ yếu người già và trẻ em đến nơi cao để tránh lũ.

Chiều 12/11, ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó Ban PCLB TP Đà Nẵng cho biết, 11 xã, phường đã bị cô lập hoàn toàn trong lũ, các lực lượng cứu hộ đã sơ tán khẩn cấp 3.000 hộ dân ra khỏi vùng bị chia cắt. Riêng phường Hoà Xuân (Cẩm Lệ) - vùng “rốn lũ” ở Đà Nẵng, hàng ngàn người dân vẫn bị mắc kẹt trong lũ.

Quốc lộ 1A đi qua đoạn Hòa Phước, huyện Hòa Vang bị ngập sâu, hàng trăm phương tiện với hàng nghìn hành khách phải mắc kẹt trên đường. Công an thành phố Đà Nẵng huy động 4 tổ làm nhiệm vụ chốt tại khu vực Ngã 3 Hòa Cầm, quốc lộ 14B, cầu Cẩm Lệ  phân luồng, bố trí nơi đỗ đậu xe tránh ùn tắc giao thông. Nước sông Hàn lên nhanh khiến nước tràn vào đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Núi Thành, Lê Đình Dương khiến giao thông nội ô bị ách tắc nhiều đoạn. 

** Quảng Ngãi: Tính đến chiều 12/11, tỉnh Quảng Ngãi có 7 người chết và mất tích, hơn 47.000 hộ dân của 65 xã của tỉnh Quảng Ngãi có nhà bị ngập lụt đang đối mặt với những khó khăn do thiếu lương thực, thực phẩm, nước uống và thuốc chữa bệnh, đặc biệt là với những hộ dân bị thiệt hại từ đợt lũ trước. Tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo xuất gạo và tiền từ nguồn Chính phủ hỗ trợ bị các gia đình có người bị thương nặng, nhà sập hoàn toàn...; khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu; mua giống hỗ trợ cây trồng giúp nông dân khôi phục sản xuất...

 ** Tại Thừa Thiên Huế đã có thêm 1 người tử vong do ghe bị lật. Hầu hết các địa phương như Phong Điền, Hương Trà, Phú Vang, thành phố Huế đều bị ngập nặng. Đường tránh quốc lộ 1 qua thành phố Huế bị ngập lụt 2 đầu, phía Bắc tại địa phận xã Văn Xá, phía Nam tại khu vực xã Thuỷ Dương, huỵên Hương Thủy. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cử lực lượng Cảnh sát giao thông canh giữ 2 điểm ngập lụt, không cho bất cứ phương tiện nào qua lại. Do mưa lũ, tàu SE2 và tàu VQ 2 với hơn 400 hành khách, Ga Huế đã tạo điều kiện cho hành khách ăn ở, sinh hoạt không để hành khách bị ép giá. Mưa lũ gây chia cắt nhiều tuyến đường lên các huỵên miền núi như Nam Đông, A Lưới. Chính quyền các địa phương đang nỗ lực huy động mọi phương tịên, nhân lực giúp dân di dời, bảo vệ tài sản, chuẩn bị đủ lương thực thực phẩm cho dân vùng lũ.

** Tại Bình Định: ngoài hai trường hợp là em Nguyễn Thị Mỹ (14 tuổi, ở xã Hoài Xuân) và Võ Thị Thuý (25 tuổi, ở xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn) bị lũ cuốn trôi, 5 trường hợp còn lại đều bị lật đò. Gồm Lê Thị Tẹt (36 tuổi), Phạm Thị Yến Thịnh (32 tuổi, đều ở Tuy Cung, Tuy Phước), Võ Thành Đô (25 tuổi, ở Cát Minh, Phù Cát), Đặng Thị Cẩm Ngọc (17 tuổi, ở Nhơn Hạnh, An Nhơn) và Phạm Văn Thông (44 tuổi, ở Nhơn Lộc, An Nhơn). Đây cũng là hồi chuông báo động về tình trạng người dân dùng đò đi lại trong vùng lũ, ra sông suối vớt cá, vớt củi… trong khi mưa lũ diễn biến phức tạp dẫn đến thiệt mạng. Ngoài ra, trong ngày 11/11, nhân dân xã Nghĩa Phú (TP. Quảng Ngãi) còn vớt được xác em học sinh Hồ Thị Thảo Trang (sinh năm 1991, ở phường Nghĩa Chánh (TP. Quảng Ngãi) bị rơi xuống sông Trà Khúc trong đợt lũ ngày 5/11.

** Tại Khánh Hoà cũng có hai trường hợp bị lũ cuốn trôi là bà Phan Thị Ngân (52 tuổi, ở xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm) và bà Lê Thị Hột (53 tuổi, ở xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh). Ba trường hợp bị mất tích là em Đinh Văn Bim (sinh năm 1994, ở Sơn Tây, Quảng Ngãi), ông Hồ Thương (xã Bình Long, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị cuốn trôi trên đường đi làm về và một người đàn ông ở xã Tiên Lãnh, huyện Phú Ninh (Quảng Nam) bị cuốn trôi khi đi qua ngầm cầu Quế Phương (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh), hiện vẫn chưa tìm được xác.

** Mưa lũ khiến nhiều đoạn đường sắt đi qua các tỉnh Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hoà đã bị ngập nặng, có chỗ ngập sâu khiến đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt. Theo ông Nguyễn Văn Tý, Giám đốc Công ty Quản lý Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng, trưa 12/11, nước lũ dâng cao làm đoạn đường sắt đi qua thành phố Đà Nẵng bị ngập 0,2 m. Đoạn thuộc khu Nông Sơn - Trà Triệu (Quảng Nam), nước lũ đã lên đến ngang bằng mặt ray. Đặc biệt, trận mưa to sáng 12/11 đã làm sạt lở 6 điểm đường sắt qua đèo Hải Vân, gây ách tắc hoàn toàn. Khoảng 10 đoàn tàu với trên 4.000 khách đang bị mắc kẹt tại các ga miền Trung. Các nhà ga đang phối hợp với địa phương và nhân viên nhà tàu để đảm bảo an ninh trên tàu và phục vụ miễn phí các bữa ăn cho hành khách. Dự kiến, nếu nước tiếp tục dâng, không thể thông tàu, ngành đường sắt sẽ bố trí xe ôtô để chuyển tải hành khách.

Thủ tướng yêu cầu triển khai ngay các biện pháp chống lũ

Ngày 12/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có Công điện gửi các Bộ, ngành, địa phương yêu cầu triển khai ngay các biện pháp phòng, chống lũ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.

 

Trong Công điện gửi Ban Chỉ đạo phòng chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, một số Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung chỉ đạo, huy động mọi lực lượng cần thiết để thực hiện việc cứu hộ người dân ở những vùng bị lũ lụt chia cắt, vùng ngập sâu, các vùng cửa sông, ven biển và sạt lở nguy hiểm; chủ động triển khai việc sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện các biện pháp cứu trợ kịp thời, không để người dân bị đói, đứt bữa do thiếu lương thực; chỉ đạo huy động ngành Y tế và các đoàn thể, lực lượng để chủ động phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường vùng bị thiên tai.

Lũ các sông vẫn đang rút rất chậm

Theo thông tin mới nhất từ Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các địa phương miền Trung, đến 6 giờ sáng nay (13/11), lũ các sông đã đạt đỉnh, nhưng mưa vẫn rất lớn nên lũ rút rất chậm. Tại Đà Nẵng, lũ sông Hàn đạt đỉnh hơn 4m và đang rút. Kinh nghiệm những năm trước Thành phố đã ban hành lệnh cấm các gia đình đi tránh lũ trở về nhà trong hôm nay vì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Thành phố đã cắt cử lực lượng canh gác tài sản cho nhân dân ở những nơi đi sơ tán.

Tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết, đêm 12/11, do ảnh hưởng của lưỡi áp cao lục địa kết hợp với đới gió đông trên cao hoạt động mạnh, các tỉnh từ Thừa thiên Huế đến Quảng Nam đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa đo được trong 9 giờ (từ 19 giờ ngày 12/11 đến 04 giờ ngày 13/11) phổ biến từ 50-100mm, một số nơi ở Quảng Nam trên 150mm, như tại Ái Nghĩa: 161mm, Giao Thủy 155mm, Câu Lâu: 198mm.

Lũ hạ lưu các sông từ Quảng Trị đến Bình Định xuống dần; riêng các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam xuống chậm và còn ở mức rất cao.. .

Dự báo trong 24 giờ tới, các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam vẫn còn có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, nhưng lượng mưa giảm dần so với 24 giờ qua. Trong 12 giờ tới mưa tập trung chủ yếu ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam với lượng mưa phổ biến từ 40-80mm, có nơi trên 100mm.

Ngày và đêm nay, lũ các sông từ Quảng Trị đến Bình Định tiếp tục xuống, riêng hạ lưu các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam còn ở mức cao. Đến tối nay, lũ hạ lưu sông Hương và hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn còn trên mức BĐ3; sông Bồ và sông Kôn ở trên mức BĐ2; các sông ở Quảng Trị, Quảng Ngãi ở trên mức BĐ1.

Lũ hạ lưu các sông thuộc các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam xuống chậm, nhưng còn ở mức cao, tình trạng ngập lụt vẫn xảy ra nghiêm trọng trên diện rộng, do đó cần chú ý theo dõi các bản tin dự báo tiếp theo để chủ động phòng tránh lũ có hiệu quả./.

 

Đồng Mạnh Hùng, Hải Sơn

(http://www.vovnews.vn/?)