Tổ chức thử tải 2 trụ tạm tại hiện trường

17/10/2007

TP - "Ngày mai chúng tôi sẽ chọn 2 trụ tạm để thử tải ngay tại hiện trường xem móng có bị lún hay không", TS Trần Chủng, Phát ngôn viên của Ủy ban Nhà nước điều tra sự cố cầu Cần Thơ cho biết.

Rất có thể vụ sập 2 nhịp dẫn cầu Cần Thơ là do trụ tạm yếu

Trưa 15/10 tại Cần Thơ, PV Tiền phong phỏng vấn PGS-TS Trần Chủng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, là Phát ngôn viên của Ủy ban Nhà nước điều tra sự cố sập 2 nhịp dẫn cầu Cần Thơ về những công việc đang tiến hành của Ủy ban.

Ủy ban Nhà nước điều tra sự cố cầu Cần Thơ đang tập trung vào những công việc chính gì, thưa ông?

Công việc chính tập trung ở hai tổ chuyên môn là Tổ chuyên gia về kỹ thuật và Tổ chuyên gia về pháp lý. Tổ chuyên gia về kỹ thuật đang nghiên cứu tài liệu hồ sơ thiết kế, thi công, giám sát và các dấu chứng tại hiện trường.

Trong vấn đề kỹ thuật, trụ tạm được xem xét như thế nào?

Trụ tạm tốn nhiều công sức nhất. Cụ thể sẽ xem móng trụ tạm có bị lún hay không, đà chính, đà ngang, đà dọc chịu lực như thế nào, có đảm bảo không.

Ông PGĐ Cty Vĩnh Thịnh có phát biểu với Tiền phong là móng trụ tạm bị lún, đúng không ạ?

Chưa kết luận được. Chúng tôi đang nghiên cứu việc khảo sát địa chất, thiết kế và thi công móng như thế nào. Ngày mai chúng tôi sẽ chọn 2 trụ tạm để thử tải ngay tại hiện trường xem móng có bị lún hay không. Tuy nhiên cũng phải sau 5 ngày mới có kết quả. Chọn 2 trụ nào trong 4 trụ tạm thì ngày mai các chuyên gia mới quyết định.

Về sự chịu lực của trụ tạm và giàn giáo, lời cảnh báo của kỹ sư Nhật Bản đã được Nhà thầu TKN tiếp thu như thế nào?

Nhà thầu đã chứng minh với chúng tôi về hình ảnh là đã tăng cường, tức là có một thanh thép chữ I được cảnh báo là yếu thì sau đó đã được ốp thêm 2 bản thép 2 bên, mỗi bản thép dày 16 ly và làm trước khi thi công. Tuy nhiên chúng tôi còn phải kiểm tra đường hàn có đạt yêu cầu hay không, giữa bản vẽ thiết kế với hiện trường có phù hợp hay không.

Nhà thầu đã tăng cường sức chịu lực cho một thanh thép ở toàn bộ vị trí xảy ra sự cố hay mỗi thanh thép ở một trụ tạm, thưa ông?

Điều này đang được xem xét.

Ông từng bình luận có sự mất ổn định của giàn giáo, thực tế như thế nào?

Các chuyên gia đang tập trung xem xét cơ chế chịu lực của các thanh đà để xác định cụ thể sự mất ổn định đã xảy ra như thế nào.

Một công nhân làm việc tại công trường phát hiện bê tông có vết nứt, đó có thể là nguyên nhân của thảm họa không?

Không. Nếu có nứt bê tông thì cũng không ảnh hưởng bởi dầm bê tông chưa làm việc, tất cả còn nằm trên giàn giáo và các trụ.

Nhà thầu chính TKN hợp tác với Ủy ban như thế nào?

Hợp tác tốt, thiện chí và có trách nhiệm. Các yêu cầu của Ủy ban đang được Nhà thầu TKN  đáp ứng đầy đủ. Báo cáo sơ bộ do TKN đưa lên là nghiêm túc.

 

Sáu Nghệ

(http://www.tienphongonline.com.vn)