Hiện tại, hầu hết cán bộ công chức (CBCC) hàng tháng đều nhận lương tại bộ phận tài vụ cơ quan, nhưng bắt đầu từ 1/1/2008, sẽ có thêm hình thức trả lương mới thông qua tài khoản. Đây được coi là bước đi đầu tiên, tiến tới việc phát triển hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, được đông đảo CBCC và người dân hưởng ứng. Tuy nhiên, thời điểm thực hiện đã đến gần, cả người nhận lương qua tài khoản và nhà cung cấp dịch vụ là các ngân hàng vẫn còn không ít vấn đề đặt ra, cần nhanh chóng khắc phục.
Trả lương qua tài khoản - nhiều tiện ích…
Việc chuyển từ hình thức thanh toán phổ biến dùng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt là yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế, giúp cơ quan quản lý kiểm soát được các hoạt động chi tiêu của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và từng cá nhân. Trong đó, lợi ích cụ thể sẽ giảm lượng tiền mặt trong lưu thông, tiết kiệm chi phí in ấn, vận chuyển, an toàn trong giao dịch, tránh rủi ro trong lưu hành, cất trữ tiền, loại bỏ được tiền rách, tiền giả. Ngoài ra, khách hàng còn được hưởng lãi suất trên số dư tài khoản. Đặc biệt là việc ngăn chặn, hạn chế các giao dịch tiền mặt bất hợp pháp như các hoạt động giao dịch ngầm, rửa tiền, tham ô, hối lộ, buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại…
Ở các nước trên thế giới, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đã được áp dụng từ rất lâu và trở nên thông dụng. Còn tại Việt Nam, hình thức trả lương qua tài khoản đã được một số đơn vị áp dụng, đặc biệt các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp có số lượng CBCN đông.
Riêng tại cơ quan Bộ Tài chính, ông Nguyễn Hồng Hà Vụ trưởng Vụ Tài vụ Quản trị cho biết, Chỉ thị 20/2997/CT-TTg yêu cầu, từ 1/1/2008, các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh thành tập chung chỉ đạo đơn vị trực thuộc triển khai việc trả lương qua tài khoản cho CBCC làm việc tại Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh thành. Từ 1/1/2009 sẽ mở rộng hình thức trả lương qua tài khoản cho CBCC ở những đơn vị còn lại trên phạm vi cả nước.
Việc trả lương vào tài khoản cho CBCC thuộc khối Văn phòng Bộ cũng đã thực hiện từ tháng 8/2006. Theo đó, ngày 5 hàng tháng, lương của hơn 1.100 CBCC được chi trả vào tài khoản cá nhân để khi cần, CBCC sẽ rút tiền từ máy ATM đặt tại trụ sở Bộ Tài chính. Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện cho thấy nhiều thuận lợi, việc quản lý tiền mặt được thực hiện chặt chẽ. Lương của CBCC được thanh toán nhanh chóng, chính xác, không xẩy ra nhầm lẫn. Các thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan cũng được giảm thiểu đáng kể, tiết kiệm được thời gian làm việc của cán bộ tài vụ, nhất là thủ quỹ. Tuy nhiên, việc thanh toán qua thẻ tại cơ quan Bộ cũng mới chỉ dừng lại ở việc chi trả tiền lương, các khoản tiền khoán chi như điện thoại, xăng xe, công tác phí vẫn phải lĩnh bằng tiền mặt. Vì vậy, hiện tại Vụ Tài vụ Quản trị cũng đang hoàn chỉnh các quy chế, thủ tục cần thiết để tiến tới tất cả các khoản chi đều trả qua tài khoản.
Chị Minh Tâm, chuyên viên Vụ Ngân sách Nhà nước thuộc Bộ Tài chính – người đã nhận lương qua tài khoản hơn 1 năm nay nhận xét, việc trả lương qua tài khoản là phương thức hiện đại, có nhiều tiện ích. Hàng tháng không phải trực tiếp ký nhận lương, khi đi công tác không phải mang theo nhiều tiền mặt, dễ mất cắp. Hơn nữa việc dùng thẻ hiện nay cũng đã được chấp nhận thanh toán ở một số dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, siêu thị… nên càng thuận tiện cho người dùng thẻ. Trường hợp không may bị mất thẻ thì cũng khó mất tiền nếu không lộ mã thẻ, thậm chí kể cả lộ mã thẻ dẫn đến mất tiền vẫn có hy vọng truy tìm được người rút tiền, nhờ hệ thống máy camera giám sát tại các điểm rút tiền tự động.
…nhưng cũng không ít bất cập!
Mặc dù thừa nhận việc trả lương qua tài khoản, tiến đến hình thức thanh toán không dùng tiền mặt sẽ có rất nhiều tiện ích, nhưng trong điều kiện cơ sở hạ tầng của hệ thống ngân hàng còn rất hạn chế, mốc thời gian thực hiện đã đến gần, việc vận động, tuyên truyền hướng dẫn người sử dụng… đang trở thành bài toán khó cho cả đơn vị cung cấp dịch vụ và người nhận lương.
Theo thống kê, hiện nay trên phạm vi cả nước với 4 ngân hàng có trang bị máy rút tiền tự động ATM, thì cũng chỉ mới có 4000 máy ATM tập trung chủ yếu ở một số đô thị lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nằng, Bình Dương và các khu công nghiệp tập trung. Nhiều huyện, thị xã vẫn chưa có hệ thống ATM, nếu có thì công suất sử dụng cũng rất thấp. Vì vậy, các chuyên gia ngân hàng ước tính, để đáp ứng việc trả lương cho một bộ phận CBCC thông qua tài khoản vào thời điểm 1/1/2008 thì hệ thống ngân hàng cần có ít nhất 12.000-15.000 máy ATM trên cả nước, được lắp đặt tại các trung tâm kinh tế, thương mại, trung tâm chính trị, văn hoá, khu dân cư đông người, các khu vui chơi, giải trí, trường học, bênh viện, trụ sở các cơ quan, công sở lớn (chưa tính đến nhu cầu có máy ATM đặt tại các xã, thị trấn). Đây thực sự là yêu cầu rất khó cho các ngân hàng, kể cả ngân hàng thương mại nhà nước lớn, khi mà thời gian thực hiện chỉ còn hơn 2 tháng!
Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, TS Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, trong lúc điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng của ngành ngân hàng còn thô sơ, lại đang rơi vào tình trạng “lãng phí” do hệ thống máy ATM của các ngân hàng chưa thể liên kết được với nhau, dẫn đến tình trạng một khu vực có tới cả 4 máy ATM của các ngân hàng, trong khi nếu liên kết được chỉ cần 1 máy. Ngược lại, có trường hợp ngay tại địa điểm gần cơ quan có máy ATM của Ngân hàng A nhưng lại không rút được tiền do đã mở tài khoản ở ngân hàng B! Mà, muốn rút tiền có khi phải đi cả 5-7 km, đến nơi không may trùng với kỳ lương của CBCC sẽ phải chờ đợi cả nửa giờ, thậm chí khi đến lượt thì máy ATM lại hết tiền hoặc bị trục trặc, coi như mất công mà vẫn không rút được tiền.
Đề cập đến một bất cập khác, anh Đỗ Văn Hải – làm việc trong một liên doanh nước ngoài ở Hà Nội, cho rằng, việc trả và nhận lương qua tài khoản đã trở nên rất quen thuộc, tuy nhiên cái khó lại nằm ở chỗ lương và các khoản thu nhập đều được trả vào tài khoản, nhưng việc chi tiêu hiện tại phần lớn vẫn phải dùng tiền mặt. Do đó, vẫn phải mất thời gian rút tiền từ máy ATM, sau đó mới thanh toán tại các địa điểm mua sắm. Mặc khác bất tiện nhất là mỗi khi phải rút tiền vào các dịp lễ tết, ngày nghỉ cuối tuần phải chờ đợi lâu hoặc khi gặp phải trục trặc do bị lỗi thẻ, máy hút mất thẻ phải đợi chờ làm lại thẻ mất 3-4 ngày, trong khi tiền có mà không lấy ra tiêu được.
Cần có “bộ điều khiển trung tâm”
Hơn lúc nào hết, cuộc đua phát triển các loại hình thẻ tín dụng đang được các ngân hàng đẩy nhanh tốc độ để bắt nhịp và mở rộng thị phần, cũng như quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngân hàng, vấn đề đặt ra lúc này là để mở rộng và phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng ngành ngân hàng, cần có một “bộ điều khiển trung tâm” làm cầu nối giúp các ngân hàng liên kết tìm ra một giải pháp tối ưu thông qua hình thức liên kết đầu tư phát triển công nghệ thẻ, thay vì “mạnh ai nấy làm” sẽ dẫn đến tình trạng chỗ thiếu vẫn thiếu, chỗ thừa cứ thừa. Hơn nữa, khi đầu tư hệ thống các máy ATM, các loại hình thẻ, đòi hỏi các ngân hàng cũng cần tính đến yếu tố công nghệ tương thích giữa các ngân hàng trong nước với ngân hàng liên doanh, ngân hàng quốc tế, tránh tình trạng khép kín sẽ rất tốn kém, lãng phí.
Mặt khác, cùng với việc mở rộng, phát triển hệ thống máy ATM trên phạm vi toàn quốc, cũng rất cần có sự liên kết giữa ngân hàng và các trung tâm dịch vụ thanh toán chấp nhập thẻ, từng bước mở rộng lĩnh vực và địa bàn trong các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng cần tiếp tục nghiên cứu, chuẩn hoá quy trình cung cấp dịch vụ, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo tính công khai, minh bạch, làm cho dịch vụ trở nên hấp dẫn và khách hàng cũng có thể dễ tiếp cận. Có như vậy, việc mở rộng hình thức trả lương qua tài khoản cho CBCC mới đảm bảo hiệu quả, tạo tiền đề cho các bước phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đối với nền kinh tế trong tương lai./.