QUỐC HỘI THẢO LUẬN TẠI HỘI TRƯỜNG VỀ CÁC BÁO CÁO CÔNG TÁC NGÀNH TƯ PHÁP

04/11/2019

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, ngày 04/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về các báo cáo công tác ngành Tư pháp. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

Tình trạng vi phạm pháp luật về ma túy lại càng nhức nhối

Phát biểu tại Phiên họp, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận bày tỏ sự đồng tình với những nội dung báo cáo của các ngành và đánh giá cao về những kết quả hoạt động của các ngành trong thời gian vừa qua, tuy nhiên qua tiếp xúc cử tri, người dân và cử tri rất lo lắng về tệ nạn ma túy, báo cáo của các ngành đều nêu đậm về vấn đề này. Cử tri cũng cho rằng ma túy là hiểm họa, nếu không xóa bỏ hay ngăn chặn sẽ có nguy cơ hủy hoại cả dân tộc. Để triệt phá tệ nạn ma túy chủ yếu trông chờ vào lực lượng chức năng, đặc biệt là ngành công an và một số lực lượng khác như biên phòng, hải quan. Mặc dù Bộ trưởng Bộ Công an cho biết trong thời gian qua bộ đã tập trung xử lý các đầu nậu, các đường dây buôn bán ma túy lớn và bắt bằng được các đối tượng cầm đầu. Nhưng đại biểu cho rằng kết quả đấu tranh và triệt phá các vụ ma túy lớn trong thời gian vừa qua rất lớn và rất đáng khen ngợi. Có thể nói phần lớn những vụ việc triệt phá đã thực hiện được cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Con số cả tấn ma túy bị bắt giữ trong thời gian qua nói lên điều đó, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực, hy sinh xương máu của lực lượng chuyên trách chống ma túy. Từ phân tích trên, đại biểu mong muốn Chính phủ sẽ quan tâm hơn đối với công việc này, kể cả về vấn đề nhân lực, trang thiết bị cũng như các chế độ, chính sách.

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương cho ý kiến 

Cũng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng tháp đánh giá tình trạng vi phạm pháp luật về ma túy lại càng nhức nhối hơn, với phương thức, thủ đoạn manh động, liều lĩnh của các đối tượng khi bị phát hiện, kể cả người nước ngoài, việc vận chuyển, mua bán với số lượng lớn ma túy qua các cửa khẩu chính ngạch, tiểu ngạch, cảng biển, cảng hàng không rất tinh vi nhằm che mắt các cơ quan chức năng diễn ra có lúc, có nơi chưa phát hiện được, các vụ phát hiện với số lượng cả tấn. Tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng chất ma túy chưa được kiềm chế diễn ra khắp nơi, ở đô thị lẫn nông thôn, gây tâm lý bất an trong xã hội, kể cả người thân của đối tượng sử dụng, việc xem người nghiện ma túy là người bệnh, khi phát hiện thời gian làm thủ tục đến khi Tòa án tuyên đối tượng đủ điều kiện đưa vào trại cai nghiện phải mất vài tháng, có vụ việc đối tượng đã gây án nguy hiểm, trước khi đưa vào trại. Do đó, đại biểu đề nghị cần cân nhắc lại tính pháp lý của hệ thống pháp luật cho phù hợp với thực tiễn diễn biến tội phạm này của đất nước ta.

Ô nhiễm môi trường đã gây bức xúc đối với cử tri

Tại Phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên phân tích, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, những năm gần đây thực trạng môi trường bị xâm hại nghiêm trọng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Nhiều nơi ô nhiễm môi trường đã gây bức xúc đối với cử tri và nhân dân. Năm 2019 đã phát hiện 22.535 vụ vi phạm pháp luật về môi trường với 2.782 tổ chức và 20.663 cá nhân vi phạm, nhưng cơ quan điều tra chỉ khởi tố được 355 vụ và 395 bị can, xử lý hành chính 19.600 trường hợp, phạt 243 tỷ đồng, số xử lý hình sự chỉ chiếm 1,58% so với số vi phạm được phát hiện. Đại biểu cho rằng việc xử lý vừa qua của các cơ quan chức năng là chưa đủ sức răn đe. Gần đây, vụ đổ trộm dầu thải tại khu vực Nhà máy nước sông Đà khiến nguồn nước bị ô nhiễm làm ảnh hưởng hơn 300.000 hộ gia đình ở Hà Nội. Vụ cháy ở Nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông làm phát tán thủy ngân và một số hóa chất khác làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh nhà máy. Tình trạng xả thải gây nguy hại môi trường vượt quy chuẩn cho phép tại nhiều khu, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường vẫn đang là vấn đề đối với các cơ quan quản lý nhà nước.

Để khắc phục tình trạng này, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường. Khởi tố vụ án, nếu xét thấy có dấu hiệu của tội phạm để áp dụng đầy đủ các biện pháp điều tra, thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật để xử lý nghiêm minh, đảm bảo tính răn đe, giáo dục chung về vi phạm pháp luật môi trường. Đồng thời chỉ đạo thanh, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý, bảo vệ môi trường ở các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, đặc biệt là việc xử lý nước thải trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, một số vụ việc liên quan đến sự cố môi trường của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương lúng túng không kịp đưa ra những thông tin chính xác, hướng dẫn giải pháp để người dân phòng tránh, khắc phục. Do vậy, người dân không biết tin và bấu víu vào đâu. Do đó, đề nghị Chính phủ quy định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước khi để xảy ra thảm họa môi trường. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp, người dân nội dung nhiệm vụ hành động công việc cụ thể để ứng phó. Đặc biệt, trước mắt và lâu dài cần có giải pháp tổng thể để bảo vệ an ninh nguồn nước, cung cấp nước sạch cho người dân.

Đại biểu Trần Hồng Hà phát biểu 

Khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động của các cơ quan Tư pháp

Cho ý kiến tại Phiên thảo luận, đại biểu Trần Hồng Hà- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ, trong công tác của Viện kiểm sát còn có tồn tại, hạn chế như việc phê chuẩn, áp dụng biện pháp ngăn chặn thiếu chính xác, xảy ra một số trường hợp bị can phải đình chỉ do không cấu thành tội phạm. Còn trường hợp Viện kiểm sát cấp trên phải rút kháng nghị của Viện kiểm sát cấp dưới. Việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại trong tố tụng dân sự còn chậm. Một số trường hợp cán bộ, công chức vi phạm phải xử lý kỷ luật, có trường hợp phải xử lý về hình sự. Nguyên nhân chủ quan của thiếu sót đó là hạn chế về năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm, chấp hành kỷ luật nghiệp vụ của một bộ phận lãnh đạo, kiểm sát viên chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.

Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng đã chỉ ra tồn tại, hạn chế vướng mắc trong năm 2019 như chất lượng và tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính và giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa cao. Một số số hạn chế trong công tác giải quyết các vụ án hình sự được khắc phục triệt để. Nguyên nhân của hạn chế thiếu sót số lượng các vụ việc mà các Toà án phải thụ lý giải quyết tiếp tục gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp, trong khi đó một số điều kiện đảm bảo cho hoạt động của Tòa án chưa được bổ sung kịp thời. Số lượng thẩm phán, thẩm tra viên làm công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao còn thiếu so với yêu cầu công việc. Một số thẩm phán, công chức tòa án thiếu trách nhiệm, thiếu kinh nghiệm, không thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng nên có vi phạm và dẫn đến hiệu quả công tác chưa tốt.

Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử bên cạnh các giải pháp mà các cơ quan Tư pháp đã đề ra trong các báo cáo, đại biểu đề nghị:

Đối với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cần có các giải pháp cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao hơn nữa chất lượng, năng lực chuyên môn đối với các kiểm soát viên, kiểm tra viên nhằm đảm bảo công tác thực hiện quyền công tố, kiểm soát, giải quyết các vụ án có hiệu quả, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, chống bức cung, nhục hình, chống lạm dụng các biện pháp bắt tạm giữ, tạm giam, chống oan sai và chống bỏ lọt tội phạm.

Đối với Tòa án nhân dân tối cao, cần chỉ đạo các toà án tập trung thực hiện tốt 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng công tác xét xử. Tăng cường công tác hướng dẫn, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, giải đáp kịp thời các vướng mắc về nghiệp vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử. Kiện toàn đội ngũ công chức của các tòa án, nhất là đội ngũ thẩm phán ở tòa án nhân cấp huyện. Rà soát, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn đầu mối của các tòa án gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, đặc biệt là đội ngũ thẩm phán. Tôi cũng bày tỏ sự ủng hộ, đồng tình với đề xuất của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc nghiên cứu, sắp xếp lại một số Tòa án nhân dân cấp huyện để tránh lãng phí nguồn lực. Cần có các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc khi giải quyết các vụ án.

Ngoài ra, tại Phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng đánh giá cụ thể về công tác phòng chống tham nhũng, công tác thi hành án; tình hình xử lý các tội phạm về tham nhũng; ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm; diễn biến thực tế của tội buôn bán người; mang thai hộ…

Theo Chương trình làm việc, sáng ngày 05/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019./.

Hồ Hương- Nghĩa Đức